Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bà con dân tộc thiểu số (DTTS) có thể không đủ điều kiện đóng góp về tiền, nhưng họ sẵn lòng đóng góp ngày công và hiến đất..., mặc cho ngày nay "đất là vàng".
Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bà con dân tộc thiểu số (DTTS) có thể không đủ điều kiện đóng góp về tiền, nhưng họ sẵn lòng đóng góp ngày công và hiến đất..., mặc cho ngày nay “đất là vàng”.
|
Bà con thôn R’Chai II đang xây dựng đường NTM |
Phú Hội - một trong những xã có nhiều thành tựu trong phong trào xây dựng NTM ở tỉnh Lâm Đồng. Chương trình xây dựng NTM ở đây được người dân hưởng ứng tích cực. Sự đồng lòng của người dân thể hiện rõ trong việc hiến đất làm đường giao thông. Theo lời giới thiệu của ông Phạm Viết Hùng - Phó Bí thư xã, chúng tôi về thôn R’Chai II, nơi có phong trào hiến đất làm đường giao thông sôi nổi nhất toàn xã. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những con đường đất “chuột chạy” (cách gọi của bà con nơi đây) trước đây của thôn R’Chai II nay đã được mở rộng. Mặt đường còn được rải thảm nhựa bóng mịn, phẳng lỳ. Khắp các lối xóm đã có xe cộ bon bon xuôi ngược để thu mua nông sản.
Anh Kră Jăn Ha Song - Trưởng thôn R’Chai II, cho biết: “Hiện tất cả con đường giao thông trong xóm đa phần đều đã được mở rộng, đổ bê tông. R’Chai II có 60% người dân là bà con DTTS. Hiện thôn có hơn 30 hộ hiến đất làm đường. Có một vài hộ hiến 5m còn đa phần hiến khoảng 1m. Đó là kết quả có được sau một quá trình làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để bà con hiểu những lợi ích mang lại từ chương trình NTM; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước để đồng lòng làm nên NTM”.
Được biết, trước khi làm việc gì lãnh đạo thôn cũng tổ chức họp dân, nói rõ mục đích, ý nghĩa để bà con được biết. Cán bộ còn trao đổi với những người có uy tín trong thôn để cùng vận động bà con chung tay, góp sức xây dựng NTM. Ông Phạm Viết Hùng khẳng định: “Nhờ cách làm hợp lòng dân mà chính quyền địa phương phát động phong trào xây dựng NTM đến đâu, bà con nhiệt tình tham gia đến đó. Xây dựng NTM với nguồn vốn hàng tỷ đồng, nhưng nếu bà con không đồng lòng thì dễ gì mà thực hiện được”.
Không chỉ có ở R’Chai II, mà ở xã Lát của huyện Lạc Dương cũng có những câu chuyện hiến đất đầy xúc động của bà con. Xã Lát với khoảng 76% dân số là người DTTS, đây được chọn là xã ưu tiên trong xây dựng NTM của huyện với tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2012 đến nay là trên 32 tỷ đồng. Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu của người dân, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn. Ông R’Ông K’Síu - Chủ tịch UBND xã Lát, cho biết: “Bên cạnh sự đầu tư vốn của Nhà nước thì sự tham gia nhiệt tình của người dân, nhất là bà con DTTS đã góp phần quan trọng trong việc kiên cố hóa đường liên thôn, ngõ xóm. Đến nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn đã cứng hóa được trên 80%. Từ khi thực hiện đến nay, đã có hơn 50 hộ gia đình tự nguyện tham gia hiến đất với trên 10.000m
2 và nhiều ngày công lao động để làm đường, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhiều gia đình trên đất còn cà phê, hoa màu, nhưng vẫn sẵn sàng hiến đất làm đường”. Như ở thôn Đạ Nghịt: Ông Liêng Hót Đinh, đã hiến 100m
2 đất để xã xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng cho thôn; ông K’ Long Ha Quý - một chức sắc tôn giáo tại đây, ngoài hiến đất của gia đình mình, ông còn vận động thêm nhiều bà con khác chung tay đóng góp cho đường sá khang trang hơn. Hay như ở thôn Păng Tiêng, ông Kơ Să K’Bong, ông Kră Jăn Weh… cũng hiến mỗi người hơn 50m
2 đất và đặc biệt có bà Kră Jăn Ka Ho - một hộ nghèo, nhưng vẫn sẵn lòng hiến đất làm đường. Được biết, tại khu vực xã Lát hiện nay, đất xây dựng có giá trung bình khoảng 40 triệu đồng/ mét. “Đất là vàng” nhưng bà con vẫn sẵn lòng hiến. Bởi đơn giản với họ “Có đường để mùa mưa bà con đi làm đỡ vất vả, bọn trẻ đến trường đỡ bẩn áo quần”.
“Không có tiền, mình đóng góp ngày công, hiến đất để làm đường” đó là cách mà bà con DTTS tại xã Lát chung sức xây dựng NTM.
Sau việc tuyên truyền, vận động, khi đã có sự ủng hộ của bà con, việc xây dựng được địa phương tiến hành gấp rút, chất lượng để người dân thấy rõ hiệu quả góp phần tạo sự lan tỏa trong quần chúng. Ngoài việc sát cánh cùng người dân trên mỗi công trình, những hộ gia đình hiến đất luôn được xã báo cáo lên cấp trên để khen thưởng kịp thời. Người dân khi cho đi họ không mong nhận lại, nhưng chính quyền địa phương vẫn cố gắng hết sức để đền đáp xứng đáng với đóng góp của bà con. Đó là cách làm hiệu quả của chính quyền xã Lát.
Những con đường ý Đảng, lòng dân đã dần hiện hữu trong tiến trình xây dựng NTM. Chúng sẽ nối dài thêm những niềm vui, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt là với bà con DTTS. Đó là động lực góp phần thay đổi diện mạo các địa phương trong thời gian tới.
N. NGÀ