Bản thân là một thợ sửa xe máy, anh Đặng Khánh Duy (31 tuổi, ngụ tại đường Trần Quốc Toản, phường B'Lao, TP Bảo Lộc) đã không ít lần chứng kiến cảnh người đi đường phải khổ sở do xe máy bị lủng xăm. Vì vậy, trong hơn 2 năm qua, cứ có điện thoại của người đi đường gọi là anh Duy tự nguyện đến vá xe miễn phí.
Bản thân là một thợ sửa xe máy, anh Đặng Khánh Duy (31 tuổi, ngụ tại đường Trần Quốc Toản, phường B’Lao, TP Bảo Lộc) đã không ít lần chứng kiến cảnh người đi đường phải khổ sở do xe máy bị lủng xăm. Vì vậy, trong hơn 2 năm qua, cứ có điện thoại của người đi đường gọi là anh Duy tự nguyện đến vá xe miễn phí.
|
Anh Duy đang vá xe lưu động miễn phí giúp người đi đường |
Anh Đặng Khánh Duy sinh ra và lớn lên tại TP Bảo Lộc. Từ nhỏ đã mồ côi cha, nên tuổi thơ của anh gặp không ít khó khăn và thiếu thốn. Cũng vì lẽ đó, anh Duy phải nghỉ học sớm đi làm thuê, làm mướn để phụ giúp mẹ. Trong gần 10 năm làm thuê, anh đã học được nghề sửa xe máy rồi về mở tiệm làm ăn.
Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi đã tìm gặp được anh Đặng Khánh Duy khi anh đang vá xe máy giúp một người đi đường bị xẹp lốp ngay trước cổng Bệnh viện II Lâm Đồng. Chỉ tay lên tấm biển ghi số điện thoại của mình ngay trước cổng Bệnh viện có dòng chữ “Vá xe từ thiện và lưu động miễn phí từ 19 đến 23 giờ”, anh Duy vui vẻ nói: “Cách đây hơn 2 năm, trong một lần đi TP Hồ Chí Minh và khi đi qua xa lộ Hà Nội (đoạn qua quận Thủ Đức) thì không may xe máy của tôi bị xẹp lốp. Khi chưa biết đi đâu tìm tiệm vá xe thì tôi được một thanh niên tình nguyện đến vá giúp. Từ đó, tôi tự hỏi mình là thợ sửa xe máy tại sao không làm được như người thanh niên kia? Rồi qua thông tin từ báo chí, ti vi…, tôi thấy có nhiều cách để làm việc thiện. Vì thế, tôi đã chọn việc vá xe miễn phí vào buổi tối để giúp đỡ người đi đường không may khi xe máy bị xẹp lốp. Các địa điểm mà tôi nhận vá lưu động xe miễn phí là tại các phường I, II, Lộc Sơn, B’Lao, Lộc Phát và Lộc Tiến”.
Theo tâm sự của anh Duy, từ khi anh cất công đi dán biển vá xe từ thiện miễn phí đến nay đã ngót hơn 2 năm. Cũng từ đó, trung bình mỗi buổi tối (từ 19 - 23 giờ) anh đã giúp được ít nhất từ 2 - 4 người có xe máy bị lủng. Thậm chí, có nhiều tối anh đã giúp được 8 - 10 người đi đường bị lủng xăm xe. Khi vá xong, mọi người đều trả tiền nhưng anh từ chối. Anh Phạm Hồng Cường (ngụ tại phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) cho biết: “Lúc đó khoảng 9 giờ đêm, khi tôi đang đi công việc thì xe bị xẹp lốp ngay tại đường Nguyễn Văn Trỗi (phường II). Sau khoảng 30 phút dắt xe đi lòng vòng tìm tiệm vá nhưng không có, nên gọi điện “cầu cứu” anh Duy. Mặc dù đêm khuya, trời lại mưa to nhưng khoảng 10 phút sau anh đã có mặt giúp tôi. Khi anh Duy vá xong xe, tôi đưa 50 ngàn đồng để cảm ơn nhưng anh nhất định không lấy!”. Còn anh Ngô Thế Sang (ngụ tại xã Đại Lào) cho biết: “Tôi làm nghề bốc vác ở tận Di Linh, nên hay đi về muộn. Đây là lần thứ 3 xe tôi bị lủng xăm khi đi ngang qua TP Bảo Lộc và lần nào cũng được anh Duy đến vá giúp. Nhưng, điều làm tôi cảm thấy áy náy là chẳng lần nào anh ấy chịu nhận tiền công”.
Chị Trần Thị Hạnh, ngụ tại xã Đam B’ri, cho biết: “Lúc đầu, khi được một người bạn cho số điện thoại của anh vá xe từ thiện miễn phí, tôi thấy nghi ngờ! Tôi tự hỏi làm gì có người tốt đến độ bỏ công ban đêm đi vá xe giúp người khác mà không lấy tiền công? Hay đây là một sự “trá hình” để lừa người khác thay xăm rồi “chém” giá cao. Nhưng, khi được anh Duy giúp đỡ, tôi mới thấy những gì mình nghĩ chỉ là “võ đoán” và hiểu sai về anh. Lần xe tôi bị xẹp vỏ, sau khi anh Duy kiểm tra thì bị lủng tới 4 lỗ. Thế rồi, tôi thấy anh ấy mở cốp xe của mình và lấy ra một cái xăm khác được anh vá sẵn từ trước thay cho tôi, nhưng vẫn không lấy tiền. Sau lần đó, tôi cho bạn bè của mình số điện thoại anh Duy và khi được anh Duy giúp đỡ thì ai cũng cảm thấy lòng tốt của anh”.
Chúng tôi hỏi: “Đã có khi nào anh cảm thấy khó chịu khi liên tục nhận những cuộc điện thoại của người đi đường nhờ vá xe lúc đêm khuya?”. Anh Duy đáp: “Những lúc như thế thì chắc chắn người ta cần mình hơn bao giờ hết. Vì vậy, khi tôi đã hứa là tôi sẽ đến giúp mà không hề nghĩ tới việc người khác phải trả công hay mang ơn mình. Với lại, khi người ta đã gọi cho mình thì họ đã tin tưởng mình. Do vậy, nếu mình từ chối thì sẽ đánh mất lòng tin ở họ ngay!”.
KHÁNH PHÚC