Viết cho "sáng mắt" người phi nghĩa, bất nghĩa

08:07, 01/07/2015

(LĐ online) - Ngày 22/6/2015 trên "by Doi Thoai" có đăng tải bài của Đại Nghĩa nhan đề "Việt Nam thời cộng sản cầm quyền" với dụng ý xấu xa của người phi nghĩa, bất nghĩa; cố tình bóp méo và rắp tâm phủ nhận ý nghĩa chiến thắng 30/4/1975, thành quả to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu kiên định mà dân tộc ta đã lựa chọn! 

(LĐ online) - Ngày 22/6/2015 trên “by Doi Thoai” có đăng tải bài của Đại Nghĩa nhan đề “Việt Nam thời cộng sản cầm quyền” với dụng ý xấu xa của người phi nghĩa, bất nghĩa; cố tình bóp méo và rắp tâm phủ nhận ý nghĩa chiến thắng 30/4/1975, thành quả to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu kiên định mà dân tộc ta đã lựa chọn! 
 
Theo góc nhìn chật hẹp từ “đáy giếng” khiến không thấy bầu trời cao, rộng nên Đại Nghĩa gán ghép, suy luận: “…Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi Tổng thống VNCH Dương Văn Minh tuyên bố “bàn giao” chính quyền cho cộng sản, có nghĩa là chiến tranh Việt Nam chấm dứt và thời điểm chủ nghĩa cộng sản thống trị bắt đầu”.
 
Trước hết, Đại Nghĩa nên đọc và tìm hiểu lịch sử 40 năm trước để đừng đánh tráo khái niệm và cho là “Tổng thống VNCH Dương Văn Minh tuyên bố “bàn giao” chính quyền cho cộng sản”. Thực tế này đã được báo chí trong nước, thế giới phản ánh khách quan như sau: “Vào 10 giờ 45 phút, chiếc xe tăng đầu tiên của Lữ đoàn xe tăng 203 hất tung cánh cổng sắt ở Dinh Độc Lập. Cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng ập vào chiếm lĩnh Dinh Độc Lập, Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa và toàn thể nội các đứng dậy, Dương Văn Minh cất tiếng: - Cách mạng đã về. Các anh đã về. Từ sáng chúng tôi chờ các anh tới để bàn giao! Dương Văn Minh vừa dứt lời, một cán bộ chỉ huy Quân giải phóng đã dõng dạc tuyên bố: - Toàn bộ chính quyền đã về tay cách mạng. Chính quyền cũ đã sụp đổ. Người ta không thể giao cái không có trong tay!... Phút tắt thở của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hòa đã diễn ra như vậy” (Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Trần Mai Hạnh)...
 
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một ngày đoàn tụ, ngày hội lớn của toàn dân tộc sau 30 năm chia cắt, đắm chìm trong lửa đạn chiến tranh do những tên sen đầm quốc tế gây nên. Trong niềm vui riêng là được hưởng độc lập, tự do và hạnh phúc chung là dân tộc thống nhất – non sông thu về một mối, xuất phát từ sự trải nghiệm qua chiến tranh và từ khát khao lớn lao về hòa bình, trái tim công dân yêu nước - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã trỗi dậy niềm hoan ca qua ca khúc “Nối vòng tay lớn” còn mãi rộn ràng, náo nức cùng thời gian: “Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam/ Cờ nối gió đêm vui nối ngày/ Giòng máu nối con tim đồng loại/ Dựng tình người trong ngày mới/… Nắm tay nối liền biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh”…  Hạnh phúc là vậy mà Đại Nghĩa đã xúc phạm nhân phẩm cao đẹp của Trịnh Công Sơn khi nhận xét: “Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ phản chiến đã hí hửng lên đài phát thanh SaiGon hát vang reo mừng “Nối vòng tay lớn”, nhưng ông ta có biết đâu ngày ấy có triệu người vui và cũng có triệu người buồn”… Chúng ta không thể phủ nhận: Sau mỗi cuộc chiến, chuyện kẻ vui người buồn là điều tất yếu và tin rằng trong “triệu người buồn” đó ắt có Đại Nghĩa nhưng họchỉ là số ít tâm trạng lạc lõng giữa dòng chảy mãnh liệt của mấy chục triệu người Việt chân chính đang hối hả xuôi về biển lớn: hòa hợp, thống nhất, độc lập, tự do. Đại Nghĩa chê trách Trịnh Công Sơn ngay sau sự kiện 30-4 đã “hí hửng lên đài” thì hãy đọc cho kỹ những vần thơ giàu trải nghiệm, cảm xúc chân thành nhìn nhận về “mốc son chói lọi 30 tháng Tư” của một thiếu nữ miền Nam đã có 6 năm sống dưới bầu trời tự do, thống nhất: “Nếu không có ngày 30 tháng Tư/ Em vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất/ Sẽ không biết tự khuyên mình những lời khuyên nghiêm khắc/ Không một lần dám sống hy sinh/ Và giữa dòng người cuộc sống gấp bon chen/ Em đâu biết tin ai, một điều gì tuyệt đối/ Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu  đuối/ Còn nửa kia, đành giữ lại để… nghi ngờ” ( Nếu không có ngày 30 tháng Tư, Đinh Thị Thu Vân).
 
Không chỉ vậy, Đại Nghĩa còn nhắm mắt nói bừa: 
 
  “Dân tộc Việt Nam đắm chìm theo xã hội chủ nghĩa, cái xã hội mà cho đến nay chưa biết nó đi về đâu… Đổi mới nửa vời, vá víu với đường lối “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” tạo ra hiệu quả tiêu cực mà xã hội Việt Nam ngày nay đang gánh nặng”. Những kẻ quay lưng lại với dân tộc có biết chăng: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trở thành hệ giá trị bất biến của Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, trong thời đại ngày nay. Đó cũng chính là cái lô-gíc phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam, 85 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nên cốt cách, bản lĩnh, giá trị Việt Nam và vị thế Việt Nam trong thế giới hiện đại. Qua 30 năm đổi mới với hệ giá trị đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xứng đáng tiêu biểu cho bản lĩnh dân tộc trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trên con đường lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa! 
 
Về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra và quyết tâm thực hiện hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học. Trong Cương lĩnh năm 1991 và Văn kiện  Đại hội VII, Đảng xác định phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ Đại hội IX, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Đại hội X đã cụ thể hóa thêm một bước về định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường. Nghị quyết Trung ương sáu khóa X tiếp tục làm sáng tỏ hơn mô hình, bản chất, đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội XI làm sâu sắc thêm vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đưa ra quan niệm: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
 
Xã hội Việt Nam trong 40 năm qua mà Đại Nghĩa cho rằng “ngày nay chưa biết đi đâu về đâu” chính là việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn liền với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam đã thiết lập được các quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế; tích cực xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO; đàm phán, ký kết và thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thế hệ mới. Các yếu tố nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường dần được hình thành và được nhiều nước thừa nhận. Cho đến nay đã có gần 50 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việc tham gia ký kết và đàm phán tham gia các hiệp định FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết lao động, tạo công ăn việc làm, nâng cao tiền lương và thu nhập. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2013 tăng bình quân 22,58%/năm.
 
Trên cơ sở đó, 30 năm đổi mới đã giúp Việt Nam đạt nhiều thành quả to lớn, làm nền tảng cho các năm sau và là cơ sở cho bước đường “nối vòng tay lớn”, vững tin hội nhập quốc tế. Đại Nghĩa có biết chăng: qua ba thập niên đổi mới, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn thời kỳ trước đổi mới và được xếp vào nhóm tăng trưởng cao trên thế giới. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh và cao, tổng sản phẩm quốc nội đến năm 2014 đạt khoảng 184 tỷ USD. Từ năm 2008, với mức GDP bình quân đầu người đạt 1.047 USD (giá thực tế), Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp, để gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. GDP bình quân đầu người năm 2011 là 1.517 USD, năm 2012: 1.747 USD, năm 2013: 1.908 USD, năm 2014: 2.028 USD. Lạm phát được kiểm soát, tỷ lệ lạm phát giảm mạnh từ mức 18,13% vào năm 2011 xuống 6,81% vào năm 2012, còn 6,04% năm 2013 và chỉ còn khoảng 3% vào năm 2014. Riêng trong giai đoạn 2011 – 2013, mô hình tăng trưởng có chuyển biến bước đầu từ chiều rộng sang theo hướng chiều sâu, chú ý hơn đến chất lượng tăng trưởng. Tỷ lệ tăng trưởng bình quân 4 năm (2011 – 2014) đạt 5,82%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của các nước ASEAN cùng thời kỳ. Giai đoạn 2011 – 2013, kinh phí nhà nước chi cho công tác an sinh xã hội ước 913.400 tỷ đồng, chiếm 34,1% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 1,7 lần so với giai đoạn 2006 – 2010. Chỉ số phát triển con người (HDI) được tăng dần, đến năm 2012 xếp hạng 127/187 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt mức trung bình trên thế giới.
 
Trở lại vấn đề thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đặc điểm lớn nhất của thời kỳ quá độ ở Việt Nam là không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Lịch sử cho thấy, chủ nghĩa tư bản bắt đầu được hình thành và phát triển vào thế kỷ XVI ở Hà Lan. Từ đó đến nay, chủ nghĩa tư bản thế giới đã có tuổi đời ngót 500 năm… Vì thế, không lấy gì phải ngạc nhiên nếu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nếu tính tới trình độ xuất phát thấp kém, thì càng dài, chắc không thể vài chục năm, mà có thể dự báo không kém trăm năm. Do vậy, xuất phát từ tư duy biện chứng và hiểu quy luật khách quan nên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng XHCN còn lâu lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. (ThanhNien online ngày 26-10-2013) thì đây cũng là chuyện bình thường. Phải chăng để tạo cái “không bình thường” chính là tâm ý muốn gieo rắc sự hoài nghi, hoang mang nên Đại Nghĩa cố tình khi viện dẫn trong bài và bẻ lái theo hướng thiếu thiện chí! 
 
Trên đây là một vài trao đổi để Đại Nghĩa cũng như những người đang “nhắm mắt, phán bừa” suy ngẫm và sớm sáng mắt nhìn nhận, đánh giá đúng thời cuộc, xu thế phát triển đúng đắn, mạnh mẽ của Việt Nam trong công cuộc phấn đấu đưa đất nước tiến tới xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”! 
 
Văn Đà