Đám cưới quê

10:08, 18/08/2015

Nhận được cùng một lúc hai tấm thiệp hồng mời đám cưới, mà lại cùng giờ, cùng ngày nên phải đành… hai chọn một. Khó nghĩ quá, nhưng rồi cũng đi đến một quyết định: Nhờ người bạn gửi quà đến đám cưới tổ chức ở thành phố - còn đám cưới ở quê ở xã Đà Loan thì chạy về dự, dẫu đi - về hơn 140 cây số.

Nhận được cùng một lúc hai tấm thiệp hồng mời đám cưới, mà lại cùng giờ, cùng ngày nên phải đành… hai chọn một. Khó nghĩ quá, nhưng rồi cũng đi đến một quyết định: Nhờ người bạn gửi quà đến đám cưới tổ chức ở thành phố - còn đám cưới ở quê ở xã Đà Loan thì chạy về dự, dẫu đi - về hơn 140 cây số.
Đám cưới quê. Ảnh: N.T.N
Đám cưới quê. Ảnh: N.T.N
Đám cưới quê được chuẩn bị từ mươi ngày trước, chứ không phải chỉ bắt đầu từ sáng sớm trong ngày diễn ra lễ thành hôn vẫn thường thấy nơi phố thị. Mấy ngày trước đó, những người già quanh xóm, bà con xóm giềng cứ rảnh việc là chạy qua, chạy lại nhà có đám cưới hỏi han đủ chuyện. Nào là: Đám cưới này đãi những món gì? Mời bao nhiêu khách? Mấy giờ thì đón dâu? Mấy giờ thì làm lễ gia tiên?… và nhiều nữa những câu hỏi đại loại như thế, nhưng cụ thể như đứa con nít đếm số một, hai, ba, bốn, năm… bằng ngón tay, để đám cưới được tròn trịa, vui lòng mọi người. Chủ nhà thì trả lời câu được, câu không… nhưng cái miệng thì lúc nào cũng cười bởi được bà con chòm xóm quan tâm, họ hàng thương mến.
 
Trước ngày tổ chức đám cưới quê - đám thanh niên trong xóm và cả những người quen biết gác lại công việc thường làm mỗi ngày, hướng về nơi ngày mai sẽ diễn ra sự kiện trọng đại một lần và thường là duy nhất trong đời của đôi trai gái trẻ. Chẳng ai bảo ai, mỗi người mỗi việc để chừng sau mấy tiếng đồng hồ - ông mặt trời không thể ló mặt trong khoảng sân rộng trước nhà. Phông màn đủ màu, đủ kích cỡ được giăng ra để anh thanh niên khéo tay nhất trong xóm cắt chữ, cắt hoa, hai trái tim lồng vào nhau, đôi đèn cầy đang cháy hết mình và thêm cả con rồng, con phượng đứng hai bên dòng chữ Lễ Thành hôn có tên đôi trai gái yêu nhau - nay thành vợ, thành chồng.
 
Đêm trước của ngày đám cưới quê - cả xóm không ngủ. Đêm trước của ngày đám cưới quê - đám thanh niên thích ca hát mượn đàn, mượn trống và cả dàn âm thanh đáng giá cả tấn cà phê, bắt đầu cho một chương trình văn nghệ đúng nghĩa cây nhà lá vườn. Ai thích hát thì hát, ai thích nhảy thì nhảy. Cha cha cha, rumba, slow và muốn hiphop thì ban nhạc đám cưới quê cũng chiều. Còn đứa nào mà cái chuyện ca nhạc hơi lép vế thì đã có nồi cháo nấu với… mấy cặp chân, bộ lòng gà, nhấp thêm xị đế thì cũng thấy vui. Chuyện của đám thanh niên thì vậy, còn người già thì têm trầu, nhắc gia chủ sửa lại mâm quả để đừng thiếu thứ gì trong ngày rước dâu. Và mấy cụ cũng dành chút thời khắc hiếm hoi để nhớ về đám cưới của chính mình mấy chục năm về trước, đâu có đủ đầy như đám trẻ ngày nay mà con năm bảy đứa. Mấy chục năm - già rồi mà vắng nhau một ngày là nhớ nhau không chịu nổi.
 
Đám cưới quê không có xe bốn bánh bóng lộn, mà chỉ có duy nhất một chiếc xe Hải âu tuổi đã già để cho gọn, an toàn và bớt phần bụi bặm dành cho người lớn tuổi và mấy cô cậu thanh niên đẹp trai, xinh gái chính hiệu con nhà nông - ngứa ngáy trong bộ quần áo tân thời đại diện nhà trai bưng bê mâm quả. Nhà gái đón nhà trai tận ngoài ngõ thật sớm nhưng chẳng chịu cho vào nhà vì… chưa đúng giờ đã định. Chỉ có mấy đứa con nít đi theo nhà trai, tụt người khỏi mẹ lấn vô sân coi mặt cô dâu, hể hả cười: Cô dâu đẹp quá trời! Tới giờ đã định - lễ nghi không thiếu dù chỉ một lời nói. Vậy là cô dâu bây giờ đã là người bên họ nhà trai. Đi lẻ, về chẵn mà. Nhà trai vui ra mặt. Nhà gái khóc thút thít. Vậy mà cũng lên xe - không thiếu một ai về nhà trai cử hành hôn lễ.
 
Đám cưới quê - người già chẳng cần đến đúng giờ mà thường đến sớm hơn lời mời để góp thêm niềm vui của gia chủ và để được tận mắt chứng kiến hai họ làm lễ gia tiên. Đến sớm hơn còn để kể chuyện vui buồn trong cuộc sống, hỏi han nhau chuyện làm ăn sao cho ngày càng khấm khá; làm sao bảo ban con cháu học hành, đi đứng đàng hoàng để khỏi mang tiếng họ hàng, bà con chòm xóm. Đám cưới quê - người già chẳng để ý chuyện đi bao nhiêu trong phong bì vẫn thường thấy ở đám cưới thành phố. Có bao nhiêu thì đi bấy nhiêu, ít nhiều gì cũng được, cũng đôi khi là nải chuối, trái bưởi, trái thanh long hái ở vườn nhà - miễn là hai vợ chồng trẻ sống với nhau có trước có sau, càng lâu càng tốt, và cái câu chúc: Trăm năm hạnh phúc” - xem ra hơi khó. Vậy mà vẫn chúc!
 
Đám cưới quê ngập tràn niềm vui, ngập tràn tiếng cười, tiếng hát - chứ đâu có phải đơn điệu chỉ là tiếng cụng ly lách cách, còn gương mặt thì chẳng thấy cười - bởi vì ngồi cùng bàn nhưng chưa một lần biết mặt, không ai  nhận ra ai vẫn thường thấy ở những đám cưới nơi phố thị. Đám cưới thành phố thường có 5 món chính, thì đám cưới quê cũng chừng ấy món, nhưng có thêm món… văn nghệ nên đám cưới thành phố không thể sánh bằng. Đám cưới quê, có ông già tuổi quá 70 cất giọng hát bài từ xa lơ xa lắc khiến đám trẻ ngẩng đầu ngơ ngẩn; còn cô cậu thanh niên nào cũng là ca sĩ cho đến khi trời chập choạng tối với những bài hát tình yêu dành cho tuổi mới lớn. Thế nhưng đám con nít cũng chẳng chịu thua kém gì nên có chuyện thằng bé tên Ngọc Hoàng, mới học lớp hai xin được lên sân khấu hát tặng cô dâu chú rể. Người dẫn chương trình hỏi nó hát bài gì, ngập ngừng nó bảo: Con xin hát bài… Chắc ai đó sẽ về - một ca khúc được giới trẻ yêu thích của nhạc sĩ, ca sĩ Sơn Tùng M - TP. Hát xong - cả đám cưới vỗ tay rần rần. Thằng bé tên Hoàng mới học lớp hai khoái chí xin hát thêm bài nữa. Lần này là Không phải dạng vừa đâu - ca khúc hot nhất thời gian qua. Thằng Hoàng bảo: Nó chỉ thuộc mấy bài hát dành cho người lớn thôi, nghe ở trong đĩa. Còn nhạc thiếu nhi dành cho lứa tuổi nó thì ở vùng quê này làm gì có ai bán, ai mua, nên có biết gì đâu mà hát!.
 
Đám cưới quê có mời là có đến và lắm khi không mời cũng có mặt. Đến một chút thôi cũng được cho vui cửa vui nhà và có mặt để mừng hai trẻ đã thành vợ thành chồng chứ không nhờ người khác gửi phong bì như thường vẫn thấy ở đám cưới thành phố. Đám cưới  quê không có nhiều hoa, không có những sợi dây kim tuyến đủ màu lóng lánh, nhưng gương mặt ai cũng rạng ngời bởi cái chân chất của sự trân trọng và bởi sự thật lòng đến cụ thể như đứa con nít đếm một, hai, ba, bốn, năm bằng ngón tay của người dân quê…
 
Văn Quang