Đưa cồng chiêng vào phục vụ du lịch là hướng đi tốt không thể phủ nhận. Song, hiện nay, nhiều người đang lo lắng cồng chiêng đã bị thương mại hóa quá mức. Thực trạng đó không phải hoàn toàn do chính bà con mà bởi nạn "cò mồi" hiện đang có sự chi phối rất lớn, mang tính quyết định đến hoạt động của các đội cồng chiêng.
Đưa cồng chiêng vào phục vụ du lịch là hướng đi tốt không thể phủ nhận. Song, hiện nay, nhiều người đang lo lắng cồng chiêng đã bị thương mại hóa quá mức. Thực trạng đó không phải hoàn toàn do chính bà con mà bởi nạn “cò mồi” hiện đang có sự chi phối rất lớn, mang tính quyết định đến hoạt động của các đội cồng chiêng.
|
Một buổi biểu diễn cồng chiêng tại huyện Lạc Dương |
“Cò” là ai?
Nghệ nhân Cil Jak - Trưởng nhóm cồng chiêng Hoa Langbiang, cho biết: “Hiện nay, hình thành hai dạng “cò” là “cò lẻ” và “cò tour”. “Cò lẻ” là một nhóm người làm đủ ngành nghề khác nhau như lái xe taxi, thợ chụp hình… Họ dẫn các nhóm khách ngoại tỉnh tới địa điểm có các đội cồng chiêng. Còn “cò tour” là lực lượng khá đông đảo. Đó chính là những người dẫn tour của các công ty. Thông thường khách đi theo tour đã trả tiền trọn gói. Tuy nhiên, khi lựa chọn xem biểu diễn cồng chiêng, những người dẫn tour lại mặc cả với nghệ nhân hạ giá xuống để ăn chênh lệch. Hầu hết người hướng dẫn các tour đều móc nối với nhau để thỏa thuận cùng một mức giá, buộc lòng những đội cồng chiêng phải chấp nhận, nếu không thì mất khách”.
Trò chuyện với bà Păng Ting Saly, chủ đội cồng chiêng Daplah, chúng tôi được biết: ““Cò lẻ” đi cùng xe của khách từ Đà Lạt vào, họ tự thỏa thuận giá với các đội cồng chiêng. “Cò” yêu cầu chủ các đội cồng chiêng thu tiền khách theo giá đã được thỏa thuận. Tuy nhiên, đội cồng chiêng chỉ nhận được khoảng một nửa số tiền đó. Cụ thể, đoàn đi 20 người trở lên “cò” thu khách từ 150 - 200 ngàn đồng/ khách. Còn với đoàn khách đi ít người, “cò” thu trên 200 ngàn đồng/ khách”. Trong khi, giá trung bình của các đội cồng chiêng (không thông qua “cò”) hiện nay chỉ ở mức khoảng 80.000 đồng/khách.
Khi buổi biểu diễn có sự can thiệp của “cò”, mức giá các đội cồng chiêng nhận được khoảng từ 40.000 - 50.000 đồng/khách. Đội nào chấp nhận được mức giá đó thì “cò” đưa khách vào và ngược lại. Đó là lý do, có đội cồng chiêng khách chen nhau không có chỗ đứng, cũng có đội treo cồng, treo chiêng chẳng biết biểu diễn cho ai. Nghệ nhân Kră Jăn Mơ, nói: ““Cò lẻ” tự tìm các nhóm khách, còn “cò” tour gom khách của nhiều công ty lại và dẫn vào đội nào chấp nhận biểu diễn theo giá họ đưa ra. Những nơi “cò” dẫn khách vào, yêu cầu đầu tiên là phải có sân bãi thật rộng để ghép đoàn. Khách càng nhiều, thì giá trả cho đội cồng chiêng tính trên đầu người càng thấp. Mỗi đêm biểu diễn, trưởng đội cồng chiêng sẽ phải trả cho nghệ nhân ít nhất là 70.000 đồng tiền công, tùy vào lượng khách. Ngoài ra, đội cồng chiêng sẽ phải chịu chi phí sân bãi, rượu cần, thịt nướng, người phục vụ… Như vậy, mỗi tối đội cồng chiêng phải thu ít nhất 2,5 triệu đồng mới đủ chi trả (chưa tính lời). Vì thế, khi “cò” trả giá thấp quá chúng tôi không thể biểu diễn”. Hiện ở thị trấn Lạc Dương có 11 đội cồng chiêng, nhưng chỉ có khoảng 3 đội thường xuyên có khách.
“Tiền nào của nấy”
Theo quy định, các đội cồng chiêng phải có nội dung biểu diễn mang 50% bản sắc văn hóa và 50% còn lại phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Bản thân những người chơi cồng chiêng luôn muốn được thể hiện bản sắc dân tộc mình, đồng thời phát triển du lịch để quảng bá nét đặc sắc; nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhưng thực tế, thời gian dành để biểu diễn nội dung mang bản sắc văn hóa trong đêm diễn đã giảm nhiều. Phần lớn điều này do chính yêu cầu của du khách và “cò”. Những nghi thức truyền thống trong đêm nhạc cồng chiêng bị cắt xén, thay vào đó là những ca khúc hiện đại. Những nghệ nhân chỉ “chạm nhẹ”, chứ không hề “đánh” vào cồng chiêng, bởi tiếng cồng chiêng đã được thu sẵn phát qua loa. Khoảng gần 9h tối, khi khách đã thưởng thức rượu cần, trò cướp ghế, trò cõng nhau sẽ diễn ra. Có điều này bởi “tiền nào của nấy”, thu không đủ chi, nên buộc phải như vậy thôi, chứ nếu làm bài bản tiền đâu để trả cho nghệ nhân”, đó là cách lý giải của các đội cồng chiêng.
Nghệ nhân Cil Jak, tâm sự: “Tiền thì rơi vào tay “cò”, nhưng du khách lại nghĩ rằng nó được trả cho các đội cồng chiêng. Những người không thật sự yêu và hiểu loại hình văn hóa này lại đang chi phối mạnh mẽ nhất vào nó. Điều đó làm mất dần những giá trị vốn có của văn hóa cồng chiêng, đồng thời làm xấu đi hình ảnh của nghệ nhân và vùng đất này trong mắt du khách”.
Nhiều khách du lịch đã phàn nàn về vấn đề này. Anh Lưu Thanh Lịch - du khách đến từ Nghệ An cho biết: “Khách nơi xa đến với văn hóa cồng chiêng, thứ họ cần là được sống trong không gian truyền thống, được giao lưu với nghệ nhân bản địa chứ không phải chen chúc nhau và xem biểu diễn như ở sân khấu ca nhạc, hay chơi những trò chơi ầm ĩ không mang bản sắc văn hóa Tây Nguyên”.
Những thực tế đang diễn ra, không phải cơ quan chức năng không biết. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, cho biết: “Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức các cuộc họp thường xuyên để nhắc nhở nạn “cò mồi” và quy định về giá cả. Song thực tế, nếu không nắm bắt tình hình, linh động với “cò mồi”, thì đội cồng chiêng khó mà tồn tại được. Hiện đã có nhiều đội cồng chiêng lớn rơi vào tình trạng không có khách. Chính quyền địa phương tạo điều kiện cho bà con hoạt động cồng chiêng. Song, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa vốn có của loại hình này trong việc kinh doanh du lịch, đòi hỏi bản thân người chơi cồng chiêng phải có những nhận thức đúng đắn và có cách kinh doanh hợp lý. Bởi sẽ rất khó để đưa ra một chế tài xử lý trong những trường hợp như vậy”.
Tuy nhiên, để tính chất của các đội cồng chiêng không bị biến đổi; để “nỗi oan” về thu nhập cao của các đội cồng chiêng được hóa giải; để không còn tình trạng “cò” tồn tại và chi phối cồng chiêng, ngoài nhận thức đúng đắn từ chính những nghệ nhân thì chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý văn hóa cần có những chiến lược dài hơi, kế hoạch cụ thể và luôn sát cánh bên bà con cùng phát huy tối đa giá trị tài sản văn hóa phi vật thể này.
N. NGÀ