Đã gần năm năm nay, mùa mưa cũng như mùa khô, bà con ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông phải lũ lượt kéo nhau đi lấy từng gùi nước sạch trong khe núi về sinh hoạt.
Đã gần năm năm nay, mùa mưa cũng như mùa khô, bà con ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông phải lũ lượt kéo nhau đi lấy từng gùi nước sạch trong khe núi về sinh hoạt.
Từ Trường Tiểu học Đa Nhinh đi về hướng núi hơn 3km, chúng tôi đến nơi lấy nước của bà con thôn Đa Nhinh I. Chị Ndu K’Doong (32 tuổi) vừa ôm đứa con nhỏ trên tay vừa đổ những chai nhựa trong gùi ra cho cô con gái Ndu K’Thùy (6 tuổi) hứng nước ở vòi chảy ra từ suối. Chị nói: “Ngày nào cũng phải đi lấy nước vậy đó, không đi lấy gì mà uống. Đi lấy nước không có ai trông con, nên bế nó đi luôn, khi nào con K’Thùy lấy đầy hết chai nước trong gùi, thì mẹ vừa bế em vừa gùi nước. Con K’Thùy nhỏ quá, vài năm nữa nó mới gùi nước qua đồi được”. Đứng sắp hàng chờ K’Thùy lấy nước còn có Kră Đa K’Yến và Cil July, hai học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Đa Nhinh cũng đang tranh thủ lấy nước giúp mẹ sau buổi học ở trường. Trong chiếc gùi nhỏ của các em là vỏ chai Coca, chai dầu, nước mắm…, đó là dụng cụ lấy nước và trữ nước của gia đình các em bởi “không có tiền mà mua can lớn” - July nói. Ông Đa Cát Tư - một người dân tại thôn Đa Nhinh II, nói thêm: “Ở đây, có một số nhà dành dụm tiền khoan giếng nhưng dùng được một thời gian thì máy hư, không có tiền sửa, nên cũng phải đi gùi nước suối về dùng thôi. Bà con không có gì trữ nước nên phải đi lấy nước sạch quanh năm”.
Đó là thực trạng đang xảy ra ở hầu khắp 9 thôn với gần 1.500 hộ (trong đó 98% đồng bào DTTS) ở xã Đạ Tông. Bà Cil Ka Hai - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Đạ Tông, cho biết: “Hầu hết các hộ gia đình ở xã Đạ Tông đều thiếu nước sạch. Một số gia đình có điều kiện thì khoan giếng, một số thôn ở địa hình thấp thì có thể đào giếng. Tuy nhiên, đa số các thôn ở xã Đạ Tông đều ở vùng đồi cao nên phải dùng nước mạch tự chảy ra từ núi. Cuộc họp nào bà con cũng ý kiến để xin có nguồn nước sạch nhưng đến nay vẫn chưa có”.
|
Trẻ em thôn Đa Nhinh I đi lấy nước sinh hoạt cho gia đình |
Ông Kơ Dong Ha En - Bí thư xã Đạ Tông cho biế thêm, mấy năm trở lại đây, do nắng nhiều hơn nên mùa khô thiếu nước trầm trọng. Mùa mưa, lượng mưa cũng ít hơn cộng với việc nước đầu nguồn không đảm bảo vệ sinh do canh tác cà phê, nên nguồn nước sạch lại càng khan hiếm.
Ở xã Đạ Tông đã có hai công trình cấp nước chính được xây dựng bao gồm Công trình Đa Nhinh I - II và công trình Đăk Tông. Tuy nhiên, công trình Đa Nhinh I - II bị cát bồi lắng nhiều do mưa lũ, dẫn đến hậu quả tắc đường ống. Bên cạnh đó, do cách quản lý của địa phương chưa chu đáo và ý thức sử dụng của bà con chưa cao nên tại công trình này đã xảy ra hiện tượng chặt phá đường ống, phá đồng hồ và để nước thường xuyên chảy tự do… Hiện nay, công trình này đã hư hỏng và không thể nâng cấp sửa chữa được. Còn công trình Đăk Tông được thiết kế để cung cấp nước cho khoảng 200 hộ dân và các khối cơ quan thuộc xã Đạ Tông. Công trình hiện cũng đã xuống cấp, chỉ cung cấp được nước tới thôn Liêng Trang I. Số hộ được sử dụng nước chỉ chiếm khoảng 30% so với thiết kế. Tuy nhiên, nguồn nước được lấy từ công trình Đăk Tông cũng không đảm bảo chất lượng bởi công trình này không lấy nước trực tiếp từ khe núi mà thông qua hệ thống mương thủy lợi, bể lọc không đảm bảo chất lượng nên thường xuyên bị cát bồi lắng. Mặt khác, do quá trình sản xuất nương rẫy của bà con trên núi cao dẫn đến việc nguồn nước trong mương thủy lợi bị ảnh hưởng, từ đó, nước đưa về công trình Đăk Tông không còn đảm bảo vệ sinh. Mặc dù đã từng được nâng cấp sửa chữa với kinh phí 400 triệu đồng, nhưng hiện công trình này vẫn chưa thể cung cấp nước sạch cho bà con. Trả lời vấn đề này, ông Mai Mạnh Duy - Giám đốc Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng huyện Đam Rông, cho biết: “Trung tâm đã có ý kiến và huyện Đam Rông cũng đã có đề xuất lên cấp trên. Hiện tỉnh đã cho chủ trương lập dự án công trình cấp nước sinh hoạt cho thôn Đạ Nhinh I - II để trình phê duyệt. Theo thiết kế kỹ thuật, công trình này nếu được triển khai xây dựng sẽ đủ cấp nước sinh hoạt cho 233 hộ. Song, hiện tại vấn đề này vẫn đang chờ phê duyệt hồ sơ và chờ cấp vốn”.
Trên địa bàn toàn huyện Đam Rông hiện có 11 công trình cấp nước. Trong đó có 3 công trình hư hỏng nặng và gần như không hoạt động được. Công trình nước tự chảy đang hiện hữu, nhưng người dân vùng Đạ Tông vẫn đang mơ về một nguồn nước sạch sinh hoạt để chấm dứt những ngày “cõng nước” về buôn.
NGỌC NGÀ