Khai thác khoáng sản trái phép là vấn đề "nóng" đang diễn ra trên địa bàn huyện Bảo Lâm. Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng huyện Bảo Lâm đã tiến hành kiểm tra hàng loạt điểm khai thác khoáng sản tại nhiều xã và đã có quyết định xử phạt hành chính đối với nhiều người khai thác khoáng sản trái phép.
Khai thác khoáng sản trái phép là vấn đề “nóng” đang diễn ra trên địa bàn huyện Bảo Lâm. Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng huyện Bảo Lâm đã tiến hành kiểm tra hàng loạt điểm khai thác khoáng sản tại nhiều xã và đã có quyết định xử phạt hành chính đối với nhiều người khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, tại nhiều địa bàn, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn tái diễn. Có những đơn vị đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn ngang nhiên khai thác.
Hết hạn giấy phép, vẫn khai thác
Dù giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực hơn 2 năm (từ tháng 4/2013), nhưng Công ty TNHH An Việt vẫn tiếp tục khai thác cát và sét tại Tiểu khu 454 (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm). Đến tháng 10/2014, UBND huyện Bảo Lâm đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại địa điểm khai thác của Công ty An Việt và ra quyết định xử phạt hành chính 16 triệu đồng về hành vi khai thác khoáng sản không phép. Cùng với xử phạt hành chính, Công ty An Việt còn buộc phải chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản không có giấy phép và san lấp, khôi phục hiện trạng đất đai tại khu vực. Thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 30 ngày. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không những không khắc phục hậu quả mà Công ty An Việt vẫn tiếp tục đào hút cát, sét và cao lanh tại khu vực nói trên.
Có mặt tại bãi khai thác của Công ty An Việt vào thời điểm giữa tháng 6/2015, chúng tôi vẫn trông thấy hoạt động khai thác diễn ra bình thường. Tại bãi khai thác, vẫn có 2 xe múc, một số máy bơm hút cát và 4 - 5 công nhân đang làm việc. Cát được hút lên cao thành đống. Xung quanh, nhiều hố sâu hoắm do hoạt động hút cát tạo thành. Một số lao động tại đây đang căng bạt che phủ trên một đống sét và cao lanh vừa mới được đào lên để tránh bị rửa trôi. Cát, sét và cao lanh sau khi được khai thác tại đây sẽ được vận chuyển ra thôn 14 (xã Đam Bri, TP Bảo Lộc) để tập kết và sau đó đem đi tiêu thụ. Theo một số hộ dân tại thôn 14, hầu như đêm nào cũng có xe vận chuyển cát và cao lanh trên tuyến đường này. Trước đây, việc tập kết và vận chuyển cao lanh của Công ty An Việt đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của một số hộ dân và làm hư hỏng nghiêm trọng đường dân sinh (Báo Lâm Đồng đã có bài viết phản ánh về vấn đề này).
Ngày 20/5 vừa qua, Công an huyện Bảo Lâm đã phát hiện và lập biên bản 2 xe chở sét, cao lanh từ bãi khai thác của Công ty An Việt đi ra. Mỗi xe đã bị xử phạt số tiền 1,5 triệu đồng vì vận chuyển nguyên vật liệu không che chắn để rơi vãi ra đường, gây ô nhiễm môi trường. Liên quan đến vụ việc này, ông Đỗ Đình Dũng, Giám đốc Công ty TNHH An Việt, cũng đã thừa nhận khi làm việc với Công an huyện Bảo Lâm. Theo đó, Công ty An Việt được UBND tỉnh Lâm Đồng cho chuyển đổi 23ha đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 454, 455 (thôn 6, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm) sang đất nông nghiệp để đào ao nuôi trồng thủy sản. Quá trình đào ao, Công ty phát hiện có đất sét nhưng không báo cáo với cơ quan chức năng mà tự ý thuê Công ty Hòa Hưng đào múc và vận chuyển ra bãi tập kết tại thôn 14 (xã Đam Bri) rồi xin giấy phép tận thu sau. Ông Dũng thừa nhận việc khai thác và vận chuyển đất sét ra bãi tập kết khi chưa có phép là sai và cam kết dừng việc khai thác thác, vận chuyển đất sét ra khỏi hiện trường. Về phía Công an huyện Bảo Lâm cũng đã đề nghị Phòng Tài nguyên - Môi trường tham mưu cho UBND huyện Bảo Lâm xử lý, xử phạt Công ty An Việt.
|
Hoạt động khai thác cát, cao lanh của Công ty TNHH An Việt (Ảnh chụp ngày 10/6/2015) |
Kiểm tra đâu, sai phạm đó
Từ năm 2005 đến nay, toàn huyện Bảo Lâm có 52 giấy phép khai thác khoáng sản các loại được cấp. Do nhiều đơn vị khi được cấp phép đã không triển khai hoặc triển khai không đúng quy định nên UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định thu hồi 36 giấy phép. Hiện tại, trên địa bàn huyện chỉ còn 16 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực; trong đó, có 8 giấy phép khai thác đá xây dựng, 6 giấy phép khai thác cát, 1 giấy phép khai thác than bùn và 1 giấy phép khai thác cao lanh. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là hoạt động khai thác khoáng sản trái phép hoặc không đúng giấy phép vẫn cứ âm thầm diễn ra!
Từ đầu năm đến nay, huyện Bảo Lâm đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Các đoàn đã tiến hành kiểm tra tại địa bàn các xã: Lộc Ngãi, Lộc Đức, Lộc Bảo, Lộc Bắc, Lộc Tân, Lộc Lâm và B’Lá. Qua kiểm tra, hầu hết các nơi đều phát hiện những vi phạm. Nhẹ thì máy móc tạm ngưng hoạt động nhưng theo hiện trường để lại cho thấy có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Ở mức độ vi phạm nặng hơn, đoàn kiểm tra đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 4 cá nhân, tổ chức vì khai thác khoáng sản trái phép. Trong đó, Công ty TNHH Thành Luân (trụ sở tại phường 2, TP Bảo Lộc) bị phạt nhiều nhất (24 triệu đồng), vì khai thác cát không phép tại khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 4. Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng đã xác định Công ty Thành Luân khai thác cát với công suất 10 - 15 m3/ngày. Ngoài Công ty Thành Luân, còn có 3 cá nhân cũng bị xử phạt từ 6 đến 10 triệu đồng, vì khai thác đá xây dựng không phép tại các xã Lộc Đức, Lộc Ngãi, Lộc Lâm.
Theo ông Nguyễn Bá Đông, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bảo Lâm, Trưởng đoàn kiểm tra, dù tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại các địa bàn vẫn còn diễn ra, nhưng UBND các xã, thị trấn vẫn chưa quan tâm quản lý đối với khoáng sản chưa khai thác. Do đó, Đoàn kiểm tra đã kiến nghị UBND huyện Bảo Lâm chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Ngoài ra, các đơn vị chủ rừng cũng cần tăng cường công tác quản lý để tránh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, làm ảnh hưởng đến rừng và tài nguyên rừng. Tại những vị trí đã xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, UBND các xã phải thường xuyên kiểm tra để ngăn chặn kịp thời, không để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tiếp diễn.
ĐÔNG ANH