Kiên quyết xử lý đơn vị nợ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

09:12, 25/12/2015

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ, mặc dù trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khá nhiều đơn vị thực hiện tốt nhưng lại có những "điểm đen" vì không thực hiện nhiều năm như lời nhận xét của ông Võ Đình Thọ - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) Lâm Đồng.

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ, mặc dù trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khá nhiều đơn vị thực hiện tốt nhưng lại có những “điểm đen” vì không thực hiện nhiều năm như lời nhận xét của ông Võ Đình Thọ - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) Lâm Đồng.
 
Khu du lịch Trúc Lâm Viên không ngừng đầu tư hạ tầng và đông khách tham quan nhưng là “điểm đen” về nợ tiền DVMTR
Khu du lịch Trúc Lâm Viên không ngừng đầu tư hạ tầng và đông khách tham quan
nhưng là “điểm đen” về nợ tiền DVMTR

Một chính sách đúng đắn
 
Lâm Đồng là một trong 2 tỉnh đầu tiên trong cả nước được chọn triển khai thực hiện thí điểm chính sách DVMTR theo Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008 của Thủ tướng chính phủ và tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP. Báo cáo của Quỹ BV&PTR Lâm Đồng cho biết, trong 5 năm thực hiện chính sách chi trả theo Nghị định 99/2010 đến nay, tổng số tiền đã thu được khoảng 750.000 triệu đồng. Số đơn vị nộp tiền DVMTR là 37 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng DVMTR; trong đó, 18 đơn vị sản xuất thủy điện, 8 đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch và 11 đơn vị kinh doanh du lịch. Theo đó, tổng số tiền đã chi trả cho các chủ rừng để quản lý bảo vệ rừng khoảng 576,8 tỷ đồng. Diện tích rừng được khoán BVR hàng năm từ 272.500ha (năm 2011) lên 357.650ha (năm 2015). Số hộ được hưởng lợi từ 12.100 hộ (năm 2011) lên 16.400 hộ (năm 2015). 
 
Tại một hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chính sách DVMTR Lâm Đồng giữa năm 2015 cho biết, đa số các đơn vị sử dụng DVMTR đã thực hiện nghiêm túc việc kê khai và nộp tiền đúng quy định; tổng số tiền DVMTR thu trong năm 2014 trên 172 tỷ đồng (trong đó thu nợ các năm 2011 - 2013 là 3,66 tỷ đồng). Toàn tỉnh có 73 chủ rừng là tổ chức và 1.801 chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng thôn, với diện tích cung ứng DVMTR được chi trả là 328.000ha. Quỹ BV&PTR tỉnh đã thực hiện chi trả trên 152,6 tỷ đồng cho các chủ rừng, các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng. Số tiền này đã góp phần giải quyết sinh kế, tăng thu nhập cho hơn 16.300 hộ dân sống gần rừng, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 77%; chi 1,073 tỷ đồng từ nguồn thu DVMTR của các đơn vị du lịch để trồng cây phân tán, cây cảnh quan.
 
Năm 2015, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thu DVMTR 148,38 tỷ đồng; kế hoạch chi là 172,26 tỷ đồng cho công tác bảo vệ diện tích rừng cung ứng DVMTR là 363.800 ha, với đơn giá chi trả lưu vực Đồng Nai là 495.000 đồng/ha/năm và lưu vực Sêrêpôk là 385.000 đồng/ha/năm (bao gồm cả kinh phí quản lý của các đơn vị chủ rừng). 
 
Còn đó những “điểm đen”  
 
Số liệu mới nhất Quỹ BV&PTR cung cấp, số tiền nộp DVMTR năm 2015 đến nay từ các đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh Lâm Đồng là hơn 764 triệu đồng. Trong số đó, có những đơn vị thực hiện kê khai và nộp tiền nghiêm túc nhất là Công ty cổ phần (CTCP) Du lịch Lâm Đồng với 3 đơn vị thành viên; CTCP Dịch vụ Du lịch Đà Lạt với 3 thành viên; CTCP Du lịch Thung Lũng Vàng... Tuy nhiên, thời gian qua, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số đơn vị sử dụng DVMTR chưa nộp hoặc chậm nộp tiền DVMTR với số tiền nợ đọng khoảng 1 tỷ đồng. Đặc biệt, “điểm đen” là Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Trần Lê Gia Trang có Khu du lịch Trúc Lâm Viên ở thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Ông Võ Đình Thọ cho biết, đã nhiều lần, đơn vị Quỹ BV&PTR phối hợp với các ngành liên quan và địa phương Đức Trọng tổ chức đoàn liên ngành làm việc, đôn đốc doanh nghiệp này thực hiện nghiêm túc chính sách chi trả DVMTR nhưng không chuyển biến. Từ năm 2011 đến nay, DNTN Trần Lê Gia Trang chỉ mới nộp 1 lần với số tiền hơn 16 triệu đồng, đó là ngày 6/9/2013 nộp cho năm 2011. Theo tự kê doanh thu của doanh nghiệp này, DNTN Trần Lê Gia Trang phải nộp trên 19 triệu đồng cho năm 2012, trên 20 triệu đồng cho năm 2013 nhưng chỉ kê, còn nộp thì không. Riêng 2 năm 2014 và 2015, DNTN Trần Lê Gia Trang cũng không tự kê doanh thu; số tiền doanh nghiệp hiện còn nợ khoảng 75 triệu đồng. 
 
Đối với các đơn vị sản xuất thủy điện, hiện có 30 nhà máy thực hiện chi trả DVMTR. Bên cạnh những nhà máy thực hiện tốt như Thủy điện Đại Ninh, Thủy điện Đa Nhim, Thủy điện VRG Bảo Lộc... thì có một “điểm đen” điển hình là CTCP đầu tư và kinh doanh điện 586, có nhà máy thủy điện ở xã Định An, huyện Đức Trọng. Cũng được các ngành chức năng đôn đốc nhắc nhở nhiều lần nhưng những đơn vị này vẫn cương quyết không nộp tiền chính sách chi trả DVMTR. Tổng số nợ của Công ty từ năm 2011 đến nay khoảng 69 triệu đồng. Ngày 26/5/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Văn bản số 2589/UBND-LN yêu cầu 2 đơn vị nêu trên chấp hành việc nộp tiền DVMTR (CTCP Đầu tư và kinh doanh điện 586 nộp 60 triệu đồng của 3 năm 2011, 2012, 2013 và DNTN Trần Lê Gia Trang nộp 40,2 triệu đồng của năm 2012, 2013). Căn cứ Văn bản số 930/ĐTĐL-QHCP, ngày 10/10/2014 của Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương thì CTCP Đầu tư và kinh doanh điện 586 đã thuộc diện “xem xét quyết định tạm thời thu hồi giấy phép hoạt động điện lực”. 
 
Đã đến lúc phải có biện pháp kiên quyết từ các cơ quan chức năng đối với những đơn vị không chấp hành thực hiện chính sách DVMTR theo Nghị định 99 của Chính phủ. Đây vừa là trách nhiệm về pháp lý vừa tạo tính công bằng, lành mạnh trong môi trường kinh doanh. Ngày 27/10/2015, Bộ NN&PTNT cũng ban hành Văn bản 8826/BNN-TCLN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát các đơn vị sử dụng DVMTR còn nợ tiền DVMTR để có biện pháp kiên quyết. Với tinh thần này, ngày 18/11/2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã ký Văn bản số 7049/UBND-LN giao Sở NN&PTNT thực hiện ngay việc rà soát đơn vị sử dụng DVMTR chưa ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR, hoặc đã ký hợp đồng nhưng còn nợ tiền DVMTR, theo đó có biện pháp kiên quyết.
 
MINH ĐẠO