Sẽ đình chỉ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo

09:07, 22/07/2015

Đình chỉ hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm là một trong những "biện pháp mạnh" được UBND tỉnh Lâm Đồng trao quyền cho các địa phương tại một văn bản vừa được ban hành. 

Đình chỉ hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm là một trong những “biện pháp mạnh” được UBND tỉnh Lâm Đồng trao quyền cho các địa phương tại một văn bản vừa được ban hành. Cũng theo văn bản này, UBND các huyện và TP cần thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra về việc chấp hành những quy định về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và các điều kiện môi trường đối với những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tại khu vực nông thôn. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn “Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm trong khâu bán lẻ tại các chợ của địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan chức năng”. 
 
Ngoài gần 400 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, Lâm Đồng hiện còn có gần 10 lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, trung bình mỗi năm cả tỉnh kiểm soát giết mổ khoảng 10.000 con trâu bò, 111.000 con heo và 700.000 con gia cầm. Số lượng gia súc và gia cầm qua giết mổ được kiểm soát này là quá thấp so với thực tế. Tuy nhiên, điều nghịch lý là hầu hết các lò giết mổ gia súc, gia cầm của địa phương lại không phát huy hết công suất; thậm chí, có lò chỉ hoạt động khoảng vài mươi phần trăm công suất. Nguyên nhân được nêu lên từ nhiều năm qua là do nhiều người dân và tiểu thương không muốn đưa gia súc, gia cầm vào lò giết mổ tập trung mà “tiện đâu giết mổ đó”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hằng ngày có một lượng gia súc, gia cầm “không có dấu kiểm dịch” đưa ra chợ để trao đổi với người tiêu thụ là không nhỏ. 
 
Một cán bộ của Sở NN-PTNT Lâm Đồng thẳng thắn thừa nhận: Việc kiểm tra và xử phạt những chủ hàng thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát của cơ quan chức năng là không khó. Cùng đó, việc kiểm tra để xử phạt các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không hợp lệ cũng không phải là quá khó khăn. Nhưng điều... khó hiểu là thực trạng này lại tồn tại ở nhiều địa phương trong tỉnh từ rất nhiều năm nay chứ không phải mới đây. Cũng theo văn bản nói trên, UBND tỉnh Lâm Đồng có ý kiến với Sở NN-PTNT: Tổ chức rà soát, điều chỉnh nội dung quy hoạch khu vực giết mổ gia súc, gia cầm để đảm bảo tính hợp lý; chủ trì phối hợp với Sở Công thương và Công an tỉnh Lâm Đồng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở giết mổ và phương tiện vận chuyển không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, môi trường, an toàn thực phẩm; nghiêm cấm các hành vi bơm nước, dùng búa đập gia súc trước khi giết mổ; chỉ đạo cơ quan thú y thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát giết mổ; và đặc biệt là “cương quyết đóng cửa các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bị xếp loại C”.
 
Như vậy, về văn bản pháp quy, chúng ta đã có khá đầy đủ; vấn đề lúc này là việc triển khai trong thực tế sẽ như thế nào lại là một chuyện khác.  
 
Khắc Dũng