Sau gần 6 tháng đi vào hoạt động, đến nay, khu bán thực phẩm tươi sống Chợ Đam Bri (thôn 12, xã Đam Bri, TP Bảo Lộc) chỉ có vỏn vẹn 8 hộ vào kinh doanh. Đây là khu chợ được đầu tư từ nguồn vốn của Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm (LIFSAP), với tổng mức đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng.
Sau gần 6 tháng đi vào hoạt động, đến nay, khu bán thực phẩm tươi sống Chợ Đam Bri (thôn 12, xã Đam Bri, TP Bảo Lộc) chỉ có vỏn vẹn 8 hộ vào kinh doanh. Đây là khu chợ được đầu tư từ nguồn vốn của Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm (LIFSAP), với tổng mức đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng.
|
Khu bán thực phẩm tươi sống Chợ Đam Bri chỉ có vài hộ vào kinh doanh |
Sáng 19/11/2015, chúng tôi có mặt tại khu chợ này. Dù đây là thời điểm sôi nổi của người mua, người bán nhưng toàn khu chợ lại rất vắng vẻ. Người bán có vỏn vẹn 5 người, người mua còn ít hơn cả người bán. Toàn khu chợ có tổng cộng 32 quầy sạp kinh doanh thịt, cá nhưng chỉ 5, 6 quầy sạp đầu dãy là có người bán, còn lại đều để trống không. Bà Trần Thị Nhâm, một trong những tiểu thương đầu tiên vào khu chợ, cho biết: “Trước đây, tôi cũng buôn bán tại nhà. Từ khi có khu chợ mới thì tôi đã đăng ký và sang đây bán thịt heo kèm thêm các loại gia vị. Vì nhiều người không chịu vào chợ mà cứ buôn bán tại nhà hoặc tập trung bán rong tại khu Ngã 5 Đam Bri nên việc buôn bán tại đây rất ế ẩm. Tuy vậy, mấy tiểu thương đã đến chợ vẫn cố bám trụ tại đây vì thấy chợ xây khang trang, sạch đẹp quá mà không vào kinh doanh thì rất lãng phí. Chúng tôi vừa buôn bán, vừa kiêm luôn bảo vệ vì nếu không chợ sẽ bị phá phách, xuống cấp”.
Ngoài bà Nhâm, còn có 5 hộ khác cũng kinh doanh từ sáng đến chiều và 2 hộ chỉ bán vào buổi chiều. Cùng chung suy nghĩ với bà Nhâm, chị Vũ Thị Quý cũng đăng ký vào chợ để bán thịt heo và gà, vịt. Trước đây, chị cũng bán những mặt hàng này tại nhà kèm với hàng tạp hóa. Chị Quý chia sẻ: “Vào đây buôn bán thì điều kiện vệ sinh rất đảm bảo. Các hộ chỉ phải đóng tiền điện, nước theo nhu cầu sử dụng hàng tháng, còn lại thì không phải đóng góp khoản tiền nào khác, kể cả tiền mặt bằng. Tuy hiện tại buôn bán chưa đông đúc nhưng tôi vẫn tiếp tục kinh doanh tại đây. Một khi các hộ buôn bán rong bị giải tỏa, buộc vào chợ kinh doanh thì chắc chắn tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn”. Anh Đoàn Văn Cảnh, kinh doanh cá và rau tại khu chợ, nói: “Có chợ tốt như thế này mà không vào kinh doanh thì cũng phí. Do đó, ngay khi UBND xã triển khai làm chợ là tôi đăng ký ngay và chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương vào chợ từ những ngày đầu”.
Cách khu chợ mới xây khoảng 500m là khu vực tập trung buôn bán hàng rong của rất nhiều người tại khu vực Ngã 5 Đam Bri và rất nhiều hộ kinh doanh tại gia đình. Tình trạng buôn bán này đã diễn ra từ trước khi chợ mới được xây dựng. Bà Bùi Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Đam Bri, cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu thực tế là người dân cần một khu chợ để buôn bán nên UBND xã Đam Bri đã xin chủ trương xây dựng chợ. Đây cũng là việc làm đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Khi chợ được xây dựng hoàn thành và bàn giao, UBND xã đã tiến hành họp dân để làm cam kết không tiếp tục kinh doanh hàng tươi sống tại nhà, ai có nhu cầu thì đăng ký và làm hợp đồng để vào chợ kinh doanh. 29 hộ đăng ký vào chợ nhưng chỉ có 14 hộ làm hợp đồng và trên thực tế chỉ có 6 hộ buôn bán thường xuyên.
Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng (chủ đầu tư) và UBND xã Đam Bri đã nhiều lần họp dân để tuyên truyền, vận động người dân vào chợ, thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi vào chợ kinh doanh… Do có quá ít hộ vào chợ kinh doanh nên UBND xã đã hủy các hợp đồng kinh doanh đã ký với các tiểu thương không chịu vào chợ và cho các hộ có nhu cầu đăng ký lại. Đến nay, đã có 16 hộ đăng ký mới và tiến hành bốc thăm quầy sạp từ ngày 20/11”.
Khu bán thực phẩm tươi sống Chợ Đam Bri có diện tích gần 1.100m
2. Riêng khu chợ lồng được xây dựng trên diện tích 231m
2. Ngoài ra, khu chợ còn được trang bị đầy đủ hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh, giếng khoan... Với điều kiện kinh doanh khá tốt, tại sao người dân vẫn không mặn mòi? Lý giải về điều này, bà Bùi Thị Thủy cho biết thêm: “Có nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa vào chợ buôn bán, như: Người dân đã buôn bán tại nhà quen khách, những hộ bán hàng rong tại Ngã 5 Đam Bri chủ yếu từ nơi khác đến và chỉ bán vào thời điểm tập trung đông người mua là sáng, chiều. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất là các hộ buôn bán tại nhà thường bán kèm cả thực phẩm tươi sống. Nếu các hộ này vẫn tiếp tục buôn bán như vậy thì những hộ chấp hành vào chợ sẽ bị chia khách, không đảm bảo thu nhập. Do đó, họ còn ngần ngại. Hiện, UBND xã Đam Bri đã đề nghị các ngành chức năng của TP Bảo Lộc hỗ trợ trong việc giải tỏa các hộ buôn bán lấn chiếm lòng lề đường và vận động các hộ kinh doanh hàng tươi sống vào chợ”.
ĐÔNG ANH