Nông dân khốn đốn vì nguồn nước tưới bị ô nhiễm

03:10, 23/10/2015

(LĐ online) - Mặc dù vẫn đang trong thời gian tích nước thử tải nhưng hồ thủy lợi thôn Phát Chi (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt), đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến hàng chục nông hộ quanh vùng rơi vào cảnh khốn đốn…

(LĐ online) - Mặc dù vẫn đang trong thời gian tích nước thử tải nhưng hồ thủy lợi thôn Phát Chi (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt), đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến hàng chục nông hộ quanh vùng rơi vào cảnh khốn đốn…
 
Ngày 22/10, có mặt tại hồ chứa nước thôn Phát Chi, chúng tôi nhận thấy nguồn nước tại đây đã “đổi màu”, toàn bộ mặt hồ chuyển sang màu xanh rêu, mùi tanh xộc thẳng vào mũi rất khó chịu. Đây là nguồn nước tưới chủ yếu cho hơn 140ha chè Olong, rau, hoa… công nghệ cao của hàng chục nông hộ quanh vùng; và trong tương lai sẽ được sử dụng làm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân hai xã vùng ven của Đà Lạt là Trạm Hành và Xuân Trường. 
 
Theo người dân, nguyên nhân khiến nước hồ “đổi màu” là do nhà máy sản xuất rượu vang của Công ty CP Lâm Đồng xả nước thải ra môi trường. Thường nhà máy xả vào những ngày mưa, hoặc đêm khuya, nước thải theo suối chảy xuống hồ làm nước bị ô nhiễm nặng. 
 
Nước hồ Phát Chi chuyển sang màu xanh rợn do bị ô nhiễm
Nước hồ Phát Chi chuyển sang màu xanh rợn do bị ô nhiễm

Ông Nguyễn Hữu Dương (ngụ thôn Phát Chi), nhà có hơn 1.500m 2 đất trồng hoa đồng tiền trong nhà kính gần hồ Phát Chi, bộc trực: “Vụ hoa này không ra gì, hoa bị nấm lạ hàng loạt, mua thuốc về xịt vẫn không hết mà lại còn nặng thêm. Chúng tôi hỏi cơ quan chức năng nhưng họ chưa biết. Tôi chắc chắn là do nguồn nước tưới từ hồ bị ô nhiễm”. Cũng theo ông Dương, hiện tượng vườn hoa của gia đình bị nấm bệnh xảy ra từ đầu năm 2015, bùng phát mạnh khoảng ba tháng nay, nhất là sau khi hồ thủy lợi Phát Chi bắt đầu tích nước và nhà máy sản xuất của Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng xả thải vào hồ. 
 
Theo Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác công trình thủy lợi Đà Lạt, công trình hồ chứa nước Phát Chi được khởi công cách đây tám năm, có dung tích 800.000m3, với tổng vốn đầu tư 27 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp khoảng 18 tỷ đồng, hiện đang trong giai đoạn tích nước thử tải. Công trình hoàn thành sẽ phục vụ nước tưới cho hàng trăm ha đất nông nghiệp quanh vùng, đồng thời trong tương lai cũng sẽ sử dụng làm nước sinh hoạt cho người dân địa phương.
Tương tự, hộ ông Mã Đức Bổn (ngụ xã Trạm Hành), nhà có 7.000m 2 trồng atisô sát cạnh hồ Phát Chi, cũng chung tình trạng bị nấm bệnh, làm nhiều diện tích atiso bị chết cây và lá chuyển vàng do tưới nước ô nhiễm của hồ. Ông Bổn cho biết, thời gian gần đây hồ bị ô nhiễm nặng nhưng không còn nguồn nước nào khác nên bà con vẫn phải sử dụng.
 
Trưởng thôn Phát Chi - ông Lê Huy Ban, khẳng định: “Việc phản ánh của người dân là đúng sự thật. Không những nguồn nước hồ ô nhiễm nghiêm trọng mà còn bốc mùi hôi thối. Đề nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết để nông dân có nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, bảo đảm sức khỏe cộng đồng dân cư gần khu vực nhà máy của Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng”.
 
Còn tại biên bản “Ghi nhận thông tin liên quan đến việc hồ Phát Chi bị ô nhiễm nặng” ngày 21/10 của Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác công trình thủy lợi Đà Lạt, nhiều hộ dân thôn Phát Chi, như bà Nguyễn Thị Lý, ông Nguyễn Hữu Hưng, Trần Dũng… cũng đều có chung phản ánh, khi nhà máy của Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng xả thải vào cống phía thượng lưu hồ Phát Chi, nước có màu đen và mùi hôi nồng nặc, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu và sức khỏe người dân.
 
Không chỉ vậy, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa 8 vừa qua, cử tri xã Trạm Hành cũng đã phản ánh, nhà máy sản xuất của Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng thường xuyên xả nước thải ra môi trường, gây ô nhiễm không khí trong vùng, nhưng vẫn chưa khắc phục. Theo giải trình của cơ quan chức năng, nhà máy sản xuất rượu vang Đà Lạt của Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng, nằm trong cụm công nghiệp Phát Chi, hoạt động từ năm 2012, đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, được Sở TN&MT Lâm Đồng cấp giấy xác nhận. Năm 2014, các ngành liên quan đã tiến hành thanh tra và kết luận, công ty thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định. Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ.
 
Trong khi đó, đại diện Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng cho rằng, hàng quý, Sở TN&MT đều lấy mẫu kiểm tra, khẳng định nước thải tại nhà máy của công ty đạt các thông số theo quy định, sau khi đã qua xử lý. Công ty cũng được cấp lại giấy phép “xả nước thải vào nguồn nước” cách đây hai tuần, với dung tích xả 300m 3/ngày đêm, nhưng mới chỉ xả khoảng 120-150m 3/ngày đêm. 
 
Chủ tịch UBND xã Trạm Hành Nguyễn Hữu Âu cho biết, hồ nước này mới tích nước được hơn 1 năm nay, nhưng đã nhiều lần người dân phản ánh nguồn nước bị ô nhiễm khiến mùi hôi làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con. Cách đây một tuần, người dân lại đến UBND xã phản ánh nhà máy rượu của Công ty CP Thực phẩm xả nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối chảy vào hồ nhưng chưa có chứng cứ xác thực nên chưa thể xử lý. Dù vậy, ngày 21/10, Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác công trình thủy lợi TP Đà Lạt (đơn vị chủ quản hồ Phát Chi), cùng cán bộ xã Trạm Hành cũng đã tiến hành kiểm tra hiện trường, lập biên bản ghi nhận phản ánh của người dân xung quanh việc hồ bị ô nhiễm để báo cáo UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm. Tuy nhiên, ông Âu cũng xác nhận, tại khu công nghiệp Phát Chi hiện mới có Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng hoạt động và có giấy phép xả nước thải, còn một đơn vị khác chuyên trồng hoa tươi cao cấp, chỉ sử dụng nước hồ để tưới chứ không xả thải.
 
Liên quan đến vụ việc, chiều cùng ngày, Giám đốc Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác công trình thủy lợi Đà Lạt Nguyễn Minh Sơn cho biết, vừa có văn bản báo cáo UBND TP Đà Lạt và các cơ quan chức năng của tỉnh về tình trạng xuất hiện tảo lam, bốc mùi hôi thối và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng tại hồ thủy lợi Phát Chi để sớm tìm ra nguyên nhân và có biện pháp ngăn chặn.
 
Thụy Trang