Hiện trạng chiếc Cầu treo Đan Mạch |
Từ thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi đã có mặt tại thôn 3 (xã Lộc Châu) để tìm hiểu. Ông Đặng Đình Ba (ngụ tại thôn 3, xã Lộc Châu) cho biết: “Sở dĩ cầu treo này được gọi là Cầu Đan Mạch, vì toàn bộ kinh phí 140 triệu đồng làm chiếc cầu này do ông Kurt (người Đan Mạch) tài trợ. Chiếc Cầu treo này được xây dựng vào năm 1997, chiều dài 29m và chiều rộng 1,7m, nối thôn 3 (xã Lộc Châu) với thôn 1 (xã Đại Lào). Thân cầu được làm hoàn toàn bằng gỗ kiền và 4 mố sắt cùng dây cáp đỡ cầu phục vụ cho đi lại và vận chuyển của người dân. Nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa lũ là nước ngập làm toàn bộ thân cầu bị mục nát. Hiện tại, nhiều ván gỗ trên mặt cầu và 2 bên đà cầu đã bị gãy tạo thành một “cái bẫy” đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.”.
Đối với hàng trăm hộ dân thôn 3 (xã Lộc Châu) và thôn 1 (xã Đại Lào) thì Cầu treo Đan Mạch góp phần quan trọng trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản và phục vụ cho con trẻ đến trường. Hiện nay, phía bên kia cầu (thuộc thôn 1, xã Đại Lào) đang có hàng ngàn ha đất sản xuất trồng chè và cà phê của người dân 2 xã Đại Lào và Lộc Châu. Ông Trần Ngọc Quang (ngụ tại thôn 1, xã Đại Lào) phản ánh: “Dù biết nguy hiểm luôn rình rập, nhưng hàng ngày người dân 2 thôn chúng tôi vẫn phải đi lại trên chiếc cầu này. Do cầu xuống cấp cùng với việc Nhà nước chưa thể bố trí vốn để sửa chữa trong ngày một ngày hai, nên người dân chúng tôi phải đóng góp kinh phí để gia cố lại mặt cầu đi tạm. Chúng tôi đang lo mùa cà phê sắp tới, không biết cầu có “gắng sức” chịu nổi cho người dân đi lại không nữa!”.
Theo phản ánh của người dân, năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa là nước suối Đại Lào dâng cao, làm ngập đến mặt cầu, khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc các em học sinh thôn 1 (xã Đại Lào) phải qua cầu để đến trường trong mùa mưa lũ là rất nguy hiểm.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Cao Thị Thơm, Chủ tịch UBND xã Lộc Châu, cho biết: “Qua các cuộc họp, người dân đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng xuống cấp Cầu treo Đan Mạch. Vì vậy, chính quyền địa phương đã lập tờ trình xin kinh phí của UBND TP Bảo Lộc và UBND tỉnh Lâm Đồng để nâng cấp, sửa chữa cầu. Theo Kế hoạch số 6942/ UBND - KH ngày 19/12/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng, thì Cầu Đan Mạch đã được đưa vào danh mục các cầu treo cần được đầu tư sửa chữa và sẽ được bố trí vốn trong năm 2015. Tổng nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp chiếc cầu này là 350 triệu đồng. Trong lúc đang chờ tỉnh bố trí vốn, xã đã có chủ trương huy động người dân đóng góp kinh phí để gia cố tạm mặt cầu để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ!”.