Trong 7 tháng năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 1.179 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), tăng về số vụ (26 vụ) và diện tích (59,732 ha) so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, phá rừng trái phép 320 vụ, chiếm 27,14%; riêng tháng 7 có 64 vụ, tăng 35 vụ, và vẫn diễn ra những vụ "nổi cộm".
Trong 7 tháng năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 1.179 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), tăng về số vụ (26 vụ) và diện tích (59,732 ha) so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, phá rừng trái phép 320 vụ, chiếm 27,14%; riêng tháng 7 có 64 vụ, tăng 35 vụ, và vẫn diễn ra những vụ “nổi cộm”. Mặc dù tỉnh tích cực chỉ đạo, các ngành chức năng cùng một số địa phương có nhiều chuyển biến trong công tác BV&PTR, nhưng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, vẫn còn nhiều nơi chưa quyết liệt và rốt ráo, nhất là những trọng điểm.
|
Hơn 26,6ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc TK 26, 27 người dân xã Đạ Long phá và lấn chiếm 3 năm nay vẫn chưa giải quyết được |
“Nóng” ở huyện Bảo Lâm
Trong tháng 7, số vụ vi phạm Luật BV&PTR tăng cả về diện tích lẫn số vụ, chủ yếu ở các địa phương Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Lạc Dương... Với huyện Bảo Lâm, trong tháng 7, điển hình nhất là vụ 5 đối tượng ken cây, đổ hóa chất hủy hoại rừng thông 3 lá tại tiểu khu (TK) 444 xã Lộc Ngãi, do Công ty TNHH An Nguyễn thuê. Việc hủy hoại rừng thông tại đây đã diễn ra từ trước, Hạt Kiểm lâm huyện phát hiện và lập biên bản ngày 20/4, nhưng chưa phát hiện được đối tượng vi phạm. Ngày 24/7, phối hợp điều tra, Công an huyện và Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm đã bắt giữ được 5 đối tượng vi phạm, gồm Vũ Văn Thanh (nhân viên bảo vệ của Công ty An Nguyễn), Vũ Tuấn Chung, Nguyễn Hữu Long, Vũ Tuấn Long, Vũ Quốc Long. Diện tích rừng bị hủy hoại 3,440ha; lâm sản thiệt hại 84 cây thông với khối lượng 50,727m
3. Cũng tại TK này, trước đó (đêm 29/6), Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm mật phục bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Cao ken cây đổ hóa chất, cưa hạ cây rừng, hủy hoại rừng thông tự nhiên, khối lượng lâm sản thiệt hại còn tại hiện trường 22,895m
3 (không tính khối lượng đã bị đốt tiêu hủy và lấy đi khỏi hiện trường). Cả 6 đối tượng nói trên, cơ quan chức năng đã bắt, khởi tố và đang hoàn tất hồ sơ truy tố xét xử trước pháp luật.
Còn trong 6 tháng, một số vụ khác như: vụ ken cây làm thiệt hại 9,5ha tại Công ty An Nguyễn; vụ phá 1,8ha rừng phòng hộ trên lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc. Hai vụ phá rừng tập thể của 34 hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Lộc Bắc ở TK 431, diện tích bị thiệt hại 26.100m
2, lâm sản thiệt hại 163,465m
3. Kế đó là vụ chặt hạ gỗ dổi tại TK 375 xã Lộc Bảo do cộng đồng thôn 2 và 3 quản lý, diễn ra trong thời gian nhiều năm, số dổi phát hiện tại hiện trường 40 cây, khối lượng đo được 77m
3 gỗ tròn...; 2 vụ chặt hạ trái phép 306 cây thông tại TK 466, 469 xã Lộc Tân do Ban QLRPH Đam Bri quản lý, tổng diện tích thiệt hại 9.800m
2; gần 112m
3. Công an tỉnh và huyện, ngành liên quan đã tìm được 3 thủ phạm, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Trương Mạnh Hùng, Quách Hải Tô...
Vi phạm kéo dài, khai thác gỗ trái phép nghiêm trọng
Ở địa bàn huyện Lạc Dương, tình trạng người dân di cư tự do để phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp đang diễn biến hết sức phức tạp. Đó là bà con dân tộc gốc Tây Nguyên ở xã Đạ Long, huyện Đam Rông vi phạm tại TK 26 và 27 với hơn 26,6ha (Báo Lâm Đồng đã phản ánh) và ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà vi phạm tại TK 111A xã Lát. Đặc biệt, vụ san ủi đất trái phép trên lâm phần của Công ty TNHH Thủy điện và du lịch sinh thái Thác Rồng thuê để thực hiện dự án đầu tư. Kiểm tra ban đầu, diện tích bị san ủi trái phép 18.000m
2, trong đó 9.397m
2 đất có rừng. Ngày 8/5/2015, tình trạng ken cây hủy hoại rừng ở Lạc Dương vẫn chưa chấm dứt, điển hình là vụ Nguyễn Văn Dũng thực hiện tại TK 143 do BQLRPH Đa Nhim quản lý. Diện tích rừng bị tác động 6.270m
2; 32 cây thông 3 lá bị cưa hạ với khối lượng 12,748m
3. Hạt Kiểm lâm Lạc Dương đã khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ qua cơ quan công an điều tra xử lý.
Địa bàn Lâm Hà nổi cộm nhất là tình hình phá rừng, khai thác rừng trái phép tại 3 xã Phúc Thọ, Phú Sơn và Phi Tô. Đó là TK 286A xã Phúc Thọ do BQLRPH Lán Tranh quản lý. Tổng diện tích rừng bị phá trong 2 vụ hơn 12.000m
2, số gỗ thiệt hại còn lại tại hiện trường 25,382m
3. Tại TK 262A xã Phi Tô có 7.218m
2 rừng thông bị ken và khai thác trái phép. Đối tượng là một số hộ đồng bào dân tộc thôn buôn Chuối, xã Mê Linh thực hiện. Tại TK 219 xã Phú Sơn do BQLRPH Nam Ban quản lý, diện tích rừng bị phá 1,922ha.
Ngoài ra, một số vụ khai thác gỗ trái phép như: ở Di Linh, 139 cây dầu bị khai thác với 198,209m
3 tại TK 703, 704 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp quản lý; hơn 42,046m
3 gỗ thông 3 lá và 2 lá tại TK 606 xã Đinh Tranh Thượng do BQLRPH Tân Thượng quản lý. Còn ở Đạ Tẻh, tại TK 527 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh và Công ty TNHH Hoàng Minh Hồng quản lý, số lượng gỗ khai thác trái phép thống kê tại hiện trường 188,388m
3 từ nhóm V-VIII. Các vụ khai thác rừng trái phép đã được cơ quan chức năng khởi tố án hình sự và đang điều tra mở rộng.
Một số nhận định
Như đã nêu, việc chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh thời gian qua rất quyết liệt, kịp thời, với tinh thần là cả hệ thống chính trị các cấp phải nhận thức và hành động bằng trách nhiệm cao nhất. Riêng UBND tỉnh, từ tháng 2 đến tháng 7, tính sơ bộ đã có tới 24 văn bản chỉ đạo, trong đó hầu hết cụ thể từng vụ việc. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm ban hành 28 văn bản cụ thể hóa để các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để xẩy ra nhiều vụ phá rừng điển hình ngoài những nguyên nhân khách quan như đối tượng vi phạm liều lĩnh, manh động và thực hiện những hành vi tinh vi..., vấn đề cần bàn là nguyên nhân chủ quan.
Đó là trách nhiệm quản lý nhà nước chưa được quan tâm đúng mức đang là thực tế tại một số UBND, nhất là cấp cơ sở. Tại các địa phương này, vai trò chỉ đạo của Đảng chưa phát huy cao; công tác phối hợp giữa địa phương với các ngành chức năng, giữa các đoàn thể còn thiếu đồng bộ; hình thức và nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân chưa hiệu quả và thiếu thuyết phục...
Câu chuyện về năng lực quản lý còn hạn chế của đơn vị chủ rừng vẫn đang là thực trạng phải nghiêm túc khắc phục. Qua các vụ điển hình nêu trên cho thấy, hầu hết chủ rừng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Việc quản lý lâm phần lỏng lẻo, thậm chí còn có cả người của chủ rừng vi phạm. Một số vụ vi phạm Luật BV&PTR cũng bộc lộ tính thiếu đồng bộ, chưa kịp thời, thiếu chủ động trong phối hợp giữa kiểm lâm - chủ rừng - chính quyền địa phương cấp xã; ngành kiểm lâm và công an một số nơi vẫn hoạt động theo thời vụ, chưa đạt được sức mạnh tổng lực. Nhiều vụ phá rừng xảy ra còn cho thấy năng lực lập hồ sơ của cơ quan chức năng không hội đủ các yếu tố cần và đủ của pháp luật quy định, dẫn đến xử lý khó, giảm nhiều tính răn đe, tính giáo dục của pháp luật. Quá trình xử lý một số vụ việc của các ngành chức năng vẫn còn chưa nghiêm minh, chưa đạt được tính thượng tôn pháp luật nên đối tượng vẫn coi thường pháp luật, vẫn tiếp tục tái phạm, và tái phạm nghiêm trọng hơn...
Trao đổi với Chi cục phó Kiểm lâm Võ Danh Tuyên, chúng tôi rất đồng tình quan điểm của ông. Đó là, nếu mọi cấp, mọi ngành, mọi đơn vị quán triệt thực sự sâu sắc Chỉ thị 30-CT/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng và theo đó thực hiện nghiêm Chỉ thị này thì chắc chắn tài nguyên rừng sẽ giảm bớt rất nhiều sự xâm hại. Đã đến lúc không chỉ nhấn mạnh công tác quản lý BVR là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, mà cấp tỉnh, cấp huyện và các ngành liên quan cần tăng cường đưa nội dung này vào nội dung thi đua khen thưởng, kỷ luật kịp thời, phải đạt được sức tác động thực sự.
MINH ĐẠO