Ông Ka Jin (người dân tộc Cơ ho) ở thôn Bokabang, Tu Tra, Đơn Dương, trong quá trình đào đất trồng cây đã phát hiện một số đồ vật bằng đồng và gốm sứ ngay cạnh nhà. Thấy đây là những đồ vật lạ, ông tỏ ra rất hoang mang, nên đã báo với UBND xã Tu Tra để giải quyết.
Ông Ka Jin (người dân tộc Cơ ho) ở thôn Bokabang, Tu Tra, Đơn Dương, trong quá trình đào đất trồng cây đã phát hiện một số đồ vật bằng đồng và gốm sứ ngay cạnh nhà. Thấy đây là những đồ vật lạ, ông tỏ ra rất hoang mang, nên đã báo với UBND xã Tu Tra để giải quyết. Ngay sau đó, lãnh đạo xã Tu Tra đã kịp thời cử lực lượng an ninh đến nắm bắt tình hình, bảo vệ hiện trường, đồng thời, báo cáo Phòng VH-TT huyện Đơn Dương.
|
Khảo sát, đánh giá các hiện vật tại hiện trường |
Sáng 11/8/2015, ngay sau khi nhận được tin báo từ Phòng VH-TT, các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Lâm Đồng đã có mặt kịp thời và phối hợp với chính quyền địa phương cùng chủ nhân phát hiện các hiện vật để điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình nơi xuất lộ các hiện vật. Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy: Khu đất phát lộ các hiện vật là một gò đất cao hơn khoảng 1,5m so với khu vực xung quanh, nơi đây đã được người dân phát quang để canh tác và xây dựng nhà ở. Nơi phát lộ hiện vật là một hố đất mới được đào, dài khoảng 1,8m; rộng khoảng 0,6m; sâu từ 0,2 đến 0,3m; trong lòng hố có một số hiện vật là các loại tô, bát sứ, bát đồng, hộp đồng, vòng đồng, hạt cườm,… cùng với đó là một số mảnh xương nhỏ đã bị mục nát được cho là một phần di cốt của xưa. Các hiện vật trên đã được chủ nhân lấy lên khỏi vị trí ban đầu nên không biết được vị trí cụ thể của mỗi hiện vật, cũng như cách thức chôn.
Dựa vào các loại hình hiện vật và cách thức mai táng như trên có thể khẳng định rằng, đây là một ngôi mộ táng của người xưa, chủ nhân ngôi mộ có thể là nữ giới. Các hiện vật được phát hiện là một phần của đồ tùy táng theo phong tục của đồng bào dân tộc trước đây. Loại hình mộ táng tương tự như trên đã được phát hiện tương đối nhiều ở Lâm Đồng như các di chỉ mộ táng Đại Làng (huyện Bảo Lâm), Đạ Đờn (huyện Lâm Hà), Lộc Châu (TP.Bảo Lộc)... Tiếp tục khảo sát, mở rộng tại khu vực xung quanh, nhằm tìm kiếm các dấu vết liên quan đến ngôi mộ, tuy nhiên không có phát hiện gì thêm.
Theo nhận định ban đầu, trong số các hiện vật được phát hiện tại đây có một số hiện vật có giá trị, đủ điều kiện để lưu giữ lâu dài và phát huy giá trị tại bảo tàng. Các cán bộ bảo tàng đã thu được 17 hiện vật các loại tại hiện trường, bao gồm các loại tô, bát bằng sứ, hộp đồng có nắp, bát đồng, hộp đựng vôi, vòng đồng xoắn… Các hiện vật bằng gốm sứ có mô típ hoa văn trang trí khá đẹp, chủ yếu là dòng gốm men “hoa lam”, “ngũ thái” được làm thủ công. Các đặc điểm cho thấy, đây là loại gốm sứ triều Thanh (Trung Hoa) có niên đại khoảng cuối thế kỷ 19, đã được cư dân xưa sinh sống ở vùng đất này giao thương và sử dụng. Một số hiện vật khác bằng đồng như hộp có nắp, bát đồng, vòng đồng xoắn… là những hiện vật mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Nam Tây Nguyên. Hiện nay, một số vẫn còn đang được đồng bào các dân tộc lưu giữ.
Làm việc với chính quyền địa phương và chủ nhân phát hiện các hiện vật, đoàn công tác đã đi đến thống nhất: Bàn giao các hiện vật có giá trị cho Bảo tàng Lâm Đồng lưu giữ, nghiên cứu và phát huy giá trị, đồng thời di dời phần di cốt còn lại về quy tập tại nghĩa địa của xã để người dân yên tâm sản xuất. Qua đây, đoàn cũng đã làm công tác tuyên truyền tới người dân trong khu vực về ý thức giữ gìn các di sản văn hóa, đặc biệt là việc xử lý các tình huống khi vô tình bắt gặp các di sản văn hóa trong lòng đất.
Việc xử lý kịp thời của chính quyền địa phương, sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan chức năng cùng với ý thức của người dân trong sự việc trên đã lưu giữ lại được nhiều di sản văn hóa có giá trị, góp phần làm phong phú thêm các sưu tập hiện vật tại Bảo tàng Lâm Đồng. Đây được cho là một phát hiện đầu tiên về loại hình mộ táng tại địa bàn huyện Đơn Dương, điều đó có thể mở ra những cơ hội cho các nghiên cứu tiếp theo.
Nguyễn Xuân Dũng