Giảm 20% số vụ vi phạm lâm luật không dễ

09:12, 14/12/2015

Đến thời điểm này có thể nói, năm 2015, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả cơ bản về công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhưng để giảm được 20% số vụ vi phạm Luật BV&PTR cả về tính chất và mức độ vi phạm so với năm 2014 như mục tiêu thực sự không dễ. 

Đến thời điểm này có thể nói, năm 2015, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả cơ bản về công tác bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), nhưng để giảm được 20% số vụ vi phạm Luật BV&PTR cả về tính chất và mức độ vi phạm so với năm 2014 như mục tiêu thực sự không dễ. Trả lời Báo Lâm Đồng, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm khẳng định: Năm 2016, ngành quyết tâm phấn đấu đạt được thành tích này. Nhưng phải đặt trong bối cảnh các cấp, các ngành, các địa phương cùng quán triệt và thực hiện quyết liệt Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kết luận 36 của Chủ tịch UBND tỉnh… 
 
Năm 2016 sẽ không còn tình trạng tàn sát tài nguyên rừng như năm 2015 thế này?
Năm 2016 sẽ không còn tình trạng tàn sát tài nguyên rừng như năm 2015 thế này?

Chưa giảm vi phạm
 
Ngày 8/12, số liệu 11 tháng năm 2015 được Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết: So với cùng kỳ năm 2014, toàn tỉnh tăng 59 vụ (3,5%) và diện tích tăng 707.081,2m 2 (66,3%). Các đơn vị kiểm lâm, Ban lâm nghiệp xã, chủ rừng... đã phát hiện và lập biên bản 1.750 vụ vi phạm Luật BV&PTR. Cụ thể các hành vi như sau: Lấn, chiếm rừng 2 vụ với 18.592m 2; Vi phạm các quy định khai thác gỗ 2 vụ; Khai thác rừng trái phép 381 vụ (21,8%) với 1.644m 3; Gây cháy rừng 9 vụ với 158.315m 2. Phá rừng trái pháp luật 480 vụ (26,55%) với 1.596.766m 2; Vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng 3 vụ; Vận chuyển lâm sản trái pháp luật 388 vụ (22,2%) với 371m 3; Mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với quy định của Nhà nước 394 vụ (22,5%) với 684m 3;... Tổng số vụ vi phạm đã xử lý 1.593 vụ, trong đó xử phạt hành chính 1.542 vụ và chuyển xử lý hình sự 51 vụ. 
 
Một trong những vi phạm Luật BV&PTR chúng tôi nhiều lần phản ánh là tình trạng phá, lấn chiếm trái phép rừng và đất lâm nghiệp còn xảy ra trên nhiều địa bàn, thậm chí có những điểm nổi cộm như ở Lạc Dương, Lâm Hà, Bảo Lâm... Trong năm qua, lực lượng chức năng và các đơn vị chủ rừng đã tích cực tiến hành giải tỏa và trồng lại rừng khá hiệu quả ở nhiều tiểu khu khác nhau. Trong tổng diện tích đã được giải tỏa 737,874ha, năm 2015 đã giải tỏa được 374,855ha; các năm trước 363,019ha. Theo đó, diện tích trồng lại rừng được 145,450ha. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang đối diện thực tế rất nan giải, dai đẳng nhiều năm nay là sau khi rừng mới được trồng, các đối tượng vi phạm nhổ phá cây, một số diện tích bị lấn chiếm trở lại. 
 
Một thành tích đáng ghi nhận biểu dương và cần phát huy trong năm qua là công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đạt hiệu quả cao hơn những năm trước. Mùa khô năm 2014-2015 trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 33 vụ cháy với 80,64ha; trong đó, cháy rừng trồng 10 vụ (27,2ha), cháy rừng tự nhiên 8 vụ (9,52ha) và cháy thảm cỏ, cây bụi dưới tán rừng 15 vụ (43,92ha). Mặc dù so với mùa khô năm 2013-2014, số vụ cháy và diện tích có giảm 7 vụ với 50,92ha; tuy nhiên, số vụ cháy rừng trồng, rừng tự nhiên lại tăng cả về số vụ và diện tích (rừng trồng tăng 3 vụ (12,34ha), rừng tự nhiên tăng 4 vụ (0,22ha). Với mùa khô năm 2015-2016, hiện ngành Kiểm lâm đã tiếp nhận 39 phương án BVR và PCCCR của các đơn vị chủ rừng và ban chỉ đạo cấp huyện. Đồng thời, thẩm định 39 phương án này, phương án BVR và PCCCR cấp tỉnh đang được tích cực trình cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai. Vấn đề cần phát huy cao là 2 yếu tố: tích cực và đồng bộ thì tình hình cháy rừng hy vọng thu được những con số vui hơn những mùa khô đã qua. 
 
Để đạt 20%?
 
Năm 2015 có sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh; sự phối hợp triển khai khá tích cực của các đơn vị, ngành chức năng và địa phương, nhưng để giảm được 20% phải khắc phục nhiều hạn chế, tồn tại. Trước hết, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng và PCCCR phải duy trì thường xuyên liên tục và bằng nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả cao. Đặc biệt, quan tâm hơn nữa đến những điểm, những vấn đề đang nổi cộm như: khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại những khu vực giáp ranh giữa Di Linh, Đức Trọng với tỉnh Bình Thuận, giữa các huyện Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Bảo Lâm; vấn đề ken cây hoặc phá rừng đông người ở Bảo Lâm, Lạc Dương, Lâm Hà, Bảo Lộc... Những tình hình đã và đang diễn biến phức tạp rất cần có những giải pháp giải quyết hữu hiệu hơn như: đồng bào dân tộc một số địa bàn di dân tự do trở về làng cũ phá rừng lập làng; bắt quả tang thủ phạm gây cháy rừng; nghiêm trị đối tượng chống người thi hành công vụ và tình trạng cất giữ, săn bắt, mua bán lâm sản trái phép…
 
Lực lượng làm công tác QLBVR ở cơ sở, nhất là nhân lực Ban lâm nghiệp xã, kiểm lâm địa bàn, cán bộ chuyên môn của đơn vị chủ rừng còn vừa mỏng vừa hạn chế năng lực thi hành so với nhu cầu đặt ra từ thực tiễn. Ý thức trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị chủ rừng chưa cao, thực hiện thiếu đồng bộ và cùng đó là vấn đề xử lý hành vi lấn chiếm đất chưa kiên quyết và triệt để. Những nguyên nhân vừa nêu cần tiếp tục khắc phục là yêu cầu đòi hỏi tất yếu của thực tiễn. Đặc biệt, các cấp, các ngành liên quan, các địa phương cần quán triệt và thực hiện hiệu quả Chỉ thị 30 của Tỉnh ủy cũng như các Kết luận của lãnh đạo UBND tỉnh. 
 
Với ngành kiểm lâm, đặt vấn đề giảm 20%, Chi cục trưởng Nguyễn Khang Thiên cho biết: Ngành chỉ đạo quyết liệt hơn nữa về năng lực thực hiện, mang tính trọng tâm và xuyên suốt về những nội dung tỉnh ban hành. Mặt khác, tổng kết công tác BVR - PCCR và trồng cây phân tán năm 2014-2015; thực hiện nghiêm và có hiệu quả Chỉ thị số 3714/CT-BNN-TCLN ngày 15/12/2011 của Bộ NN và PTNT về việc tăng cường, chấn chỉnh hoạt động của lực lượng kiểm lâm. “Mục đích là ngăn chặn tình trạng phá hoại rừng, tài nguyên rừng ngay từ đầu khi còn manh nha”, ông Thiên khẳng định. Mặt khác, việc phối hợp giữa các ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh, với tỉnh giáp ranh phải thực sự không là hình thức, không chạy theo thời vụ... Hy vọng, những kết quả và hạn chế, tồn tại của năm 2015 sẽ là những bài học quý để công tác BV&PTR năm 2016 có nhiều tiến bộ rõ rệt hơn; tài nguyên rừng Lâm Đồng không chỉ giữ vững độ che phủ 52,5% mà ngày càng đạt tính đa dạng sinh học trong sự phát triển bền vững.
 
MINH ĐẠO