10 năm âm thầm chăm sóc những mảnh đời bất hạnh

08:10, 05/10/2015

Nằm trong con hẻm thuộc tổ 1b, phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, hơn 10 năm nay, đôi vợ chồng Hoàng Văn Nam và Bùi Thị Kim vẫn miệt mài, âm thầm chăm sóc những mảnh đời bất hạnh, từ những ngày đau ốm bệnh tật đến lúc giã biệt cuộc đời.

Nằm trong con hẻm thuộc tổ 1b, phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, hơn 10 năm nay, đôi vợ chồng Hoàng Văn Nam và Bùi Thị Kim vẫn miệt mài, âm thầm chăm sóc những mảnh đời bất hạnh, từ những ngày đau ốm bệnh tật đến lúc giã biệt cuộc đời.
 
Những người bệnh không ai chăm sóc 
 
Kể từ ngày nhận chăm sóc trường hợp đầu tiên năm 2005 đến nay đã 10 năm trôi qua, gia đình ông Nam và bà Kim đã trở thành một trong những địa chỉ mái ấm tình thương quen thuộc. Đây là mái nhà chung của những người vô gia cư, những cụ già bệnh nặng nằm trong các bệnh viện không người thân thích, không ai chăm sóc hay những thân phận sống côi cút, lang thang nơi đầu đường xó chợ bất kể nắng mưa. Đồng cảm cho những số phận đáng thương bằng tuổi cha, tuổi chú của mình, gia đình ông Nam đã nhận họ về nuôi và chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ như chăm sóc cho chính người thân ruột thịt của mình. Dù nhiều người cho rằng ông lo việc bao đồng, nhưng còn ông tâm sự: “Tôi thấy những mảnh đời đau khổ, tôi cảm thấy rất xót xa, nhất là những người không có nơi nương tựa, tự nhiên tôi mong muốn cưu mang, chăm sóc những người đó…”. Tiếng lành đồn xa, hễ có trường hợp nào không có người thân chăm sóc là mọi người gọi báo ngay cho ông Nam như một địa chỉ quen thuộc. Khi đến nhận, ông Nam đều xác minh hoàn cảnh, đúng người - đúng hoàn cảnh gia đình ông mới nhận về chăm sóc. Theo ông Nam, những người báo tin cho ông hầu hết là những người trong Bệnh viện II Lâm Đồng, vì vậy, những người ông đã và đang chăm sóc cũng đa số nhận từ bệnh viện này.
 
Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình ông Nam đã cưu mang 11 mảnh đời trong hơn 10 năm qua. Trong đó, có 6 người vì bệnh nặng và tuổi cao nên đã qua đời, 5 người còn lại vẫn đang được gia đình ông tận tình chăm sóc. Đặc biệt hơn, gia đình ông Nam còn tự bỏ tiền ra xây 4 căn nhà nhỏ làm chốn sinh sống cuối đời cho những con người bất hạnh này.
 
Bà Kim chăm sóc cụ bà Nguyễn Thị Thìn như người thân trong gia đình
Bà Kim chăm sóc cụ bà Nguyễn Thị Thìn như người thân trong gia đình
 
Chăm lo cả mộ phần
 
Không những chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho họ, những trường hợp đi được, sức khỏe vẫn tốt như ông Lã Tất Tôn (82 tuổi) thì ông Nam và bà Kim còn bỏ thời gian đưa đi dạo, tâm sự, chia sẻ mọi chuyện với ông với hy vọng sẽ giúp ông an tâm sống nốt quãng đời còn lại. 
 
Trong số những trường hợp ông nhận về chăm sóc, ông Nam nhớ nhất trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn Sơn đến với mái ấm gia đình ông vào cuối năm 2005. Bệnh nhân Sơn bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, được chuyển đến từ Bệnh viện II Lâm Đồng và không có người thân chăm sóc, nuôi dưỡng. Hay tin, ông Nam lập tức bàn bạc với vợ và làm thủ tục nhận ông Sơn về chăm sóc. Khoảng 1 tháng sau, ông Sơn qua đời.
 
Việc nuôi nấng, chăm sóc người già bệnh tật cho đến cuối cuộc đời không đơn giản chút nào, đã thế khi họ nhắm mắt xuôi tay trong cảnh ngộ không người thân thích đưa về an nghỉ cuối cùng mới thật xót xa. Nghĩa tử là nghĩa tận, gia đình ông Nam còn tổ chức mai táng, xây mộ đàng hoàng cho họ. Khi có thời gian rảnh rỗi hay vào những dịp lễ ông, bà lại đến dọn dẹp, thắp nhang với hy vọng sang thế giới bên kia những con người này sẽ không còn bất hạnh nữa.
 
Tuổi đời cũng không còn trẻ, ông Nam và bà Kim không tránh khỏi những khó khăn trong việc chăm sóc, nhận nuôi những mảnh đời bất hạnh này. Đằng sau những niềm vui chăm lo cho những người đáng tuổi cha, tuổi chú của mình, bà Kim cũng có những nỗi lo riêng. “Những năm gần đây, tôi cảm thấy rất lo, sợ sức khỏe của mình không biết có còn chăm sóc người ta đến được bao giờ” - bà Kim bộc bạch. Ông Nam chia sẻ, ông chỉ muốn âm thầm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, không muốn người đời biết đến dù điều kiện kinh tế gia đình ông Nam không khá hơn bao người, nguồn thu nhập chính là những chậu hoa giấy bán mỗi dịp tết và giàn mướp đắng rừng một tay bà Kim chăm sóc. Công việc từ thiện của hai ông bà không nhận sự giúp đỡ của một nhà hảo tâm hay đơn vị nào, có chăng chỉ là một bao gạo hay vài trăm nghìn đồng. Ông Nam chia sẻ: “Dù cho trước kia, bây giờ hay là trong tương lai, gia đình chúng tôi vẫn sẽ cố gắng chăm sóc họ cho đến nơi đến chốn”.
 
Ngày nay, xã hội không thiếu những mạnh thường quân, những tấm gương sáng tiếp nối truyền thống “lá lành đùm lá rách” của nhân dân Việt Nam; vì vậy những con người có tấm lòng thiện nguyện như ông Nam và bà Kim sẽ góp thêm những nghĩa cử cao đẹp, chung tay giúp cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn.
 
NGỌC LAN