"Tháng 2 năm 2014, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật đã xác nhận mức độ khuyết tật của vợ tôi ở mức độ nhẹ, rồi sau đó cắt luôn tiền trợ cấp khuyết tật hàng tháng mà trước đây vợ tôi đã được nhận, khiến gia đình tôi càng khó khăn hơn trong cuộc sống!" - ông Đỗ Văn Trực, chồng của bà Trần Thị Lơ (tổ dân phố 2A, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh), cho biết.
“Tháng 2 năm 2014, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật đã xác nhận mức độ khuyết tật của vợ tôi ở mức độ nhẹ, rồi sau đó cắt luôn tiền trợ cấp khuyết tật hàng tháng mà trước đây vợ tôi đã được nhận, khiến gia đình tôi càng khó khăn hơn trong cuộc sống!” - ông Đỗ Văn Trực, chồng của bà Trần Thị Lơ (tổ dân phố 2A, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh), cho biết.
Bị mất quyền lợi
Theo ông Trực, quyết định này là chưa thật hợp lý. Bởi vì vợ ông bị cụt mất một phần của chân phải, đi lại rất khó khăn. Mọi sinh hoạt hàng ngày của vợ đều phải có sự hỗ trợ của ông. Trong khi đó: “Ở huyện Đạ Tẻh, tôi thấy nhiều người bị khuyết tật còn nhẹ hơn tôi mà vẫn được hưởng trợ cấp khuyết tật” - bà Trần Thị Lơ bức xúc.
Năm 2011, bà Trần Thị Lơ đã được hưởng tiền trợ cấp khuyết tật mỗi tháng 240.000 đồng. Tuy nhiên, vào tháng 2/2014, sau khi xác định lại mức độ khuyết tật của bà, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật kết luận bà bị khuyết tật vận động nhẹ, nên tháng 6/2014, UBND thị trấn Đạ Tẻh đã cắt tiền trợ cấp khuyết tật.
Nghị định 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT - BLĐTBXH - BYT - BTC - BGDĐT của Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định rõ, khi đánh giá mức độ khuyết tật, hội đồng xác định tại địa phương phải gặp trực tiếp người khuyết tật. Trong đó, có 8 tiêu chí để chấm điểm: Tự đi lại; tự ăn uống; tự đi vệ sinh cá nhân; tự mặc, cởi quần áo, giày dép; nghe và hiểu người khác nói; diễn đạt được ý muốn và suy nghĩ của bản thân qua lời nói... Nếu người khuyết tật thực hiện được một trong các hoạt động trên sẽ được tính từ 1 - 2 điểm, còn không thì tính 0 điểm. Tổng cộng có từ 0 - 4 điểm là khuyết tật đặc biệt nặng và từ 5 - 11 điểm là mức độ nặng sẽ được hưởng trợ cấp. Còn nếu có tổng điểm từ 12 trở lên (mức độ nhẹ) thì sẽ không được hưởng trợ cấp.
Ông Đỗ Văn Trực đặt câu hỏi: “Chẳng lẽ với một người bị cụt chân quá đầu gối như vợ tôi mà lại vận động dễ dàng như cách mà Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thị trấn đã đánh giá sao?”.
Cơ quan chức năng nói gì?
Ông Trịnh Văn Khả, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đạ Tẻh, cho biết: “Năm 2014, chúng tôi tiến hành rà soát, đánh giá lại mức độ khuyết tật của 190 trường hợp đang được hưởng tiền trợ cấp khuyết tật và đã đưa ra khỏi danh sách 97 trường hợp; trong đó, có trường hợp của bà Trần Thị Lơ. Bà Trần Thị Lơ được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật kết luận là bà bị khuyết tật vận động ở mức độ nhẹ (16 điểm), nên không thuộc diện được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định”.
“Vậy, tại sao trước đó bà Trần Thị Lơ lại được hưởng tiền trợ cấp khuyết tật?” - tôi hỏi. Ông Trịnh Văn Khả giải thích: “Trước kia, người khuyết tật không có khả năng lao động và không có khả năng tự phục vụ thì được hưởng trợ cấp theo Nghị định 13. Tuy nhiên, Nghị định 28 quy định rất khắt khe, nên có người bị rút lại sổ bảo trợ xã hội”.
Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Khả cũng cho rằng, đánh giá của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật lần này không có nghĩa là bà Trần Thị Lơ sẽ vĩnh viễn không được hưởng tiền trợ cấp khuyết tật nữa. Trong quá trình sinh sống, nếu gặp phải những khó khăn về sức khỏe, thì bà có thể cung cấp giấy khám sức khỏe, đơn xin xác định lại mức độ khuyết tật và giấy chứng nhận mức độ khuyết tật trước đây. Khi đó, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của thị trấn sẽ xem xét lại để bà có thể được hưởng chế độ khuyết tật theo quy định.
TRỊNH CHU