Câu chuyện tháng 7

10:07, 06/07/2015

Tháng 7 ùa về, dịu dàng và ẩn chứa những câu chuyện đẹp như trong cổ tích. Tháng 7 là câu chuyện của màu áo xanh, của lòng trắc ẩn, tình thương và sự sẻ chia đến cạn lòng. Tháng 7 còn là câu chuyện tình người của những người trẻ dành cho nhau...

Tháng 7 ùa về, dịu dàng và ẩn chứa những câu chuyện đẹp như trong cổ tích. Tháng 7 là câu chuyện của màu áo xanh, của lòng trắc ẩn, tình thương và sự sẻ chia đến cạn lòng. Tháng 7 còn là câu chuyện tình người của những người trẻ dành cho nhau...
 
Tiếp sức mùa thi tại điểm thi Trường ĐH Yersin. Ảnh: Văn Báu
Tiếp sức mùa thi tại điểm thi Trường ĐH Yersin. Ảnh: Văn Báu

Hè của 7 năm về trước, có một câu chuyện cho đến tận bây giờ và mãi về sau sẽ chẳng bao giờ tôi có thể quên. Câu chuyện của hai bà cháu và giấc mơ đến với cánh cửa đại học. Bà tuổi 72, tần tảo cả một đời, cháu 18, quen hơi bà từ lúc lọt lòng, đến Đà Lạt vào một ngày trở gió. Gánh nặng thời gian đè oằn cong lưng bà, chông chênh những bước chân. Cháu hồn nhiên con trẻ chưa một lần xa xứ, lạc lõng chốn phồn hoa. Bà vỗ về, cháu nép mình dựa dẫm, cả hai như lọt thỏm vào dòng người đổ về phố núi tham dự kỳ thi đại học. Phía sau bước chân của hai bà cháu ấy là cả một hành trình vượt lên số phận, qua những cách ngăn tưởng như chẳng thể vượt qua. Bỏ qua tất cả ở phía sau, hai trái tim một già, một trẻ ấy vẫn luôn chung một nhịp để khao khát hiện thực hóa giấc mơ bình dị và chính đáng ấy.
 
Huỳnh Thị Minh Hiếu, cô bé người Long Khánh (Đồng Nai) có một số phận chẳng ai mong ước. Cha mất sớm, mẹ tần tảo, bươn chải xa quê gồng gánh nuôi ba chị em, Hiếu lớn lên không phải bằng ngọt ngào của sữa mẹ, mà bằng chính hơi ấm của ngoại. Ngày hai bà cháu lên Đà Lạt dự thi, lộ phí chỉ vỏn vẹn là những đồng bạc lẻ từ sự gom nhặt của bà con, người thân giúp đỡ. Món quà mà những bạn trẻ tình nguyện viên của Trường ĐH Đà Lạt và Thành Đoàn Tp.Đà Lạt trong chương trình “Tiếp sức mùa thi” là một căn phòng 2 sao ở khách sạn Phương Linh, nơi hai bà cháu được ở miễn phí trong suốt 3 ngày lên phố núi dự thi, thêm vào đó là những suất ăn miễn phí do chính các bạn trẻ của chương trình kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ.
 
7 năm sau kể từ ngày câu chuyện ấy diễn ra, đã có rất nhiều những câu chuyện khác cũng đã được viết lên bằng chính sự nhiệt thành, bằng chính tình người của những trái tim tình nguyện nơi phố núi. Nhiều hơn những căn phòng miễn phí đàng hoàng, tươm tất cho các em có hoàn cảnh khó khăn “lai kinh ứng thí”; nhiều hơn những bữa cơm đầy đặn cho các em ấm lòng trong mỗi ngày thi khắc nghiệt.
 
Câu chuyện tháng 7 của mùa thi năm nay ở Đà Lạt, mùa thi THPT quốc gia, mùa thi “2 trong 1” được tổ chức lần đầu tiên là câu chuyện về 5.000 chỗ trọ, 20.000 suất ăn miễn phí, của đội ngũ “xe ôm tình nguyện” và sự đồng hành của 1.000 cán bộ công chức, viên chức trẻ, đoàn viên thanh niên, sinh viên đang sinh sống, làm việc, học tập tại Đà Lạt. Đó còn là câu chuyện đẹp, là món quà đầy ý nghĩa dành tặng cho 58 học sinh người dân tộc thiểu số Raglai (Ninh Thuận), khi các em được Hội đồng thi Trường ĐH Đà Lạt đưa xe về tận nơi đón lên Đà Lạt dự thi, được bố trí ở khu kí túc mới khang trang cùng những bữa ăn miễn phí trong suốt những ngày ở thành phố này. Đó còn là câu chuyện về những suất cơm chay miễn phí được phật tử chùa Linh Thứu phát cho các em học sinh và người nhà ngay trước điểm thi nếu ai muốn chay tịnh, bằng tất cả tình thương và sự chu toàn hết mức.
 
Đã có rất nhiều ước mơ được viết nên bằng hiện thực, từ chính sự sẻ chia của các bạn trẻ Đà Lạt. Như cô bé Hiếu ngày nào, giờ đã là một cô giáo dạy vật lý trên quê hương em.
 
Hãy đừng hoài nghi họ, những người trẻ của hôm nay. Họ cũng mang trong mình bầu máu nóng, một trái tim biết lắng nghe, một cái đầu biết nghĩ suy về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nếu có ai khác đi những điều ấy, chỉ là một phần rất nhỏ. Tháng 7 ở Đà Lạt, có một màu xanh khác, rất đẹp. Thêm nữa, những ai đến với phố núi những ngày mùa thi, đều là người hạnh phúc, bởi sĩ tử khắp cả nước đang nóng rẫy vì nhiệt độ trên dưới 400c.
 
Linh Đan