Dự án thủy lợi… "treo"!

08:10, 09/10/2015

Hơn 10 năm nay, người dân thôn 1 (xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên) gặp rất nhiều khó khăn do Dự án thủy lợi hồ Đạ Sỵ đã được quy hoạch nhưng chưa triển khai. Đất đai hoang hóa, các công trình dân sinh không được đầu tư… là những hậu quả mà người dân phải gánh chịu do Dự án "treo" này gây ra.  

Hơn 10 năm nay, người dân thôn 1 (xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên) gặp rất nhiều khó khăn do Dự án thủy lợi hồ Đạ Sỵ đã được quy hoạch nhưng chưa triển khai. Đất đai hoang hóa, các công trình dân sinh không được đầu tư… là những hậu quả mà người dân phải gánh chịu do Dự án “treo” này gây ra.  
 
Người dân thôn I (xã Tiên Hoàng) chỉ chăm sóc cây trồng cầm chừng do nằm trong khu quy hoạch… “treo”!
Người dân thôn I (xã Tiên Hoàng) chỉ chăm sóc cây trồng cầm chừng do nằm trong
khu quy hoạch… “treo”!

Đã 30 năm vào vùng đất Tiên Hoàng lập nghiệp, đến nay, vợ chồng ông Nguyễn Huy Ky (thôn 1, xã Tiên Hoàng) có đất sản xuất nhưng cũng như “trắng” tay. Bởi lẽ, bao nhiêu đất đai mà ông có được đều nằm trong khu vực lòng hồ của Dự án thủy lợi hồ Đạ Sỵ. Theo thông tin mà ông Ky được chính quyền địa phương thông báo, từ năm 2003, vùng đất này được quy hoạch để làm Dự án hồ thủy lợi. Cũng từ đó, mọi hoạt động sản xuất của người dân cũng bị ngưng trệ. Không ai dám đầu tư chăm sóc vườn điều hoặc trồng mới vườn keo, bởi quy hoạch “treo” cứ lơ lửng. Ông Ky chia sẻ: “Người dân nơi đây phải chịu thiệt thòi đủ đường từ khi có Dự án hồ Đạ Sỵ. Đất đai thì không dám trồng mới bất kỳ loại cây gì. Vườn điều già cỗi, kém hiệu quả vẫn không dám chặt bỏ để trồng loại cây khác. Nhà cửa thì chỉ làm tạm bợ, không thể xây dựng kiên cố. Trước đây, đường vào thôn rất lầy lội. Người dân phải tự chặt cây điều để lót đường mới đi lại được. Năm ngoái, người dân bức xúc quá nên đường mới được trải đá cấp phối, đỡ lầy lội hơn”. 
 
Nằm sâu về phía cuối thôn 1, gia đình chị Vũ Thị Hiền, cũng như nhiều gia đình khác, sống trong phập phồng lo sợ, vì không biết sẽ phải di dời khi nào. Căn nhà của chị Hiền đã xuống cấp nhưng không thể xây mới mà chỉ lợp lại mái tôn để che mưa, nắng tạm. Chị cho biết: “Đất chủ yếu chỉ trồng cây ngắn ngày như bắp, lúa. Các cây lâu năm như điều, keo cũng trồng theo kiểu “đánh liều” và chăm sóc cầm chừng. Do đó, thu nhập của gia đình bấp bênh và cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn”. 
 
Toàn bộ thôn 1 (xã Tiên Hoàng) có hơn 370ha đất sản xuất, với 162 hộ và 555 nhân khẩu sinh sống. Từ khi có quy hoạch Dự án thủy lợi hồ Đạ Sỵ, người dân nơi đây phải sống trong cảnh ở cũng khó, đi cũng không xong. Ông Đào Nguyên Sỹ, Trưởng thôn I, cho biết: “Quy hoạch treo đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Bà con không dám chuyển đổi vườn điều già cỗi. Hồ, đập thủy lợi nhỏ phục vụ tưới tiêu và đường giao thông không được đầu tư. Dù người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay Dự án vẫn chưa được triển khai. Điều này khiến cho việc sản xuất và đời sống của bà con ngày càng khó khăn”.
 
Tại buổi tiếp xúc với cử tri xã Tiên Hoàng vào cuối tháng 9, ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, thông tin: “Dự án thủy lợi hồ Đạ Sỵ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt đầu tư từ năm 2009. Hồ có dung tích 23,3 triệu m3  nước, phục vụ tưới tiêu cho 1.500ha đất sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 15.000 người. Tổng kinh phí đầu tư ban đầu dự kiến là 250 tỷ đồng. Hiện nay, kinh phí điều chỉnh lên hơn 500 tỷ đồng. Công trình này có tầm quan trọng và là công trình trọng điểm của huyện đã được ghi vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cát Tiên lần thứ VII (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Cuối tháng 6/2015, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bố trí kinh phí để triển khai Dự án. Tuy nhiên, do tổng vốn đầu tư phải điều chỉnh nên hiện tại, các bộ, ngành đang xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020”. Còn theo ông Nguyễn Bá Thuyền, Phó trưởng Đoàn ĐBQH (đơn vị tỉnh Lâm Đồng), hồ thủy lợi Đạ Sỵ là một trong 3 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được Chính phủ phê duyệt đầu tư và dự kiến hoàn thành trước năm 2010. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn về vốn nên đến nay Dự án này vẫn chưa được triển khai. Sau nhiều lần phản ánh kiến nghị của cử tri, ngày 21/8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đồng ý chủ trương đưa Dự án thủy lợi hồ Đạ Sỵ vào danh mục các công trình sẽ khởi công trong năm 2016.
 
Người dân thôn I nói riêng và xã Tiên Hoàng nói chung hiện đang mong ngóng Dự án thủy lợi hồ Đạ Sỵ sớm được triển khai. Bởi lẽ, Dự án chậm triển khai ngày nào, người dân còn phải gánh chịu khó khăn ngày đó, vì vừa thiếu nước sản xuất, vừa không thể đầu tư các hạng mục phục vụ sản xuất, an sinh xã hội.
 
HỮU SANG