Từ thực tiễn chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Di Linh

09:10, 22/10/2015

Huyện Di Linh có trên 97.000 hecta rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích rừng (đất có rừng) trên 83.000 hecta, trải đều trên địa bàn toàn huyện, bao gồm: 11.712 hecta rừng phòng hộ, 69.485 hecta rừng sản xuất và gần 2.000 hecta rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Diện tích cung ứng chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã giao khoán và được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 27.944 hecta. 

Huyện Di Linh có trên 97.000 hecta rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích rừng (đất có rừng) trên 83.000 hecta, trải đều trên địa bàn toàn huyện, bao gồm: 11.712 hecta rừng phòng hộ, 69.485 hecta rừng sản xuất và gần 2.000 hecta rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Diện tích cung ứng chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã giao khoán và được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 27.944 hecta. 
 
Kiểm tra đốt dọn thực bì để phòng cháy rừng
Kiểm tra đốt dọn thực bì để phòng cháy rừng

Hiện nay, trên địa bàn huyện Di Linh có 6 đơn vị chủ rừng, được chi trả DVMTR là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Thuận, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hòa Bắc - Hòa Nam, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Thượng và Cộng đồng thôn Ka La Tơng Gu (xã Bảo Thuận). Diện tích rừng được chi trả DVMTR (lưu vực sông Đồng Nai) đã giao khoán cho 1.292 hộ sinh sống ven rừng và 2 tập thể (Cơ quan Quân sự và Công an huyện). 
 
Hàng tháng, Ban Chỉ đạo QLBVR huyện Di Linh họp đều đặn để đánh giá, nhắc nhở việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Riêng tại cuộc họp mới đây với các đơn vị chủ rừng và chủ tịch UBND các xã có rừng để triển khai chuyên đề công tác chi trả DVMTR, ông Lê Viết Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện, chỉ đạo các đơn vị chủ rừng cần phải phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm và UBND các xã có rừng tăng cường quản lý trong việc chi trả DVMTR; cần phải tuyên truyền, vận động và nâng cao ý thức cho người dân nhận khoán và nâng cao trách nhiệm trong việc tuần tra, kiểm tra, giám sát bảo vệ rừng… để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do phá rừng gây ra.
Theo ông Lê Viết Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, xác định chính sách chi trả DVMTR của Nhà nước là nhằm từng bước “xã hội hóa” nghề rừng, nên huyện đã tạo mọi điều kiện cho người dân sinh sống ven rừng và gần rừng nhận khoán để có thêm thu nhập từ nguồn lợi rừng. Nhờ vậy, chính sách chi trả DVMTR được người dân đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực. Từ đó, bà con đã hăng hái và có trách nhiệm hơn trong việc quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Mặt khác, người dân nhận khoán QLBVR theo chính sách chi trả DVMTR hầu hết là người dân sinh sống tại địa phương, nên việc nắm bắt địa bàn cũng như thông tin các vụ phá rừng, khai thác rừng trái phép được phát hiện kịp thời và có biện pháp ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài nguyên rừng. 
 
Sau khi giao khoán QLBVR, các đơn vị chủ rừng đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, phối hợp hỗ trợ tổ chức truy quét. Trong việc QLBVR trên diện tích được chi trả DVMTR, huyện đã chú trọng đến việc kiểm tra, giám sát công tác QLBVR và chi trả DVMTR. Huyện đã thành lập Ban Kiểm tra giám sát (KTGS), do Phó Hạt Kiểm lâm huyện làm Trưởng Ban. Ban KTGS đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các đơn vị chủ rừng có diện tích rừng giao khoán chi trả DVMTR. Riêng trong năm 2015, Ban KTGS đã kiểm tra hầu hết các đơn vị chủ rừng có diện tích rừng giao khoán chi trả DVMTR; trong đó, chú trọng tại các vùng trọng điểm về phá rừng và khai thác lâm sản trái phép ở xã Đinh Trang Thượng, Gia Bắc, Sơn Điền, Tam Bố… Từ đầu năm đến nay, các thành viên trong Ban KTGS đã phối hợp tổ chức được 97 đợt kiểm tra rừng đã giao khoán tại các địa bàn rừng trọng điểm có dấu hiệu phá rừng. Qua đó, Ban KTGS đề nghị các đơn vị chủ rừng tăng cường việc đôn đốc, nhắc nhở những người nhận khoán đi kiểm tra theo lịch đã được phân công; phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, Ban Lâm nghiệp các xã xác minh các vụ vi phạm về phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép… Từ đó, Ban KTGS có cơ sở để đánh giá việc thực hiện công tác kiểm tra, tuần tra QLBVR của những người nhận khoán trên diện tích được cung ứng DVMTR. 
 
Công tác chi trả tiền cho DVMTR được tiến hành theo từng quý. Chỉ tính trong quý I và quý II, các đơn vị chủ rừng ở huyện Di Linh đã chi trả trên 5,2 tỷ đồng. Ban KTGS đã tổ chức kiểm tra, giám sát các đơn vị chủ rừng trong việc chi trả tiền DVMTR. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy việc chi trả DVMTR đã chi đúng đối tượng và chi trả trực tiếp cho từng hộ theo hợp đồng Tổ trưởng đã ký kết. Riêng Hạt Kiểm lâm huyện trực tiếp chi trả DVMTR cho Cộng đồng thôn Ka La Tơng Gu (201 hộ, nhận khoán 495,6 hecta rừng). 
 
Đánh giá hiệu quả việc chi trả DVMTR, ông Hoàng Tất Dương, Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh, cho chúng tôi biết: “Việc thực hiện chi trả DVMTR có tác động tích cực đến đời sống xã hội. Rõ ràng là mức chi trả tiền DVMTR cao hơn mức bình thường, nên ý thức bảo vệ rừng của người nhận khoán được nâng lên. Nhờ đó, trên diện tích rừng thực hiện việc cung ứng chi trả DVMTR bị xâm hại giảm đáng kể”. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi và kết quả đã đạt được từ chính sách chi trả DVMTR, qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận một thực tế ở huyện Di Linh vẫn còn có những hạn chế, khó khăn nhất định: Phần lớn các hộ nhận khoán là người DTTS, nhận thức về chính sách chi trả DMVTR còn hạn chế, nên trong quá trình thực hiện còn chậm, cần được sự đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên. Diện tích rừng rộng lớn, địa thế hiểm trở, nên việc tuần tra, bảo vệ và việc kiểm ra, giám sát QLBVR gặp khó khăn. Việc QLBVR ở vùng giáp ranh tuy đã có Quy chế phối hợp giữa các địa phương, nhưng thực tế trong quá trình triển khai vẫn còn có những bất cập. Một số hộ nhận khoán thực hiện việc tuần tra, bảo vệ rừng chưa nghiêm túc, còn mang tính chất đối phó. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo chưa kịp thời… 
 
XUÂN LONG