Dự án đã hoàn thành nhưng dân chưa được đền bù?

05:09, 09/09/2015

Dự án làm đường từ xã Tiên Hoàng đi xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) dù đã hoàn thành (phần qua xã Tiên Hoàng) nhưng còn nhiều hộ dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù do bị ảnh hưởng trực tiếp từ Dự án. Đã nhiều năm trôi qua, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện Cát Tiên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết!

Dự án làm đường từ xã Tiên Hoàng đi xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) dù đã hoàn thành (phần qua xã Tiên Hoàng) nhưng còn nhiều hộ dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù do bị ảnh hưởng trực tiếp từ Dự án. Đã nhiều năm trôi qua, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện Cát Tiên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết!
 
Toàn bộ vườn điều của gia đình ông Nguyễn Văn Thơ đã bị vùi lấp và không thể tiếp tục canh tác
Toàn bộ vườn điều của gia đình ông Nguyễn Văn Thơ đã bị vùi lấp và không thể tiếp tục canh tác

Gia đình ông Nguyễn Văn Thơ (thôn 3, xã Tiên Hoàng) là 1 trong 9 hộ dân hiện chưa được đền bù đất và hoa màu bị bồi lấp do việc thi công tuyến đường Tiên Hoàng đi Đồng Nai Thượng. Toàn bộ diện tích đất trồng điều của gia đình ông Thơ là hơn 2,5ha. Khi bắt đầu thi công vào năm 2007, tuyến đường Tiên Hoàng - Đồng Nai Thượng cắt ngang qua vườn của gia đình ông. Lúc này, gia đình ông đã bị thu hồi và đền bù diện tích hơn 3 sào để làm đường, phần còn lại hơn 2,2ha vẫn được giữ lại để canh tác. Tuy nhiên, trong quá trình thi công đường, rất nhiều đất, đá đã tràn xuống gây bồi lấp toàn bộ diện tích đất của gia đình ông. Từ đó đến nay, đã 6 - 7 năm trôi qua, gia đình ông đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được đền bù. Ông Thơ cho biết: “Đất trồng điều này được gia đình tôi sang nhượng lại từ năm 1993 và sử dụng ổn định, hoàn toàn không có tranh chấp với ai cho đến nay. Diện tích này vẫn chưa được cấp quyền sử dụng đất như nhiều hộ gia đình khác tại đây. Khi làm các thủ tục để đề nghị đền bù, gia đình tôi đã làm đầy đủ các giấy tờ xác nhận về nguồn gốc sử dụng đất. Tuy nhiên, theo bảng chiết tính đền bù vào tháng 6/2015 của UBND huyện Cát Tiên, gia đình tôi chỉ được đền bù cây điều 5 năm tuổi mà không được đền bù đất. Chiết tính như vậy là không đúng vì trên thực tế từ thời điểm bị vùi lấp đến nay thì cây điều cũng đã 10 năm tuổi. Bên cạnh đó, đất của gia đình tôi hoàn toàn không thể tiếp tục canh tác nên phải được đền bù”.
 
Tương tự ông Thơ, gia đình ông Nguyễn Ngọc Thắng cũng bị thiệt hại nặng nề do toàn bộ diện tích điều bị bồi lấp. Đứng từ trên đường Tiên Hoàng - Đồng Nai Thượng nhìn xuống, toàn bộ diện tích điều của gia đình ông Thắng đã bị vùi lấp do đất, đá trong quá trình thi công tràn xuống. Hiện, đất bị sạt lở tạo thành rãnh sâu không thể tiếp tục canh tác. Ông Thắng cho biết: “Dù gia đình tôi đã làm đầy đủ các giấy tờ để xác nhận nguồn gốc sử dụng đất là khai phá để trồng điều từ năm 1995 nhưng cũng chỉ được hỗ trợ đền bù cây điều mà không được đền bù tiền đất. Từ khi bị bồi lấp cho đến nay đã 6 -7 năm, nếu tính ra thì gia đình tôi thất thu cả trăm triệu đồng mỗi năm do không được thu hoạch điều. Hiện, ngoài diện tích khoảng 2ha gia đình tôi đã được nhận đền bù (cả về cây trồng và đất) khi bắt đầu thi công tuyến đường thì còn 2,4ha gia đình chưa nhận được đền bù”. Trong khi đó, theo bà Dương Thị Hoa (vợ ông Trần Văn Tân), một hộ dân vẫn chưa được đền bù đất do ảnh hưởng của Dự án, thì dù người dân đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng huyện vẫn chưa giải quyết dứt điểm và cũng không đưa ra được lý do thuyết phục tại sao chỉ hỗ trợ đền bù hoa màu mà không đền bù đất. Người dân chúng tôi đề nghị huyện phải trả lời rõ ràng cho dân biết những căn cứ pháp lý nào để áp giá đền bù cho chúng tôi như vậy. Đồng thời, UBND huyện cần sớm giải quyết để người dân có thể mua lại đất canh tác và ổn định cuộc sống. 
 
Dự án đường Tiên Hoàng - Đồng Nai Thượng được triển khai từ năm 2007. Trong quá trình làm đường qua xã Tiên Hoàng, có cả trăm hộ dân bị ảnh hưởng do đất đá tràn xuống vườn. Liên quan đến những hộ dân chưa được giải quyết đền bù, ông Phạm Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác các công trình công cộng huyện Cát Tiên, cho biết: “Có 94 hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến đường đã nhận tiền hỗ trợ để đào múc đất, cải tạo lại vườn và tiếp tục canh tác. Hiện còn 9 hộ dân đang kiến nghị về 2 nội dung là cách tính tuổi cây điều và tại sao không đền bù về đất. Về tuổi cây điều, cơ sở để tính điều 5 năm tuổi là do người dân khai trồng từ năm 2005 - 2006. Đến khi bị vùi lấp thì điều mới 2 - 3 năm tuổi nên Hội đồng bồi thường đường Tiên Hoàng - Đồng Nai Thượng quyết định tuổi cây điều là 5 năm. Còn tại sao không đền bù về đất, do có một số hộ dân lấn chiếm đất rừng trước đây để trồng điều và đã bị xử phạt hành chính nên không đủ cơ sở để đền bù đất. Tuy nhiên, hiện tại người dân chưa đồng tình với 2 nội dung trên, nên UBND huyện Cát Tiên đã giao cho Thanh tra huyện phối hợp với Hội đồng bồi thường và UBND xã Tiên Hoàng kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ liên quan đến 2 nội dung trên và báo cáo UBND huyện trước ngày 15/9”.
 
ĐÔNG ANH