Trước hiện trạng còn tồn nhiều hồ sơ (HS) ở cấp huyện, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Ngọc Phúc nhấn mạnh: Dù cấp quản lý nào thì cũng phải giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân.
Sau 1 tháng thực hiện thủ tục hành chính về quyền của người sử dụng đất tại Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức trao đổi những vướng mắc với sự tham gia của lãnh đạo Sở, VPĐKĐĐ và 12 chi nhánh VPĐKĐĐ cấp huyện. Trước hiện trạng còn tồn nhiều hồ sơ (HS) ở cấp huyện, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Ngọc Phúc nhấn mạnh: Dù cấp quản lý nào thì cũng phải giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân.
|
Giám đốc Chi nhánh Lâm Hà cho biết nguyên nhân chính để hồ sơ tồn nhiều là do thiếu phôi |
Tồn đọng hơn 2.000 hồ sơ
Ngày 29/5, căn cứ Luật Đất đai, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư liên tịch Bộ TN&MT - Nội vụ và đề nghị của Sở TN&MT Lâm Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã ký Quyết định thành lập VPĐKĐĐ tỉnh Lâm Đồng trực thuộc Sở TN&MT, có hiệu lực từ ngày 1/6/2015. Văn phòng này trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Thông tin - Đăng ký quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ) thuộc Sở TN&MT và Văn phòng ĐKQSDĐ các huyện, thành phố. Theo tinh thần mới, VPĐKĐĐ tỉnh có chức năng giúp Sở TN&MT thực hiện việc đăng ký đất đai và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai theo quy định, đo đạc bản đồ địa chính, xây dựng bản đồ giá đất...
Với Quyết định nêu trên, hồ sơ (HS) từ ngày 31/5 trở về trước thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện ký và từ ngày 1/6 trở đi thuộc Sở TN&MT ký. Theo thống kê của VPĐKĐĐ tỉnh, lượng HS tồn trước ngày 1/6/2015 trên toàn tỉnh là 2.057 HS; trong đó, nhiều nhất là huyện Lâm Hà với 700 HS, tiếp đến là Đức Trọng 450 HS, Đơn Dương 300 HS...; chỉ có 2 huyện Đam Rông và Đạ Huoai không có HS tồn. Tuy nhiên, qua trao đổi cụ thể tại hội nghị, đại diện các Chi nhánh VPĐKĐĐ cho biết, số HS tồn này còn bao gồm nhiều HS không thuộc lĩnh vực cải cách hành chính như: HS khai thác thông tin địa chính, HS thuế, HS đăng ký thế chấp... Số HS cần phải giải quyết trước 1/6 chủ yếu tồn thuộc 3 trường hợp sau: Văn phòng ĐKQSDĐ các huyện, thành phố (nay là Chi nhánh VPĐKĐĐ) đã thực hiện xong, in Giấy chứng nhận (GCN) và trình Phòng Tài nguyên môi trường thẩm định nhưng UBND huyện, thành phố chưa ký; chưa in GCN vì hết phôi in hoặc HS nộp cận ngày 1/6 nên không kịp; do địa phương chưa giải quyết.
Quy trách nhiệm và xử lý nhanh
Đối với HS thuộc thẩm quyền Sở TN&MT ký (từ 1/6), Giám đốc Nguyễn Ngọc Phúc cho biết: Có 338 HS gửi đến, đã xử lý khoảng 50 HS, trả lại 103 HS vì “chất lượng thẩm định rất kém”. Ông Phúc đề nghị tập trung truy nguyên nhân và bàn thảo để giải quyết tình trạng HS còn tồn đọng ở cấp huyện. Một trong những nguyên nhân chính không đáng để xẩy ra được các chi nhánh phản ánh là thiếu phôi để in GCN. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Lâm Hà cho biết, đã 2 lần làm văn bản báo cáo tình trạng thiếu phôi gửi đến cán bộ Văn phòng Sở TN&MT (nơi cung cấp phôi). Qua đối chứng tại hội nghị, các cán bộ khi nhận văn bản của huyện Lâm Hà không kịp thời báo cáo lãnh đạo Sở để giải quyết dứt điểm, trong lúc tại Văn phòng Sở TN&MT vẫn còn số lượng phôi nhiều! Theo quy định, từ sau 1/6, phôi do VPĐKĐĐ chịu trách nhiệm chủ động về kế hoạch và cung ứng. Vì vậy, Giám đốc Phúc yêu cầu từ nay trở đi VPĐKĐĐ phải cam kết không để tình trạng thiếu phôi như đã xảy ra và sẽ kiểm điểm lỗi của cá nhân Văn phòng đã để tình trạng thiếu phôi ở huyện.
Trở lại tình trạng tồn HS, Giám đốc VPĐKĐĐ Nguyễn Phú Tuấn cho biết: Ngày bàn giao giữa Văn phòng Sở TN&MT với 12 Văn phòng ĐKQSDĐ huyện, thành phố (29/5/2015), không có HS tồn, chỉ huyện Đức Trọng vào ngày 15/5 có báo cáo đang tồn 61 HS. Ông Tuấn cũng cho biết, trong số HS tồn ở cấp huyện, nguyên nhân không chỉ thiếu phôi, mà “có những HS nhận của dân từ tháng 5, do huyện không giải quyết, dân có ý kiến là đúng vì có biên nhận đàng hoàng”. Trả lời ý kiến của Chi nhánh huyện Bảo Lâm sau 1/6 huyện này đã chuyển 98 HS lên VPĐKĐĐ tỉnh nhưng nhiều HS chưa ký, dân thắc mắc vì đã quá ngày hẹn trả theo biên nhận, ông Tuấn cho rằng: Do khác về quy trình giữa cách làm cũ và mới nên cần có trao đổi giữa 2 bên (huyện và sở). Giám đốc Tuấn cũng cung cấp, hơn 300 HS VPĐKĐĐ nhận từ cấp huyện, đã giải quyết hơn 100 HS, khoảng 200 HS không trình ký do chưa hội đủ các điều kiện theo luật định.
Giám đốc Nguyễn Ngọc Phúc kết luận: Trong ngày 3/7, các chi nhánh tổng hợp cụ thể tình trạng HS tồn tại cấp huyện bằng danh sách cụ thể về tên hộ, ngày nhận, ngày trả, lý do chưa giải quyết, số trả trước ngày 1/6, số trả từ ngày 1/6 để quy trách nhiệm rõ đối với từng bộ phận xử lý, từng cấp thẩm quyền. Theo đó, vừa để giải quyết dứt điểm số HS tồn, vừa có cơ sở kiểm điểm các cá nhân làm việc thiếu trách nhiệm. Đối với HS phải giải quyết trước 1/6, UBND cấp huyện phải giải quyết; những HS trả từ ngày 1/6 yêu cầu các chi nhánh chuyển HS nhanh và trực tiếp đến Sở TN&MT để xử lý. VPĐKĐĐ của tỉnh phải tăng cường nhân lực để tập trung xử lý dứt điểm số HS tồn theo thẩm quyền của quy định mới. “Cần phải hiểu VPĐKĐĐ thuộc ai quản lý không quan trọng mà là theo luật định, vấn đề là giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân”, ông Nguyễn Ngọc Phúc chỉ đạo cán bộ liên quan của trong toàn ngành TN&MT.
MINH ĐẠO