Xây dựng chợ nói chung và chợ ở vùng nông thôn nói riêng là một nhu cầu cần thiết, không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, mà còn thể hiện văn minh thương mại. Tuy nhiên, cái khó phổ biến hiện nay, là sau khi đã xây dựng xong chợ kiên cố, việc sắp xếp tiểu thương vào bên trong chợ để kinh doanh theo từng nhóm hàng, ngành hàng đang là vấn đề hết sức phức tạp!
Xây dựng chợ nói chung và chợ ở vùng nông thôn nói riêng là một nhu cầu cần thiết, không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, mà còn thể hiện văn minh thương mại. Tuy nhiên, cái khó phổ biến hiện nay, là sau khi đã xây dựng xong chợ kiên cố, việc sắp xếp tiểu thương vào bên trong chợ để kinh doanh theo từng nhóm hàng, ngành hàng đang là vấn đề hết sức phức tạp!
Theo Ban Quản lý Chợ Đại Lào: “Chợ này do Công ty TNHH Nhân Phú (phường 2, TP Bảo Lộc) đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ cuối năm 2006, với tổng kinh phí khoảng 11 tỷ đồng. Chợ có tất cả 300 quầy, sạp. Sau khi xây dựng xong, Ban Quản lý Chợ cùng với UBND xã Đại Lào tích cực vận động và tổ chức cho bà con tiểu thương đã mua quầy, sạp vào kinh doanh theo đúng vị trí từng ngành hàng”. Tuy nhiên, sau khi kinh doanh chẳng được bao lâu, bà con tiểu thương tự ý “bỏ” ra ngoài để mua bán, tranh giành khách hàng; thậm chí, lấn chiếm cả lề đường để buôn bán. Do vậy, rất nhiều quầy, sạp phía bên trong đều phải đóng cửa và khu chợ lồng bị bỏ trống, đã trở thành “sân chơi” thể thao và chứa đựng đủ mọi thứ!...
Theo yêu cầu bạn đọc, trước đây, Báo Lâm Đồng có bài phản ánh và đề nghị Ban Quản lý Chợ Đại Lào phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục tình trạng nói trên. Tuy nhiên, mới đây, chúng tôi có dịp trở lại Chợ Đại Lào thì thấy tình trạng còn… “xấu” đi hơn trước nhiều! Cả một khoảng không gian trống, rộng rãi phía trước mặt tiền Chợ Đại Lào, bây giờ đã “lấp đầy” các quầy, sạp (mới làm tạm bợ). Ngoài ra, trên hành lang đi bộ (Quốc lộ 20) cũng có một vài tiểu thương bày bán hàng hóa, làm cản trở lối đi, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Hai bên Quốc lộ 20, tại khu vực Chợ mới và khu vực Chợ cũ (đã giải tỏa), nay đã “mọc” dày đặc quầy, quán bán đủ các loại hàng hóa. Chính vì thế đã tự phát tạo ra một sự “cạnh tranh”, khiến phía bên trong Chợ Đại Lào bây giờ lại càng trống vắng hơn trước!
|
Lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để kinh doanh ngay tại Chợ Đại Lào |
Một cán bộ UBND xã Đại Lào lắc đầu, khi trao đổi với chúng tôi: “UBND xã đã nhiều lần phối hợp cùng Ban Quản lý Chợ, Công an, Đoàn Thanh niên và lực lượng dân quân xã đã tiến hành giải tỏa hành lang và vận động bà con tiểu thương vào Chợ để bán. Nhưng do phát sinh tình trạng kinh doanh phía bên ngoài, nên đã có khá nhiều tiểu thương (không mua hoặc đã mua quầy, sạp trong Chợ) thuê mặt bằng mặt tiền Quốc lộ 20 để mở quầy, quán cạnh tranh mua bán, làm thêm khó khăn trong việc quản lý!”.
Không riêng Chợ Đại Lào, mà đây là một hiện tượng rất phổ hiện nay ở các chợ nông thôn khác. Ông Vũ Thế Quyết, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, cho biết: “Chợ Hòa Ninh do Công ty TNHH Nhân Phú đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2008. Từ đó đến nay, đã rất nhiều lần, UBND xã phối hợp với Ban Quản lý Chợ và các ngành của huyện vận động, thuyết phục và ngay cả dùng “áp lực” để “buộc” tiểu thương vào bên trong Chợ để kinh doanh, nhưng vẫn không thành”. Hiện nay, rất nhiều quầy, sạp phía bên trong Chợ đóng cửa và khu chợ lồng trống trải, thưa thớt người bán. Ngược lại, dọc 2 bên Quốc lộ 20 (khu vực gần Chợ) và tại ngã 3 Hòa Ninh, tiểu thương chen chúc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh đủ các loại mặt hàng, từ hàng khô đến hàng hóa tươi sống.
Tại Chợ Bảo Lâm (thị trấn Lộc Thắng), Chợ Đinh Lạc và Chợ Gia Hiệp (huyện Di Linh)… cũng vậy. Do phát sinh và tồn tại quá nhiều quầy, quán kinh doanh tại khu vực bên ngoài, nên các tiểu thương có quầy, sạp bên trong chợ không thể bán được hàng. Không còn cách nào khác, buộc họ phải tìm cách “chen chân” ra ngoài. Cho dù Ban Quản lý các chợ, chính quyền địa phương và các ngành đã rất nỗ lực kiểm tra, nhắc nhở, nhưng vẫn “bất lực”, chưa có phương án nào hiệu quả.
Chợ trung tâm Di Linh đang trong giai đoạn gấp rút hoàn chỉnh để chuẩn bị đến ngày 1/10/2015 sẽ đưa vào hoạt động. Trong lúc này, dọc hai bên Quốc lộ 20 và khu vực gần Chợ mới, đang “rộ” lên việc xây dựng quầy, quán để chuẩn bị “cạnh tranh”. Vậy, liệu khi chính thức đi vào hoạt động, Ban Quản lý Chợ mới Di Linh có “giữ” được chân tiểu thương ở lại?
Khi làm việc với Ban Quản lý các chợ, UBND các xã và các ngành có trách nhiệm liên quan, thì có ý kiến cho rằng, là do “lỗi” quy hoạch, định vị vị trí xây dựng chợ và “lỗi” công tác quản lý, cần có biện pháp khắc phục. Các chợ nông thôn hầu hết đều xây dựng cạnh quốc lộ, tỉnh lộ hoặc huyện lộ. Định vị như thế thì rất tiện lợi cho việc lưu thông, nhưng ngược lại, là rất khó khăn trong việc quản lý, vì tất yếu sẽ tự phát phát sinh nhiều quầy, quán dọc 2 bên đường (gần khu vực chợ) mà không thể có lý do nào để cấm đoán được! Mặt khác, Ban Quản lý các chợ, các ngành và chính quyền địa phương, trong một số trường hợp, việc giải quyết tồn tại chưa thật nghiêm túc, còn “nương tay”, nhất là việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông ngay tại khu vực chợ hoặc “thương lượng” với Ban Quản lý chợ để cơi nới, mở thêm quầy, sạp không theo quy hoạch ban đầu, dẫn đến tình trạng kinh doanh, mua bán lộn xộn. Mặt khác, trong công tác quản lý, khi cấp giấy phép kinh doanh, chưa có sự “ràng buộc” cụ thể với vị trí và địa điểm kinh doanh (bán hàng hóa gì, vị trí ở đâu), dẫn đến tự phát, không kiểm soát được vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.
XUÂN LONG