Từ tháng 7/ 2011, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định thu hồi đất của 171 hộ dân tại xã Lộc Ngãi và thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) để làm hạng mục Khu khai thác mỏ 5 năm đầu của Dự án Tổ hợp Bauxite Nhôm Lâm Đồng...
Từ tháng 7/ 2011, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định thu hồi đất của 171 hộ dân tại xã Lộc Ngãi và thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) để làm hạng mục Khu khai thác mỏ 5 năm đầu của Dự án Tổ hợp Bauxite Nhôm Lâm Đồng. Từ đó đến nay, hơn 150ha đất nông nghiệp của những hộ dân này đã bị hoang hóa, vì họ không dám tiếp tục đầu tư. Đã 5 năm trôi qua, cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn khi phải mỏi mòn chờ được đền bù!
Từ cuối năm 2009, khi có thông tin diện tích đất trồng chè, cà phê tại khu vực thôn 7 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) nằm trong diện giải tỏa để làm khu khai thác mỏ bauxite 5 năm đầu, hàng trăm hộ dân nơi đây đã lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Bởi lẽ, đất đang canh tác ổn định giờ lại bị giải tỏa thì không biết sẽ ra sao. Nỗi lo lắng đó ngày một lớn, vì dù đất chưa được đền bù, nhưng nhiều hộ đã “mất quyền sử dụng” khi cơ quan chức năng có quyết định thu hồi đất. Cũng từ khi có quyết định thu hồi đất, thì vườn chè và cà phê của người dân đã bị trở thành “của công” vì ai cũng có thể vào thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Thành (45 tuổi, ngụ tại thôn 2, xã Lộc Ngãi) cho biết: Từ khi có quyết định thu hồi, vườn nhà tôi bị rất nhiều người vào thu hái cà phê và chè. Khi can ngăn không cho hái thì họ bảo đất đã được đền bù và đang đợi giải tỏa, nên không thuộc quyền của mình nữa. Nhà tôi có 2,3ha đất trồng cà phê và chè, mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng. Vậy mà, từ đó đến nay, mỗi năm chỉ có thể thu hoạch còn khoảng 50 triệu đồng. Huyện cứ hứa tháng này qua năm nọ. Trong khi đó, chè và cà phê chỉ cần bỏ bê một năm không chăm sóc là coi như mất ăn. Chúng tôi không ai dám bỏ tiền đầu tư, khôi phục lại vườn vì quá tốn kém mà không biết khi nào bị thu hồi”.
Tương tự ông Thành, tình trạng “chăm cũng dở, bỏ cũng không xong” đã khiến hơn trăm hộ dân rơi vào tình cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Tấn Hòa (48 tuổi, ngụ tại xã Lộc Ngãi) có gần 2,6ha đất trồng cà phê và hoa màu. Từ mảnh vườn xanh tốt, thu nhập hàng năm khoảng 200 triệu đồng, thì hiện giờ vườn cà phê của gia đình ông đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ còn trơ gốc, cành trụi lủi. “Cũng nằm trong vùng Dự án nhưng hàng trăm hộ dân khác thì đã được đền bù để mua lại vườn, ổn định cuộc sống từ lâu. Chúng tôi thì chỉ biết mỏi mòn chờ đợi với bao nhiêu thiệt hại không thể tính toán hết!” - Ông Hòa bức xúc nói.
Theo UBND huyện Bảo Lâm, trước những khó khăn của người dân, trong năm 2014, toàn bộ 171 hộ dân trên đã được đền bù tiền cây trồng và vật kiến trúc trên đất; còn tiền đền bù về đất thì chưa thực hiện. Việc chậm đền bù đất cho người dân là do “vướng” Luật Đất đai 2013 và các Nghị định hướng dẫn có sự thay đổi về hệ số giá đất và mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, giữa tháng 8/2015 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có ý kiến chính thức về việc thống nhất cách tính hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm. Ngay sau đó, UBND huyện Bảo Lâm đã họp với Sở Tài nguyên Môi trường và các phòng, ban liên quan để thống nhất cách tính đền bù theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng. Ông Nguyễn Đình Gắn, Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi, cho biết: “Cách đây nửa tháng, bảng chiết tính đền bù cho các hộ dân thuộc khu khai thác mỏ 5 năm đầu đã được niêm yết công khai tại UBND xã. Sau thời hạn niêm yết, nếu người không có khiếu nại, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Bảo Lâm và Phòng Tài nguyên Môi trường sẽ hoàn tất việc chiết tính để trình UBND huyện sẽ ra quyết định thu hồi đất và chi trả đền bù cho người dân. Nếu không có gì thay đổi thì trong vòng 1 tháng nữa, người dân sẽ được chi trả đền bù”.
ĐÔNG ANH