Để giữ rừng giáp ranh

05:09, 15/09/2015

Rừng giáp ranh với Lâm Đồng gồm có 7 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước và Đồng Nai. Trong đó, các điểm "nóng" nhất nằm trên các vùng giáp với tỉnh Bình Thuận khoảng 200km, gồm các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và Đạ Huoai;

Rừng giáp ranh với Lâm Đồng gồm có 7 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước và Đồng Nai. Trong đó, các điểm “nóng” nhất nằm trên các vùng giáp với tỉnh Bình Thuận khoảng 200km, gồm các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và Đạ Huoai; giáp với tỉnh Ninh Thuận khoảng 75km gồm huyện Đơn Dương, Lạc Dương và giáp với tỉnh Đắc Nông khoảng 60km gồm huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông. Làm thế nào để giữ rừng giáp ranh tiếp tục là vấn đề đặc biệt quan tâm. 
 
Những thuận lợi
 
Độ che phủ rừng hiện trên tỉnh Lâm Đồng đạt 52,5%, được tính bởi 513.529ha rừng. Nếu phân theo mục đích sử dụng hiện có hơn 82 ngàn ha rừng đặc dụng, hơn 141 ngàn ha rừng phòng hộ và 267.646ha rừng sản xuất. Còn tính theo mục đích hình thành, có 454.123ha rừng tự nhiên và 59.406ha rừng trồng. Đặt vấn đề về những yếu tố thuận lợi trong việc giữ rừng giáp ranh của tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Khang Thiên cho rằng, trước hết, Lâm Đồng đã có Chỉ thị số 30 của Tỉnh ủy và Kết luận số 36 của Chủ tịch UBND tỉnh. Đây là 2 văn bản vừa thể hiện quan điểm quyết tâm mạnh về chính trị, vừa định hướng sát trong chỉ đạo, lãnh đạo về công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Lâm Đồng. Đúng như nhận xét của ông Võ Danh Tuyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, nếu mọi cấp, ngành và mọi địa phương trong tỉnh quán triệt sâu sắc, nghiêm túc thực hiện đúng những nội dung tại 2 văn bản này thì chắc chắn sẽ còn ít nỗi lo canh cánh mất rừng. 
 
Thực tế, vấn đề rừng giáp ranh, nhiều năm nay, Lâm Đồng và các tỉnh đã xây dựng quy chế phối hợp ở nhiều cấp độ: tỉnh, huyện, sở, chi cục và hạt. Vì vậy, suy cho cùng, lực lượng tham gia tuyên truyền đông, là một điều kiện thuận lợi trong phối hợp giữ rừng. Riêng với Lâm Đồng, đã và đang sử dụng nguồn kinh phí từ dịch vụ chi trả môi trường rừng với hàng chục tỉ đồng cấp phát cho các chủ rừng, theo đó, người dân nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng được thụ hưởng. Chiều ngày 14/9, ông Vĩ Danh Tuyên cho biết: Việc thành lập 2 trạm kiểm lâm liên tỉnh giữa Lâm Đồng và Bình Thuận sẽ góp phần giữ rừng giáp ranh tốt hơn. Hiện, trạm ở Đức Trọng, gồm 10 người tỉnh Bình Thuận và 4 người tỉnh Lâm Đồng đã hoạt động; trạm ở Di Linh (10 người Lâm Đồng và 4 người Bình Thuận) đang ban hành quy chế phối hợp và sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 10 này. 
 
Lực lượng tại chỗ là một trong những yếu tố quan trọng để giữ rừng. Ảnh: MINH ĐẠO
Lực lượng tại chỗ là một trong những yếu tố quan trọng để giữ rừng.

Và khó khăn, thử thách
 
Những khó khăn, tồn tại trong công tác giữ rừng giáp ranh của tỉnh cần được khắc phục sớm. Về khách quan, đó là hiện tượng một số đồng bào dân tộc thiểu số cố tình kéo về làng cũ, di cư tự do chiếm lại rừng và đất lâm nghiệp. Điển hình là vụ kéo về làng cũ ở tiểu khu 26, 27 huyện Lạc Dương; tiểu khu 103 huyện Đam Rông; các hộ xã Mê Linh, huyện Lâm Hà đến tiểu khu 111A, huyện Lạc Dương. Hoặc một số khá đông hộ phá rừng, chống người thi hành công vụ tại tiểu khu 177, xã Liêng Srôn, huyện Đam Rông… Tình trạng chống người thi hành công vụ ngày càng tăng và diễn biến phức tạp ở khá nhiều địa bàn trong tỉnh. Vấn đề sử dụng lâm sản ngày càng gia tăng cũng là tác động không nhỏ gây khó khăn trong việc ngăn chặn phá rừng. Một yếu tố khách quan khác trở thành thách thức đối với công tác bảo vệ rừng giáp ranh là khi giao thông thuận lợi phục vụ dân sinh cũng là lúc bị lợi dụng để phá rừng. Trên địa bàn Lâm Đồng, nhiều trục đường lớn xuyên qua rừng như các đường tỉnh 723, 722, 725 hay quốc lộ 28, 27…, chưa kể những con đường nhỏ mới mở khác. Mấy năm gần đây, hiện tượng phá rừng có tính hủy diệt bằng cách đổ hóa chất ken cho cây chết và phá rừng bằng hình thức nhỏ lẻ, gặm nhấm nên càng khó khăn trong kiểm soát đối với ngành chức năng. 
 
Về yếu tố chủ quan, tuy có chuyển biến ở nhiều địa phương nhưng rõ nhất vẫn là vai trò của ban lâm nghiệp xã và chủ rừng còn non yếu. Thực tế cho thấy, các thành viên của ban này kiêm nhiệm nên càng thiếu về mặt nghiệp vụ. Việc phối hợp các lực lượng tại chỗ ở các xã nơi có rừng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đồng bộ, vẫn còn xử lý thiếu kiên quyết. Ở một số địa bàn, công tác giải tỏa lấn chiếm đất lâm nghiệp không dứt điểm như đã ghi tại Nghị định 120 của Chính phủ, dẫn đến tái lấn chiếm liên tục diễn ra. Đặc biệt, vai trò của một số xã chưa phát huy được tinh thần Chính phủ quy định tại Quyết định 07 và Nghị định 1685. Do đó còn thiếu tính quyết liệt để ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. 
 
Rừng ở tiểu khu 26 và 27 giáp Đắc Lắc bị người dân quay về phá và lấn chiếm.
Rừng ở tiểu khu 26 và 27 giáp Đắc Lắc bị người dân quay về phá và lấn chiếm.

Bắt được 10 xe không bằng đuổi được 1 xe
 
Trả lời Báo Lâm Đồng, Chi cục trưởng Nguyễn Khang Thiên cho biết, một số việc ngành Kiểm lâm và các địa phương đang tiếp tục thực hiện như: củng cố và hoàn thiện quy chế phối hợp cấp tỉnh và cấp huyện; tăng cường xây dựng các kế hoạch tuần tra, kiểm tra nhằm mục đích ngăn chặn, phòng chống, đẩy đuổi là chính. Mặt khác, hạn chế tối đa khi có hiện tượng phá rừng mới thành lập truy quét, bởi theo ông Thiên “bắt được 10 xe không bằng đuổi được 1 xe”. Đáng ghi nhận hơn là từ quý II năm 2015, ngành kiểm lâm và chủ rừng đã phối hợp mật phục hiện tượng ken cây bằng hóa chất phá rừng trái phép. Kết quả, lần đầu tiên bắt được đối tượng phá rừng bằng hình thức này tại tiểu khu 143, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. UBND tỉnh đã kịp thời tặng Bằng khen cho tập thể Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1 cùng 2 cá nhân là Nguyễn Quốc Hiển, Vũ Đình Quang, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh. 
 
Tuy nhiên, để ngăn chặn có hiệu quả hơn rừng giáp ranh, ngoài khắc phục những tồn tại và hạn chế đã nêu trên, cần tiếp tục triển khai hiệu quả nhiều nội dung khác. Đó là vừa triển khai quyết liệt, hiệu quả các đoàn kiểm tra cấp huyện, cấp tỉnh; vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng cam kết. Ông Nguyễn Khang Thiên cho rằng: “Tiên quyết nhất, hiệu quả nhất trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài là chuyển biến mạnh từ nhận thức đến hành động trong nhân dân”. Mặt khác, tiếp tục tăng cường phương án 4 tại chỗ đối với công tác bảo vệ quản lý rừng: từ chỉ huy, lực lượng triển khai đến phương tiện và hậu cần. Trong đó, cần thường xuyên phát huy tối đa lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng, vai trò của già làng, trưởng thôn và các chức sắc… ở địa phương. Để giữ được rừng giáp ranh còn cần phải tăng cường phối hợp giữa các ngành chức năng, trong đó lực lượng kiểm lâm làm nòng cốt, đặc biệt có sự hỗ trợ của lực lượng công an và các ngành nội chính. Tính đồng thời, đồng bộ đạt được tính hiệu quả cao nhất là các ngành chức năng cần có thái độ cương quyết, triệt để trong xử lý vi phạm, nhằm hạn chế tình trạng đối tượng tái vi phạm.
 
MINH ĐẠO