Để "cứu" dòng thác Pongour, vào thời điểm này, Công ty TNHH Đất Nam - đơn vị quản lý và đầu tư khai thác Khu du lịch sinh thái thác Pongour đang tiến hành bơm nước vào hồ để trữ nước. Thác nước tự nhiên đang phải duy trì bằng biện pháp nhân tạo.
Để “cứu” dòng thác Pongour, vào thời điểm này, Công ty TNHH Đất Nam - đơn vị quản lý và đầu tư khai thác Khu du lịch sinh thái thác Pongour đang tiến hành bơm nước vào hồ để trữ nước. Thác nước tự nhiên đang phải duy trì bằng biện pháp nhân tạo.
Trầm ngâm nhìn dòng thác từng được mệnh danh “Nam thiên đệ nhất thác”, anh Trần Ngọc Sang (Du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) bùi ngùi: “Tiếc thật! Dòng thác hùng vĩ năm nào giờ chỉ còn trong ký ức”. Đã 6 năm anh Sang mới có cơ hội quay lại đây nhưng vẻ trầm mặc của Ponguor làm anh thoáng buồn, tiếc nuối. Bởi dòng thác nổi tiếng, từng được người Pháp cho rằng đẹp nhất Đông Dương đã không còn vẻ đẹp như thiên nhiên ban tặng.
|
Thác Pongour hiện đang thiếu nước nghiêm trọng |
Thác biết… “ngủ”
Đó là cách nói vui mà những nhân viên làm việc trong khu du lịch Pongour thường đùa với nhau khi nói về chu kỳ dòng chảy của thác. Đùa mà thật, việc trữ nước ban đêm cho ban ngày để duy trì dòng nước cho thác chảy đang được làm ở đây chẳng khác nào thác biết “ngủ”, ngừng chảy vào buổi đêm.
Chị Như Quỳnh (Du khách từ TP. Hồ Chí Minh) cũng tỏ ra tiếc nuối khi đến thác Pongour thời điểm này: “Vẫn biết mùa này khô hạn là tình hình chung nhưng lần này quay lại đây tôi cũng cảm thấy thất vọng vì thác đã không còn như trước. Người đến tham quan cũng khá vắng vẻ”.
Ông Vy Văn Hạnh - Quản lý Khu du lịch sinh thái thác Pongour cho biết: “Từ khi có thủy điện Đại Ninh, dòng chảy tự nhiên bị can thiệp, mùa khô thác gần như không có nước nên Ban quản lý ở đây phải tính đến phương án đắp đập ngay bên trên để trữ nước vào ban đêm, ban ngày thì mở xả cho nước chảy xuống mới duy trì được dòng thác, đảm bảo hoạt động cho khu du lịch”. Cũng theo ông Hạnh, ngoài chi phí hơn 2 tỷ đồng để xây dựng đập trữ nước và máy bơm thì chi phí mỗi tháng cho việc vận hành cũng hơn 30 triệu đồng, cũng là khoản tiền doanh nghiệp đầu tư (Công ty TNHH Du lịch Đất Nam) chịu lỗ mỗi tháng để “cứu” thác” mùa khô. Không chỉ duy trì dòng nước thác mà còn là để bảo vệ môi trường cảnh quan, thảm thực vật, hệ động vật… tại khu du lịch.
Tuy nhiên, giải pháp bơm và trữ nước này cũng chỉ giúp duy trì dòng chảy của thác nước còn thác nước chảy trắng xóa, âm thanh vang dội cả núi rừng như trước đã không còn nữa.
Đến thời điểm hiện tại, tuy chỉ mới bắt đầu vào mùa khô nhưng việc khô hạn đã bắt đầu là nỗi lo của Ban Quản lý Khu du lịch thác Pongour và nhiều hộ sản xuất dọc theo đoạn sông Đa Nhim này.
Xin hãy “giữ ” thác
Thác Pongour hay còn gọi là thác bảy tầng là một ngọn thác tại huyện Đức Trọng, nằm cách Đà Lạt 50km về hướng Nam. Thác cao 40m và rộng 120m, bao bọc xung quanh là rừng nguyên sinh, với thảm thực vật và hệ động vật khá phong phú. Nơi đây từng được đánh giá là thác nước đẹp nhất châu Á và Vua Bảo Đại công nhận là “Nam Thiên Đệ Nhất Thác”. Thác Pongour còn được công nhận là di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia. Đây cũng là thác nước duy nhất có lễ hội tại Lâm Đồng. Hiện nay ở thác Pongour vẫn còn hội ngày rằm. Hàng năm, vào ngày rằm tháng giêng, các thanh niên nam nữ của các dân tộc tụ hội về đây trẩy hội mùa xuân.
Ông Vy Văn Hạnh - Quản lý khu du lịch cũng cho biết: Trước đây, mỗi năm, khu du lịch đón trên 15.000 lượt khách đến tham quan, tuy nhiên, vài năm trở lại đây, lượng khách giảm hẳn. Thậm chí những tháng như thời điểm hiện tại, mỗi ngày thác Pongour chỉ đón vài đoàn khách trong các tour du lịch còn khách vãng lai hầu như không có. Và chính vì để duy trì các tour này nên doanh nghiệp đầu tư phải chấp nhận thua lỗ, hoạt động cầm chừng vì “nếu hết nước thì cắt tour, rất khó duy trì kinh doanh” - ông Hạnh phân tích thêm.
Theo nhiều người dân sống gần khu du lịch cho biết thêm, không chỉ thu hút du khách đến tham quan mà chính người dân địa phương tại đây cũng thường xuyên đến thác, đây là yếu tố tâm linh. Họ đến “thác thiêng” chỉ để xin nước lành, rửa mặt hay quay lại tạ ơn những điều xin khấn từ năm trước. “Bây giờ thác khô nước, vắng khách không chỉ trong khu du lịch mà người dân địa phương như tôi cũng thấy buồn và tiếc nuối” - ông Nguyễn Lộc (xã Tân Thành, huyện Đức Trọng) chia sẻ.
Trước những thực tế đã và đang diễn ra tại Khu du lịch sinh thái thác Pongour, bà Trương Thị Đán - Giám đốc Công ty TNHH Đất Nam cũng chia sẻ: “Chúng tôi cũng đã được sự giúp đỡ rất nhiều của chính quyền địa phương để duy trì hoạt động cũng như quảng bá du lịch. Như năm 2013, tỉnh đã tổ chức Lễ hội Tình yêu tại đây, thu hút rất nhiều khách đến tham quan. Nhưng nhìn vào thực tế thác nay đã mất đi vẻ đẹp hùng vĩ trước đây, thiếu nước trầm trọng, khách đến tham quan quá ít, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng thì không biết sẽ cố gắng được đến bao giờ. Mong muốn một giải pháp nhưng quá khó!”.
Đó có lẽ cũng là nỗi niềm của nhiều du khách ra về từ Khu du lịch sinh thái thác Pongour, bởi điều lớn nhất giữ chân du khách quay lại đây chính là cảnh quan, vẻ đẹp nổi tiếng hùng vĩ của bảy tầng thác đang bị thay đổi dần này. Giữ thác còn là gìn giữ cảnh quan, môi trường sinh thái, phát triển du lịch, kinh tế địa phương... và “giữ” cả những điều trong tâm linh.
DIỄM THƯƠNG