Nhiều năm trở lại đây, tình trạng đất sản xuất của nhiều hộ dân tại xã Đạ Kho (huyện Đạ Tẻh) bị sạt lở xuống sông ngày càng nghiêm trọng. Theo các hộ dân, sở dĩ đất sản xuất của họ bị trôi sông là do các doanh nghiệp khai thác cát trên sông Đồng Nai gây nên. Nhiều hộ dân có nguy cơ bị mất "trắng" đất sản xuất, trong khi các doanh nghiệp vẫn ngang nhiên khai thác cát ngày càng lấn sâu vào bờ!
Nhiều năm trở lại đây, tình trạng đất sản xuất của nhiều hộ dân tại xã Đạ Kho (huyện Đạ Tẻh) bị sạt lở xuống sông ngày càng nghiêm trọng. Theo các hộ dân, sở dĩ đất sản xuất của họ bị trôi sông là do các doanh nghiệp khai thác cát trên sông Đồng Nai gây nên. Nhiều hộ dân có nguy cơ bị mất “trắng” đất sản xuất, trong khi các doanh nghiệp vẫn ngang nhiên khai thác cát ngày càng lấn sâu vào bờ!
|
Các tàu hút cát đang tập kết tại một đoạn sông qua xã Đạ Kho |
Gia đình ông Nguyễn Thế Lưu có 5.200m
2 đất trồng dâu và cà phê dọc bờ sông tại thôn 5 (xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh). Trong 7 năm trở lại đây, khi một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát tại khu vực này thì đất nhà ông cũng bắt đầu bị sạt lở xuống sông. Toàn bộ gần 80m đất chạy dọc bờ sông của gia đình ông Lưu đều bị sạt lở và ngày càng lấn sâu vào diện tích cây trồng. Ông Lưu cho biết: “Đến nay, hơn 2.000m
2 đất trồng dâu và cà phê của gia đình tôi bị trôi sông. Khi người dân có đơn khiếu kiện về việc đất sản xuất bị sạt lở, doanh nghiệp lại đến thỏa thuận đền bù. Sau đó, họ vẫn ngang nhiên hút cát lấn sâu vào bờ đất nên tình trạng sạt lở cứ tiếp diễn. Mới đây, đất sản xuất của tôi tiếp tục bị sạt lở gần 600m
2. Doanh nghiệp lại thỏa thuận đền bù, nhưng tôi không đồng ý, vì chúng tôi cần giữ đất để sản xuất chứ không cần đền bù. Nếu cứ gây sạt lở đến đâu rồi đền bù đến đó thì chúng tôi không có đủ tiền để mua đất nơi khác!”.
Gần đất nhà ông Lưu, ông Nguyễn Khắc Mạnh cũng có hơn 2.000m
2 đất trồng cao su bị sạt lở. Hiện tại, toàn bộ khu vực bờ sông tiếp giáp với đất của gia đình ông Mạnh đã bị lở, tạo thành những bờ đất dựng đứng. Đất tiếp tục đổ xuống sông kéo theo hàng loạt cây cao su. Theo ông Mạnh, trước đây, bờ sông này là bên bồi, mỗi năm đất bồi thêm 10 - 15 phân. Bờ sông thoai thoải nên người dân có thể trồng thêm hoa màu. Từ khi các doanh nghiệp đến khai thác cát, tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng. “Khi người dân có mặt thì doanh nghiệp chỉ hút cát ở giữa sông. Nhưng khi không có người dân, nhất là vào ban đêm, thì tàu cát của các doanh nghiệp lại chọc ống vào trong bờ đất của dân để hút cát. Đất sạt lở thì doanh nghiệp lại bỏ tiền ra đền bù theo kiểu “đánh đồng”, đất trồng hoa màu cũng như trồng cây công nghiệp. Sau khi đền bù, họ lại khai thác lộng hành hơn!” - ông Mạnh cho biết thêm.
Còn theo anh Nguyễn Trường Sơn (người dân thôn 5, xã Đạ Kho), ngày nào dù không có việc nhưng anh cũng phải xuống để canh vườn, nếu không, tàu sẽ chọc ống vào sát vườn để hút cát. Khi người dân ra can ngăn nhiều khi còn bị đe dọa hoặc thách thức “nếu sạt lở thì bền bù”. Dù đã cố giữ nhưng từ 2.400m
2 đất trồng dâu trước đây, nay gia đình anh Sơn chỉ còn chưa tới 1.000m
2.
Trước tình trạng sạt lở đất sản xuất diễn ra ngày càng nghiêm trọng, người dân đã nhiều lần kiến nghị rút giấy phép hoạt động của các doanh nghiệp khai thác cát. Tuy nhiên, việc giải quyết của chính quyền địa phương hiện cũng chỉ mới dừng lại ở mức hòa giải và để người dân tự thỏa thuận đền bù với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Khắc Đồng, Trưởng thôn 8 (xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh), cho biết: “Có khoảng 30 hộ dân của các thôn 5, 6, 7, 8, 9 có đất sản xuất bị sạt lở, do khai thác cát gây nên. Trong đó, thôn 8 có 7 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp. Hiện tại, bờ sông đã bị sạt lở lấn sâu vào khoảng 25 - 30m so với hiện trạng ban đầu. Người dân chúng tôi không có cách gì để ngăn chặn tàu hút cát. Mỗi khi phát hiện tàu chọc ống hút vào bờ, tôi gọi địa chính xã xuống lập biên bản bắt quả tang thì các anh lại bảo làm đơn rồi chờ giải quyết!”.
Theo ông Trần Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Đạ Kho, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản được UBND xã và Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra. Qua kiểm tra, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện nhiều sai phạm, nhất là khai thác không đúng vị trí. Phòng cũng đã kiến nghị UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính đối với nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp này thì chưa tới mức và không thuộc thẩm quyền của UBND xã hoặc huyện. Còn ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, thừa nhận việc khai thác cát trên sông Đồng Nai gây sạt lở đã diễn ra từ rất lâu ở xã Đạ Kho. UBND huyện rất quan tâm đến vấn đề này và chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra. Khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm, UBND huyện đều ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, hiện tại, chưa có chứng cứ cụ thể về việc các doanh nghiệp thường xuyên vi phạm, nên huyện chưa có cơ sở để kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép. Tại buổi tiếp xúc với cử tri xã Đạ Kho, ông Nguyễn Bá Thuyền, Phó Đoàn ĐBQH (đơn vị tỉnh Lâm Đồng), khẳng định sẽ có ý kiến với UBND tỉnh Lâm Đồng về việc cấp phép khai thác cát, làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Hiện tại, có thể khẳng định tình trạng khai thác cát của các doanh nghiệp trên sông Đồng Nai khiến đất sản xuất của người dân bị sạt lở là một thực trạng đáng báo động. Không chỉ riêng tại huyện Đạ Tẻh, tại huyện Đạ Huoai và Cát Tiên, tình trạng này cũng diễn ra rất nhiều và người dân đã nhiều lần kiến nghị, phán ánh. Riêng tại huyện Cát Tiên, chủ trương của UBND huyện là giảm dần và tiến tới chấm dứt các hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai.
HỮU SANG