Vì sao việc cưới không có chuyển biến

09:08, 12/08/2015

Sau khi có Chỉ thị 27-CT/TW, ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị về việc cưới, việc tang và lễ hội, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản bằng chỉ thị, quyết định, quy chế. Bộ VHTT và DL ban hành thông tư hướng dẫn. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng ban hành tiếp quy chế, kế hoạch tổ chức thực hiện. Song thực tế ở Lâm Đồng việc cưới vẫn có nhiều điều mà mọi người chưa đồng tình.

Sau khi có Chỉ thị 27-CT/TW, ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị về việc cưới, việc tang và lễ hội, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản bằng chỉ thị, quyết định, quy chế. Bộ VHTT và DL ban hành thông tư hướng dẫn. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng ban hành tiếp quy chế, kế hoạch tổ chức thực hiện. Song thực tế ở Lâm Đồng việc cưới vẫn có nhiều điều mà mọi người chưa đồng tình.
 
Hạnh phúc. Ảnh mang tính minh họa: T.TOÀN
Hạnh phúc. Ảnh mang tính minh họa: T.TOÀN
Cứ 5 năm, 10 năm, 15 năm Bộ Chính trị giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các địa phương tỉnh, thành phố, các ngành sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 51-KL/TW nêu rõ: “Những năm gần đây, việc thực hiện chỉ thị không nghiêm túc, tình hình tổ chức tiệc cưới còn làm to hơn, kéo dài hơn trước”. Thực trạng đó ai cũng biết, ai cũng thấy nhưng không được ai nhắc  nhở, phê bình hoặc kiểm điểm. Hàng năm đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thậm chí còn được khen thưởng. Dư luận của người dân lao động đang đặt ra câu hỏi: “Ngày nay đám cưới ai làm to hơn, chỉ có quan chức mới có điều kiện mời đông khách như thế”. Trước Chỉ thị 27-CT/TW, đám cưới của cán bộ, công chức cũng chỉ cỡ 300-400 khách; bây giờ, qua 17 năm thực hiện Chỉ thị, đám cưới của cán bộ, công chức mời đến 700-800 khách cũng chỉ là bình thường, thậm chí có nhiều đám cưới lên đến trên 1.000 người. Sức chứa của hôn trường không đủ, nhà hàng phải cơi nới dựng thêm rạp mới bảo đảm lượng khách mời. Vào mùa cưới nhiều người phải chạy xô cùng một lúc được mời dự 2-3 đám cưới, một tháng có khi tới hàng chục thiệp mời. Những người lương thấp, lương hưu được mời đi dự đám cưới cầm tấm thiệp mà lòng phân vân. Theo điểm C, Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Chỉ mời khách dự tiệc trong phạm vi gia đình, họ tộc, bạn bè, đồng nghiệp thân thích” nhưng có ai chịu thực hiện đâu.
 
Kết luận 51 của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ: “Những năm gần đây, việc thực hiện Chỉ thị không nghiêm túc, tình hình tổ chức tiệc cưới còn phô trương, không hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, gây tốn kém, phiền phức. Một số đám cưới còn làm to hơn, kéo dài hơn trước”. Phải chăng trong lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực tư tưởng, văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh?
 
Nguyên nhân chủ yếu là mấy năm gần đây chúng ta đã buông lỏng công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện. Trách nhiệm của cơ quan quản lý về văn hóa không nhắc nhở, không tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, có biểu hiện buông lỏng hữu khuynh. Cán bộ chủ chốt các cấp, đảng viên, công chức không gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới thì không thể vận động được các tầng lớp nhân dân cùng thực hiện. Các văn bản quy chế thực hiện của tỉnh, hướng dẫn của ngành văn hóa không có chế tài đủ mạnh để có tác dụng giáo dục, răn đe.
 
Năm 2013, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có đề tài khoa học cấp tỉnh nghiên cứu về thực trạng việc cưới, việc tang và lễ hội ở Lâm Đồng và đề xuất rất nhiều giải pháp tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp phải tiếp tục chỉ đạo ráo riết, phải có nghị quyết chuyên đề. UBMTTQ cùng các tổ chức đoàn thể cần đề ra nhiều biện pháp thực hiện, nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên cần xây dựng và giới thiệu những mô hình tiệc cưới cho đoàn viên học tập. Các cơ quan truyền thông kịp thời đưa tin phản ánh việc thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW ở các ngành, các địa phương. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mới đạt được kết quả như mong muốn.
 
TRẦN CẢNH ĐÀO