Chuyện những người mở đường

09:09, 01/09/2015

Gần 40 năm, những thế hệ đi thông đường, mở lối trên vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng gặp nhau nhân Ngày truyền thống ngành Giao thông vận tải (28/8/1945-28/8/2015) đã vẽ lên bức tranh của ngành với bao thành tựu cũng như cảm xúc tràn đầy xuyên suốt chặng đường đã qua của cán bộ, viên chức và người lao động ngành Giao thông vận tải Lâm Đồng.  

Gần 40 năm, những thế hệ đi thông đường, mở lối trên vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng gặp nhau nhân Ngày truyền thống ngành Giao thông vận tải (28/8/1945-28/8/2015) đã vẽ lên bức tranh của ngành với bao thành tựu cũng như cảm xúc tràn đầy xuyên suốt chặng đường đã qua của cán bộ, viên chức và người lao động ngành Giao thông vận tải Lâm Đồng.  
 
Ban Chấp hành Đảng bộ GTVT nhiệm kỳ 2015 - 2020
Ban Chấp hành Đảng bộ GTVT nhiệm kỳ 2015 - 2020

So với 70 năm thành lập ngành Giao thông vận tải Việt Nam (GTVT), sự hình thành và phát triển của ngành GTVT Lâm Đồng  đã đi qua gần 40 năm. Cột mốc đánh dấu sự hình thành ngành đó là việc sáp nhập 3 đơn vị gồm: Ty Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức và Đà Lạt và đổi tên thành Sở GTVT Lâm Đồng vào năm 1982 cho đến nay đã có bước phát triển nhanh chóng. Với diện tích trên 9.773km2, dân số gần 1,3 triệu người của Lâm Đồng hôm nay và để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn rộng lớn ấy, hệ thống giao thông, vận tải đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kể từ khi tiếp nhận, mạng lưới giao thông còn rất đơn sơ, toàn tỉnh chỉ có 2 tuyến giao thông huyết mạch là Quốc lộ 20 nối với thành phố Hồ Chí Minh và Quốc lộ 27 nối với tỉnh Ninh Thuận, nên bị hạn chế trong giao lưu kinh tế - xã hội với các vùng lân cận và cả nước. Ông Trần Công Lang - nguyên Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng thời kỳ 1982 - 1997 nhớ lại: Sau ngày giải phóng, vùng đất Lâm Đồng còn rất hoang sơ, nhiều nơi chưa có đường đi như vùng Nam Ban (Lâm Hà), Đạ Tẻh, Cát Tiên… Từ đó, công cuộc mở đường được vạch ra, huy động lực lượng tại chỗ và thanh niên xung phong với sức người và công cụ thi công chủ yếu bằng thủ công tiến hành khai mở những cung đường, góp phần đảm bảo vận chuyển lương thực, thực phẩm xây dựng những vùng kinh tế mới trên quê hương Lâm Đồng. Hệ thống giao thông được xây dựng từ cầu gỗ, đường đất đến cầu sắt, đường cấp phối, đá dăm và đến nay là hệ thống cầu bê tông cốt thép “nối những bờ vui”, mặt đường thảm bê tông nhựa nóng đến hầu hết các trung tâm các xã đảm bảo lưu thông cả hai mùa mưa, nắng như hôm nay ít ai có thể hình dung ra. Cùng đó là biết bao tuyến đường mới được mở, tạo nên huyết mạch giao thông đối ngoại, đối nội thuận lợi trong giao thương, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đổi thay đời sống xã hội cả những vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. 
 
Ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở GTVT cho hay: Thực hiện chủ trương và những mục tiêu của tỉnh đề ra, ngành GTVT Lâm Đồng đã có nhiều cố gắng, huy động và phát huy nhiều nguồn lực từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa một số lĩnh vực vào tập trung phục vụ công cuộc phát triển ngành GTVT. Đến nay, hệ thống giao thông tỉnh Lâm Đồng có nhiều loại hình giao thông như: đường hàng không, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa; trong đó vận tải đường bộ phát triển nhanh và là phương thức vận tải chủ đạo với tổng chiều dài 7.369km. Qua đó, đã đầu tư 19,2km đường cao tốc gồm 4 làn xe từ Liên Khương đến chân đèo Prenn. Hiện đang nâng cấp Quốc lộ 20 theo tiêu chuẩn đường cấp III với chiều dài trên địa phận Lâm Đồng 192,4km; khôi phục, nâng cấp Quốc lộ 27 dài 123,5km và Quốc lộ 28 dài 96,6km. Thông tuyến Quốc lộ 28B dài 17km, xây dựng tuyến Quốc lộ 55 dài 24km. Ngoài ra, các tuyến quốc lộ khác trên địa bàn tỉnh đều được duy tu, bảo trì đảm bảo giao thông thông suốt. Hệ thống đường tỉnh cũng được quan tâm đầu tư với tổng chiều dài 394,7km đã được bê tông hóa trên 90%, dự kiến đến năm 2016 đạt 100%. Hệ thống đường đô thị với tổng chiều dài khoảng 500km đã được nâng cấp, thảm bê tông nhựa, xây dựng vỉa hè, hệ thống thoát nước và từng bước trồng cây che bóng, đáp ứng tiêu chí giao thông của cấp đô thị. Riêng mạng lưới đường giao thông nông thôn với chiều dài khoảng 6.546km thì có đến 4.185km được cứng hóa, đạt tỉ lệ 64%. Theo đó, các phương tiện giao thông, vận tải và dịch vụ có bước phát triển vượt bậc. Toàn tỉnh hiện có 152 tuyến liên tỉnh đi đến 40 tỉnh, thành phố trên cả nước và 16 tuyến nội tỉnh và 8 tuyến vận tải khách công cộng bằng xe buýt với khoảng 66 phương tiện. Dịch vụ xe taxi đang phát triển rất nhanh với khoảng 1.000 xe, đáp ứng nhu cầu đi lại của khách du lịch và dân cư. Nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bến xe liên tỉnh Lâm Đồng, ông Đặng Xuân Kỳ cho hay: Kể từ khi đổi mới đến nay, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ hệ thống cầu cống, đường sá, hạ tầng đô thị; còn phải kể đến lĩnh vực vận tải cũng không ngừng được phát triển cả về phương tiện lẫn dịch vụ. Chỉ cần sử dụng dịch vụ vận tải, bến bãi hay đi trên các tuyến xe nội, ngoại tỉnh sẽ cảm nhận được chất lượng ra sao so với những năm trước. Đó là điều đáng mừng của ngành GTVT Lâm Đồng. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho rằng: Ngành GTVT đã có bước phát triển nhanh chóng trong những năm qua, các dịch vụ vận tải thực hiện tốt “3 đúng”: đúng giờ, đúng tuyến và đúng giá. Đặc biệt, Lâm Đồng là một trong 15 tỉnh được Chính phủ khen ngợi về phát triển giao thông nông thôn. Với những thành tựu đạt được, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục quan tâm, coi phát triển giao thông, nhất là giao thông đường bộ và đường không là một trong 4 chương trình trọng tâm trong giai đoạn 2015 - 2020, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đáp ứng tốt nhu cầu hội nhập quốc tế, mà điểm nhấn đó là phấn đấu khởi công và hoàn thành Dự án Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trong giai đoạn 2016 - 2020 với chiều dài 200,3km, tổng mức đầu tư 65.000 tỷ đồng.
 
HỒ XUÂN TRUNG