Y tế dự phòng "đỏ mắt" tìm bác sĩ

08:08, 06/08/2015

Tại buổi làm việc mới đây của UBND tỉnh với ngành Y tế Lâm Đồng do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa chủ trì đã có nhiều ý kiến, kiến nghị của cán bộ lãnh đạo các đơn vị thuộc ngành Y tế, trong đó có vấn đề nhân lực cho hệ y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện đang thiếu trầm trọng.

Tại buổi làm việc mới đây của UBND tỉnh với ngành Y tế Lâm Đồng do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa chủ trì đã có nhiều ý kiến, kiến nghị của cán bộ lãnh đạo các đơn vị thuộc ngành Y tế, trong đó có vấn đề nhân lực cho hệ y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện đang thiếu trầm trọng.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân phong tại Khu điều trị phong Di Linh
Bác sĩ khám cho bệnh nhân phong tại Khu điều trị phong Di Linh


Ths - Bs Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng phát biểu: “20 năm nay chúng tôi không tuyển được bác sĩ mới. Vì chế độ ưu đãi, phụ cấp của hệ dự phòng không khác gì hệ điều trị; trong khi bác sĩ về y tế dự phòng phải đi công tác cơ sở liên tục không thể có phòng mạch riêng, cùng đó, hiện Lâm Đồng chưa có chính sách đãi ngộ cho bác sĩ về công tác ở lĩnh vực y tế dự phòng. Chúng tôi làm lãnh đạo hết sức trăn trở, hôm nọ ngồi họp với nhau, anh em bảo sau khi thế hệ chúng tôi nghỉ hưu thì rất khó có người thay thế. Hiện nay, chúng tôi cử những người làm y sỹ hay chuyên ngành khác ở các đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh cũng như tuyến huyện để gửi đi đào tạo đại học, sau đại học. Chúng tôi cứ phải lấy người cũ ở cơ quan để gửi đi chứ còn tuyển mới bác sĩ về thì không tuyển được bác sĩ nào cả. Toàn bộ hệ y tế dự phòng của tỉnh chúng ta hiện nguồn nhân lực đang trong tình trạng đó. Chúng tôi cũng đề nghị tỉnh có chế độ đãi ngộ, ưu đãi đối với bác sĩ khi về tỉnh, đặc biệt là bác sĩ về làm ở lĩnh vực y tế dự phòng, bởi vì y tế dự phòng giúp phòng bệnh, giảm tải cho các bệnh viện và tích cực thực hiện an sinh xã hội”.

Mục tiêu của ngành Y tế tỉnh, giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đạt từ 7-8 BS và 1,2 dược sĩ đại học/vạn dân. Theo tính toán của Sở Y tế, nếu đạt 7 BS/vạn dân và 1 DSĐH/vạn dân thì cần phải có 893 BS và 128 DSĐH; hiện toàn ngành đã có 818 BS và 81 DSĐH, nên cần bổ sung 75 BS và 47 DSĐH. Nếu đạt 8 BS và 1,2 DSĐH/vạn dân thì cần phải có 1.080 BS và 162 DSĐH, cần bổ sung 262 BS và 81 DSĐH.

Trong giai đoạn 2010-2014 ngành Y tế tỉnh đã đào tạo trình độ đại học 212 người và sau đại học 137 người. Số bác sĩ đã tăng từ 639 người lên 818 người, tăng 179 BS. Dược sĩ đại học từ 44 người tăng lên 81 người. Toàn ngành có 4.454 cán bộ y tế (tăng 1.040 người so với năm 2010). Số cán bộ đại học và sau đại học là 1.262 người (tăng 406 người so với năm 2010).  


BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng cũng cho biết: “Về nguồn nhân lực rất khó. Trong mấy chục năm liền hầu như không có bác sĩ chính quy cũng như tuyến chuyên khoa sâu về. Và hiện tại, trên toàn tỉnh bác sĩ chuyên khoa lao chỉ có 1 người (ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh) còn lại là kiêm nhiệm, tuyến tỉnh đã không có thì tuyến huyện càng khó. Bác sĩ về ngành tâm thần có 2 bác sĩ chuyên khoa tuyến tỉnh và thiếu bác sĩ ở hàng loạt các chuyên khoa nữa… Như vậy, chúng ta phải có giải pháp thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế, trong đó công tác dự phòng, phòng bệnh hơn chữa bệnh cần có sự đầu tư, phòng bệnh tốt thì giảm tải được người bệnh. Như vậy, phải có tác động về mặt chính sách ưu tiên cho con em học tập ngành y và những cam kết về hệ dự phòng. Lâm Đồng chưa bằng các tỉnh, thành phát triển nhưng cũng đạt khoảng 40-50% so với các tỉnh lân cận về chính sách ưu tiên cho những người làm cam kết học đại học y về làm tại các khối đang khó khăn của hệ dự phòng như phong, lao, tâm thần”.

Qua đó, BS Minh cũng cho biết thêm: Theo Thông tư quy định của nhà nước (Thông tư 113 liên bộ Tài chính - Y tế), kinh phí chi cho vấn đề con người, các hoạt động chuyên môn là rất lớn nhưng kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia những năm 2013-2015 ngày càng teo dần (trong đó nguồn đối ứng của địa phương cũng rất khó khăn), nên hiện tại không thể thực hiện được chính sách cho người làm lao, phong, tâm thần. Nguồn kinh phí đầu tư chỉ  ở mức mua được thuốc cho bệnh nhân tâm thần, thuốc lao, bơm và kim tiêm cấp cho bệnh nhân lao, còn vấn đề chi trả kinh phí cho các đơn vị huyện, thành phố gần như không thực hiện được, chi trả cho y tế thôn bản, hỗ trợ cho cộng tác viên làm chương trình tâm thần hầu như không có trong những năm vừa rồi. Thành thử không có sự hỗ trợ của các anh em y tế thôn bản, còn mạng lưới y tế, y sỹ của các tuyến làm chương trình lao, phong, tâm thần gần như không có chế độ chính sách gì cả, bởi vậy vấn đề thu hút bác sĩ càng ngày càng khó khăn hơn”.

BS Vũ Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh nói: “Ở chỗ chúng tôi 10 năm nay không có bác sĩ nào về đây công tác, chủ yếu cử anh em trung cấp đi đào tạo và nhận số anh em đi cử tuyển về (đào tạo BS cử tuyển) phải 4 năm sau mới làm được việc. Khi đưa chỉ tiêu cử tuyển về tuyến huyện cần phải cấp thêm chỉ tiêu ngân sách cho số này vì ngân sách hàng năm cấp cho chúng tôi không thay đổi (trong nhiệm kỳ qua có 10 bác sĩ cử tuyển về vẫn số tiền đấy, trong 5 năm tới chúng tôi còn 20 bác sĩ tiếp tục về nữa thì không biết phải thế nào?). Và tôi nghĩ đây là tình trạng toàn tỉnh, đối tượng cử tuyển khi phân công về đơn vị bắt buộc phải nhận nhưng tiền thì không được cấp thêm nên rất khó khăn đến hoạt động của đơn vị”.

Theo đánh giá của Sở Y tế về chất lượng nguồn nhân lực: Cán bộ y tế từng tuyến chưa đồng đều, tuyến tỉnh thiếu cán bộ có trình độ tay nghề cao, chuyên sâu; tuyến huyện thiếu cán bộ một số chuyên khoa như: sản, nhi, da liễu, y tế công cộng. Một số lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn cao còn hạn chế; khả năng làm chủ công nghệ hiện đại và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào việc chẩn đoán, khám chữa bệnh chưa cao. Về cơ cấu: Một số chỉ tiêu thấp so với bình quân cả nước như BS/vạn dân (6,42 BS/vạn dân - năm 2014); dược sĩ đại học/vạn dân (0,63 DSĐH/vạn dân - năm 2014); không đạt được chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đề ra (7 BS/vạn dân vào năm 2015). Tỷ lệ xã có bác sỹ tại các xã, phường chưa cao (79%), còn thiếu đội ngũ bác sỹ ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
 

DIỆU HIỀN