"Nhiều bệnh viện quá tải các bé chờ phẫu thuật tim"

08:06, 12/06/2015

Ngày 30/5, tại Đà Lạt, TS-BS Nguyễn Hoàng Định - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM - tham gia khám cho bệnh nhân và trình bày tại hội thảo về những tiến bộ trong phẫu thuật tim để cập nhật kiến thức mới cho các bác sĩ ở Lâm Đồng. 

Ngày 30/5, tại Đà Lạt, TS-BS Nguyễn Hoàng Định - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM - tham gia khám cho bệnh nhân và trình bày tại hội thảo về những tiến bộ trong phẫu thuật tim để cập nhật kiến thức mới cho các bác sĩ ở Lâm Đồng. Nhân dịp này, PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn ngắn với ông xung quanh việc phẫu thuật tim cho trẻ em hiện nay. 
 
TS-BS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM hướng dẫn các thực tập sinh Thụy Sỹ khám tim miễn phí cho trẻ em Lâm Đồng ngày 30/5/2015
TS-BS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM hướng dẫn các thực tập sinh Thụy Sỹ khám tim miễn phí cho trẻ em Lâm Đồng ngày 30/5/2015

PV: Ông cho biết cảm nghĩ của mình khi tham gia chương trình khám sàng lọc tim miễn phí cho trẻ em?
 
Đào tạo kỹ thuật mổ tim cho Myanmar
 
Ê-kíp phẫu thuật tim mạch Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM đã 2 lần qua Myanmar mổ tim cho trẻ em và chuyển giao kỹ thuật trong chương trình hợp tác của Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM và BV Nhi Yankin, Yangoon. Trong năm 2013, ê-kíp mổ tim của BV Nhi Yankin đã bước đầu hoàn tất chương trình đào tạo tại Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD. Myanmar - một đất nước có dân số 60 triệu người nhưng chỉ có 4 trung tâm mổ tim. Mỗi năm tại nước này chỉ khoảng 1.000 trường hợp bệnh tim được mổ, trong khi nhu cầu mổ tim của người dân Myanma rất lớn, từ 15.000 - 20.000 trường hợp mỗi năm.
TS-BS Nguyễn Hoàng Định: Đây là lần thứ hai tôi đến Lâm Đồng để khám sàng lọc bệnh tim. Tôi nhận thấy công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở đây tốt, các bé tôi khám hầu như chưa có bé nào bị nặng cần phải mổ mà chưa được mổ. Có tỉnh tôi khám thấy có những bệnh nặng nhưng chưa mổ được vì người nhà không có khả năng tài chính và tỉnh chưa tìm được nhà tài trợ. Riêng ở đây, tôi chưa phát hiện trường hợp nào bị bỏ sót, qua đó tôi đánh giá cao công tác tổ chức và quản lý bệnh nhân bị tim bẩm sinh ở Lâm Đồng. 
 
Đoàn khám tim từ thiện chúng tôi đã đi rất nhiều nơi từ các tỉnh miền Trung đến đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ. Chúng tôi nhận thấy thành phố Đà Lạt đẹp, nên thơ, người dân Đà Lạt rất thân thiện, nhiệt tình, cởi mở. Sự lịch thiệp của những bệnh nhân tôi tiếp xúc đem đến cho tôi một cảm giác ngạc nhiên dễ chịu.
 
PV: TS-BS có thể cho biết tình hình bệnh tim trong cộng đồng hiện nay và làm thế nào để giảm tải cho tuyến trên trong phẫu thuật tim trẻ em?
 
TS-BS Nguyễn Hoàng Định: Tỉ lệ bệnh tim trong cộng đồng 1/1000, tôi nghĩ Lâm Đồng không khác các địa phương khác về tỉ lệ người dân mắc bệnh này. Để làm sao giảm tải tuyến trên, tuyến dưới cần phát huy vai trò của mình trong việc khám sàng lọc, quản lý các bệnh nhi của bệnh tim mạch, tiến tới phát triển chuyên khoa Phẫu thuật tim mạch. Chỉ chuyển lên tuyến trên những trường hợp bệnh nhân cần phẫu thuật hoặc điều trị can thiệp; ngay cả sau khi mổ xong thì bệnh nhân có thể quay về tuyến dưới để tiếp tục điều trị theo dõi quản lý sau mổ.
 
Tuy nhiên, hiện nay nhiều tỉnh chưa chẩn đoán phân loại được các bệnh tim bẩm sinh ca nào nhẹ, ca nào nặng, phát hiện bệnh tim bẩm sinh thường là đưa lên tuyến trên luôn. Bệnh viện tuyến trên khám, rồi lại hẹn tái khám, cứ mỗi một bé mỗi tháng khám một lần như vậy số lượng rất nhiều ở tuyến trên mà không phải trường hợp nào cũng phải xử trí cấp cứu. Các bệnh viện chuyên khoa Nhi tại Tp.HCM luôn quá tải các bé chờ phẫu thuật tim, nhiều trường hợp có chỉ định mổ nhưng mà chờ rất lâu chưa được mổ. Hiện tại, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM cố gắng tăng số lượng có thể mổ được, từ 500 ca năm 2014 phấn đấu tăng lên 1.000 ca mỗi năm từ 2015 trở đi để giải quyết được số tồn đọng đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân các tỉnh. 
 
Bên cạnh đó, Bệnh viện Đại học Y Dược sẵn sàng giúp các địa phương phát triển ngành tim mạch và phẫu thuật tim mạch. Hiện tại chúng tôi đang giúp đào tạo ê-kíp mổ tim của Bệnh viện Cần Thơ. Trung tâm Tim mạch của bệnh viện thường xuyên tổ chức đào tạo y khoa liên tục, cập nhật các thông tin, các kỹ thuật mới trong điều trị nội và ngoại khoa các bệnh lý tim mạch.
 
PV: Cám ơn TS-BS!
 
DIỆU HIỀN (thực hiện)