Trao đổi với phóng viên, thượng tá Đoàn Văn Bính - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy - PC47 (Công an tỉnh Lâm Đồng) khẳng định: Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy, phương châm của chúng tôi là phải tập trung "cắt cung, giảm cầu ma túy".
Trao đổi với phóng viên, thượng tá Đoàn Văn Bính - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy - PC47 (Công an tỉnh Lâm Đồng) khẳng định: Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy, phương châm của chúng tôi là phải tập trung “cắt cung, giảm cầu ma túy”. Theo đó, một mặt tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với tội phạm ma túy, đồng thời đẩy mạnh công tác phòng ngừa và tổ chức tốt công tác quản lý đối tượng nghiện. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, việc “cắt cung, giảm cầu ma túy” tại Lâm Đồng vẫn là bài toán nan giải.
|
Công an TP Đà Lạt thu giữ tang vật trong một vụ án ma túy. Ảnh: Thụy Trang |
Năm 2014, Công an các địa phương đã bắt 146 vụ, 171 đối tượng; trong đó, đã truy tố 128 vụ, 153 bị can, tăng 18 vụ so với năm 2013. Tang vật thu giữ gồm: 206,8 gram ma túy tổng hợp, 207,5 gram hêrôin, 65,4 gram cần sa khô và 1.215 cây cần sa tươi. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Công an các địa phương đã bắt 56 vụ, 65 đối tượng; đã đề nghị truy tố 48 vụ, 56 bị can, giảm 16 vụ so với 6 tháng đầu năm 2014. Tang vật thu giữ 130,13 gram ma túy tổng hợp, 31,62 gram hêrôin và 79,2 gram cần sa khô.
|
Mặc dù ở Lâm Đồng, tội phạm ma túy và đối tượng nghiện ma túy so với tình hình chung của cả nước là không lớn. Tuy nhiên, các đối tượng nghiện hút và tội phạm ma túy trên địa bàn vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Đến nay, sau rất nhiều nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong cuộc chiến phòng, chống ma túy, nhưng toàn tỉnh hiện vẫn còn 99/147 xã, phường, thị trấn có ma túy, một con số đáng báo động. Không khó để bắt gặp hàng tá bơm kim tiêm tại các ngôi nhà hoang, trong các nhà nghỉ chân ở công viên và thậm chí ở ngay cả cổng trường. Số liệu của Công an tỉnh, năm 2014, trên địa bàn Lâm Đồng có 2.051 đối tượng nghiện, tăng 311 đối tượng so với năm 2013; và con số này được xác định lại trong 6 tháng đầu năm 2015 là 2.014 đối tượng, tăng 193 đối tượng so với 6 tháng đầu năm 2014. Theo trung tá Chu Thanh Tâm - Đội trưởng Đội Tham mưu PC47 thì đây là số đối tượng công an có hồ sơ quản lý, còn con số thực tế chắc chắn còn nhiều hơn. Cũng có người ví von, đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Không ai có thể khẳng định con số là bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ lớn hơn gấp nhiều lần con số thực tế đang quản lý.
Đối tượng nghiện ma túy diễn biến phức tạp, trong khi đó việc tập trung cai nghiện và thực hiện các biện pháp quản lý sau cai nghiện đạt hiệu quả chưa cao. Trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh mới chỉ lập hồ sơ đưa được 2 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, phản ánh “cuộc chiến” giảm cầu ma túy đang hết sức cam go. Sở dĩ chưa đưa được nhiều đối tượng đi cai nghiện bắt buộc là do còn những bất cập trong cơ chế. Thượng tá Đoàn Văn Bính - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy cho hay: Trước đây, việc đưa người nghiện đi cai bắt buộc được thực hiện theo quy trình: công an phát hiện đối tượng tiến hành kiểm tra, cho tự khai báo, xác định nơi cư trú và lập hồ sơ đưa đi trung tâm cai nghiện bắt buộc. Với quy trình này, chỉ cần tối đa 3 tháng là người nghiện ma túy đã được đưa vào trung tâm cai nghiện. Từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực thì việc đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc kéo dài gấp đôi so với quy trình cũ. Đầu tiên phải xác định tình trạng nghiện rồi mới xử phạt hành chính, tiếp đó đưa về giáo dục tại phường, xã (cai nghiện tại cộng đồng) trong thời gian 3 đến 6 tháng, nếu tái nghiện mới làm thủ tục đưa đi cai nghiện bắt buộc. Mặt khác, việc xác định tình trạng nghiện của đối tượng cũng rất nhiêu khê: Thẩm quyền xét nghiệm phải là y, bác sỹ có chứng chỉ hành nghề và phải qua khóa tập huấn nghiệp vụ về xét nghiệm người nghiện ma túy. Trong khi hầu hết các trạm y tế phường, xã hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu này... Đó chính là những trở lực đáng kể trong việc “giảm cầu” ma túy thời gian qua.
Cùng với “giảm cầu”, cắt “nguồn cung” ma túy là nhiệm vụ trọng tâm của Công an Lâm Đồng trên mặt trận đấu tranh phòng chống ma túy. Là cơ quan thường trực, PC47 (Công an tỉnh) đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống ma túy. Đồng thời, lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, mở nhiều đợt cao điểm tấn công, truy quét các đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng các chất ma túy. Hoạt động tội phạm ma túy trên địa bàn chủ yếu do các đối tượng nghiện hút ngoài tỉnh cấu kết với các đối tượng trong tỉnh tạo thành đường dây, móc nối tổ chức mua bán và sử dụng các chất ma túy. Lượng ma túy được khám phá, phát hiện trong những năm qua không lớn, chủ yếu được các đối tượng vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc và thành phố Hồ Chí Minh vào Lâm Đồng tiêu thụ. Riêng cây cần sa, một số đối tượng vẫn còn lén lút trồng trong vườn nhà để sử dụng và bán cho các đối tượng nghiện...
Ngày 17/9/2014, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 234/TANDTC-HS hướng dẫn thực hiện đúng Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 “về việc bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất thu giữ nghi là chất ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo theo quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999. “Việc giám định hàm lượng của các chất thu giữ nghi là chất ma túy là cần thiết, nhưng do điều kiện công an địa phương chưa được trang bị phương tiện để thực hiện công tác này, nên quá trình thực hiện theo Thông tư liên tịch số 17 gặp rất nhiều khó khăn. Như Công an Lâm Đồng, mỗi lần có án lại phải khăn gói ra Hà Nội để trưng cầu giám định, vừa tốn kém lại không bảo đảm thời gian. Có những vụ án hết thời hiệu tạm giữ đối tượng nhưng vẫn chưa có kết quả giám định thì phải thả, và khi có kết quả thì đối tượng đã “cao chạy xa bay”, rất khó khăn cho anh em khi “đánh án” ma túy” - thượng tá Đoàn Văn Bính trăn trở.
Qua thực tế đấu tranh, hoạt động của bọn tội phạm ma túy ngày càng tinh vi và xảo quyệt, vì vậy cuộc chiến phòng chống ma túy ngày càng cam go và khốc liệt hơn. Ở Lâm Đồng, công tác phòng chống ma túy đã thu được những kết quả khả quan, song vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập như: số đối tượng nghiện được đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc đạt thấp, tình trạng tái nghiện vẫn còn cao, công tác quản lý số người nghiện tại cộng đồng còn hạn chế... Trước thực trạng đó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân góp sức mới mong đẩy lùi được ma túy.
LÊ HỮU TÚC