Đừng tự biến mình thành một kẻ tâm tối, dạ đen...

03:12, 24/12/2015

(LĐ online) - Hơn một năm nay, các thế lực thù địch tăng cường các bài viết cực kỳ phản động. Vẫn những chiêu bài cũ rích, vẫn những quan điểm chống phá, không trung thực, họ đòi đa nguyên, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. 

(LĐ online) - Hơn một năm nay, các thế lực thù địch tăng cường các bài viết cực kỳ phản động. Vẫn những chiêu bài cũ rích, vẫn những quan điểm chống phá, không trung thực, họ đòi đa nguyên, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng xuyên tạc: “Là nước thuần nông đa số nông dân nghèo, lại hứng chịu liên miên các cuộc chiến tranh tàn phá suốt 30 năm. Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước năm 1975, nhà cầm quyền chế độ mới theo đuổi “ý thức hệ cộng sản”, đề ra những chính sách vô nhân tiếp tục tàn phá đất nước tan hoang. Đến năm 1986 mới sực tỉnh cơn mê, đề ra đường lối “đổi mới” cứu nguy sự sụp đổ chế độ! Đến nay, sau 30 năm “đổi mới”, đất nước dẫu khoác trên mình bộ mặt mới, cuộc sống người dân có dễ chịu hơn…! Thế nhưng, nhà cầm quyền vẫn chưa thoát ra “cơn mê cộng sản”. Với đường lối “đổi mới” nửa vời, kìm hãm sự phát triển của đất nước; sự phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng trong đời sống xã hội diễn ra ngày càng gay gắt, người giàu ngày càng giàu hơn, người nghèo ít có cơ hội thoát nghèo! Phải chăng đó là căn nguyên tình trạng nghèo đói của một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay?”.
 
Phải nói ngay rằng nếu cho người Việt Nam hứng chịu liên miên các cuộc chiến tranh tàn phá, thì con số 30 năm là chưa đủ mà phải là 164 năm kể từ ngày thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược Việt Nam (8/1858), từ đó dẫn đến các cuộc khởi nghĩa: Trương Định (1859-1864); Nguyễn Trung Trực (1861-1868); Ba Đình (1886-1887); Bãi Sậy (1885-1889); Hùng Lĩnh (1886-1892); Hương Khê (1885-1895); Yên Thế (1887-1913); Thái Nguyên (1917-1918); Bạo động Lạng Sơn (1921); Bạo động Yên Bái (1930)... Tất cả các cuộc khởi nghĩa nói trên đều bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) lãnh đạo nhân dân đứng lên giành lại chính quyền bằng cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Niềm vui độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp rắp tâm đánh chiếm đất nước ta một lần nữa (23/9/1945), đất nước lại đứng lên kháng Pháp với lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946. Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 đã buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị Giơ-ne-vơ, chia đôi hai miền Nam Bắc chờ ngày Tổng tuyển cử. Sự bội ước thực thi Tổng tuyển cử của chính quyền miền Nam do Mỹ hậu thuẫn đã dẫn tới cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 20 năm sau đó; đến ngày 30/4/1975 miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được tự do thống nhất. 
 
Cần phải nhận thức rằng cuộc chiến tranh đó là do đâu? Chắc chắn rằng đánh đuổi ngoại bang, giành độc lập, tự do cho đất nước, cho dân tộc không bao giờ là cuộc chiến phi nghĩa! Chúng nói rằng “sau năm 1975, nhà cầm quyền mới đề ra chính sách vô nhân, tiếp tục tàn phá đất nước tan hoang”. Lời “chụp mũ” xằng bậy trên cho thấy sự vô cảm của thù địch. Chúng ta không phủ nhận 10 năm sau giải phóng, đất nước lâm vào tình cảnh khó khăn, kiệt quệ, nguyên nhân có yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có cả những chính sách chưa hợp lòng dân. Nhưng đừng quên rằng, đó là khoảng thời gian chúng ta vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh; vừa phải hao tốn sức người, sức của trong cuộc chiến đấu bảo vệ hai đầu biên giới; chống giặc trong, đối phó thù ngoài, gồng mình hứng chịu bao vây cấm vận. Đói khổ 10 năm trước ngày đổi mới không phải là sự cam chịu mà là sự bền bỉ với tinh thần “thà đói khổ còn hơn phải sống trong cảnh chiến tranh” của toàn dân Việt Nam. Vì thế, nếu phải dùng từ “chính sách vô nhân, tàn phá đất nước” thì kẻ bị chỉ trích không phải là Đảng, hay “ý thức hệ cộng sản”. 
 
Một số bài bài viết trên mạng xã hội thừa nhận sau 30 năm đổi mới, “đất nước đã khoác lên mình bộ mặt mới, đời sống người dân dễ chịu hơn”. Nhưng, họ lại cho rằng “nhà cầm quyền lại chưa thoát ra được cơn mê cộng sản”. Đến đây, đã bộc lộ rõ bản chất chống cộng, bởi cái mà họ gọi “cơn mê cộng sản” chính là sản phẩm của trí tuệ nhân loại, phác họa về một hình thái xã hội tốt đẹp mà cả thế giới này đã, đang và sẽ còn nghiên cứu. Vì thế, chuyện đi theo học thuyết nào, vận dụng ra sao là quyền tự do của mỗi một quốc gia, dân tộc. 
 
Càng sai hơn khi họ lớn tiếng chỉ trích “đường lối đổi mới nửa vời” và võ đoán rằng “chính vì sự nửa vời đó đã kìm hãm sự phát triển của đất nước; làm cho sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gay gắt, người giàu ngày càng giàu hơn, người nghèo ít có cơ hội thoát nghèo” và khẳng định “đó là căn nguyên tình trạng nghèo đói của một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay”. Rõ ràng, đây là sự non kém khi nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng trong sự vận động không ngừng. Nên hiểu rằng: đổi mới nửa vời là đổi mới không đến nơi, đến chốn; đổi mới trong chừng mực nhất định rồi thôi. Nhìn lại chặng đường 30 năm qua và những gì đã diễn ra, sắp diễn ra trong kỳ Đại hội tới của Đảng thì không thể nói là đổi mới nửa vời. Nhấn mạnh rằng, đổi mới là một quá trình vận động, có lộ trình với những bước đi thích hợp, cái gì không tốt, không hợp thì phải thay đổi chứ không phải đập bỏ toàn bộ, thay mới hoàn toàn. 26 triệu lượt ý kiến góp ý văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII là sự tiếp nối đổi mới vì mục tiêu cao cả: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 
 
Thành tựu 30 năm đổi mới là điều không thể phủ nhận và dĩ nhiên quy luật của sự phát triển bao giờ bên cạnh yếu tố tích cực, tiến bộ cũng nảy sinh những hạn chế, yếu kém. Đảng đã nhận diện những hạn chế, yếu kém, hoàn toàn không né tránh và trăn trở, quyết tâm tìm giải pháp khắc phục. 
 
Còn nói đến sự phân hóa giàu nghèo thì xin hỏi trên thế giới này có đất nước nào chỉ có người giàu hoặc chỉ có người nghèo không? Chắc là không; giàu như nước Mỹ cũng không ngoại lệ; hay giàu như đảo quốc sư tử Singapore, đất nước chưa tới 7 triệu dân với mức thu nhập bình quân đầu người thuộc hạng cao nhất thế giới trên 51.000 USD/năm, nhưng cũng có tới 400.000 con người mà mức chi tiêu không thể vượt quá 85.000 đồng/ngày. Thế nên, đừng ảo tưởng rằng trên thế giới này có quốc gia không có người nghèo và cũng đừng vội cho rằng sự phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam là vì “đổi mới nửa vời”. 
 
Là người Việt Nam, nên thừa biết: Mất nước cũng nhục, nghèo cũng nhục. 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi”. 30 năm qua, Đảng, Nhà nước đã thực hiện bền bỉ các chủ trương, chính sách xóa đói, giảm nghèo cũng như các giải pháp giảm nghèo nhanh bền vững và thành tựu đạt được vượt xa mong đợi - 43 triệu người Việt Nam thoát khỏi đói nghèo. Từ kết quả đó, cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong 38 quốc gia có thành tích nổi bật về xóa đói giảm nghèo, nhóm 18 quốc gia được trao Bằng khen của Tổ chức Nông Lương (FAO) về xóa đói giảm nghèo và chứng nhận việc sớm đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ. TS. Pretibha Mehta, Đặc phái viên Liên hợp quốc, kiêm Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh “rất ít quốc gia” đạt được kết quả như Việt Nam. Đây là những kết quả thể hiện các hành động cụ thể của Việt Nam, kể từ khi Việt Nam cùng 189 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc ký Tuyên bố Thiên niên kỷ thể hiện cam kết hợp tác toàn cầu mới về xóa nghèo đói, phát triển và bảo vệ môi trường. Hiện nay, Việt Nam đã nằm trong tốp đầu danh sách các nước đang phát triển. Mới đây nhất, Viện nghiên cứu Legatum của Anh, đơn vị thực hiện báo cáo thường niên về “chỉ số thịnh vượng toàn cầu” năm 2015 đánh giá cao sự trỗi dậy của các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, trong đó nổi bật là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thailand và Việt Nam.
 
Những minh chứng trên cho thấy những luận điệu trên một số trang mạng do quá thiếu thông tin hoặc nắm rõ thông tin nhưng với dụng ý xấu xa, đã cố tình phớt lờ sự thật để tuyên truyền quan điểm chống Đảng, chống Nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Mới đây, trong Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ tại chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tuyên bố “Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam”, dư luận thế giới hoan nghênh và cho rằng nhận thức của Hoa Kỳ phù hợp với xu thế hợp tác toàn cầu. 
 
Vậy nên, xin hãy đừng tự biến mình thành một kẻ tâm tối, dạ đen... 
 
Lê Hoài Trung