Lâm Đồng đối diện nguy cơ khô hạn

09:12, 03/12/2015

Nắng nóng kéo dài, lượng mưa quá ít khiến tỉnh Lâm Đồng đứng trước nguy cơ bị khô hạn gay gắt. Chính vì vậy, công tác chống hạn được triển khai thực hiện ngay đến từng địa phương, đơn vị và nhân dân nhằm chủ động tích cực và giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra.

Nắng nóng kéo dài, lượng mưa quá ít khiến tỉnh Lâm Đồng đứng trước nguy cơ bị khô hạn gay gắt. Chính vì vậy, công tác chống hạn được triển khai thực hiện ngay đến từng địa phương, đơn vị và nhân dân nhằm chủ động tích cực và giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra.
 
Nhiều địa phương có nguy cơ xảy ra hạn hán
 
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn, mùa mưa năm nay ở Lâm Đồng kết thúc sớm, lượng mưa cũng thấp hơn hẳn mọi năm. Thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho nguồn nước ngầm và mực nước ao hồ, sông suối bắt đầu khô cạn, nhiều nơi lâm vào cảnh khô hạn, thiếu nước sản xuất trầm trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có 426 công trình thủy lợi (217 hồ chứa và liên hồ chứa, 86 đập dâng, 19 trạm bơm, 92 đập tạm, 12 kênh tiêu). Trong đó, nhiều hồ chứa đang có mực nước khá thấp so với cùng kỳ năm 2014.  
 
Theo kế hoạch sản xuất, tổng diện tích gieo trồng trên đại bàn toàn tỉnh năm 2016 là 347.610,4ha. Tại thành phố Đà Lạt, kế hoạch gieo trồng năm 2016 là 19.317,5ha. Những công trình hàng năm luôn thiếu nước như Đa quý, Lộc Quý, Vạn Thành. Dự báo khoảng 1.259ha diện tích gieo trồng hoa màu bị hạn hán nên sẽ không canh tác vào vụ Đông Xuân này. Tương tự huyện Bảo Lâm, kế hoạch gieo trồng năm 2016 là 48.904,4ha, chủ yếu là cây chè và cà phê, trong khi các công trình thủy lợi chỉ đảm bảo phục vụ tưới khoảng 5.130ha chè, cà phê và nguồn nước tự nhiên sông, suối, ao, hồ nhỏ đảm bảo tưới khoảng 14.200ha. Tuy nhiên, theo dự báo, nếu hạn hán kéo dài thì 14.200ha chè, cà phê sẽ bị thiếu nước tưới vào tháng 3/2016. Huyện Di Linh có khoảng 9.500ha đất sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời sẽ bị hạn nặng vào năm 2016, còn tại huyện Đức Trọng, khu vực có khả năng xảy ra hạn là những xã không có công trình thủy lợi hoặc có công trình hồ chứa nhỏ nhưng không đủ nước tưới như Tân Hội, Tân Thành, Ninh Loan, Đà Loan, Tà Năng, Đa Quyn, Tà Hine, Ninh Gia... Theo ông Phan Công Ngôn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, nguyên nhân xảy ra hạn hán này là do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa khu vực Tây Nguyên bị thiếu hụt 20-50%. Mùa khô với những biểu hiện nhiệt độ tăng và kéo dài, lượng mưa toàn mùa khô thấp, nắng nhiều cộng với gió mạnh khiến độ ẩm thấp và bốc hơi cao dẫn tới sự mất cân bằng giữa lượng nước tưới và lượng nước thất thoát do bốc hơi. Lâm Đồng có địa hình cao, dốc, sông ngắn, dòng mặt thoát khá nhanh ra dòng chính, đất đá có khả năng chứa nước kém, cộng với các công trình trữ nước, giữ nước để điều hòa, phân phối hợp lý nguồn nước mùa mưa cho mùa khô chưa đáp ứng được nhu cầu dùng nước trong mùa khô. Các công trình thủy lợi bị xói mòn, bồi lắng lòng hồ, bồi lấp kênh mương ảnh hưởng đến nhiệm vụ công trình và tiêu tốn kinh phí nạo vét. Thêm nữa, công tác đầu tư mới các công trình thủy lợi theo quy hoạch, sửa chữa, nâng cấp, nạo vét các công trình thủy lợi hiện có còn hạn chế nên không bảo trì, tích trữ nước và phân phối hợp lý nguồn nước trong năm cho các nhu cầu sử dụng. Môi trường tự nhiên bị phá vỡ do chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy và tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số đã làm cho nguy cơ xảy ra hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn.
 
Hồ chứa nước có mực nước khá thấp
Hồ chứa nước có mực nước khá thấp
 
Nhiều giải pháp chống hạn
 
Trước tình trạng hàng loạt hồ chứa bị thiếu hụt nước, Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện và thành phố chỉ đạo các phòng, ban, chuyên môn tăng cường phối hợp với các đơn vị quản lý khai thác công trình để xác định khả năng cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi, từ đó có những phương án bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước. Đồng thời, chú trọng kiểm tra, tu bổ các hồ đập, hệ thống kênh mương và những công trình thủy lợi trọng yếu. Ông Phan Công Ngôn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho rằng, trước mắt cần chủ động bố trí nguồn vốn địa phương để sửa chữa khắc phục các công trình thủy lợi nhỏ do địa phương quản lý để phục vụ hiệu quả, huy động nguồn lực của nhân dân để khai thông luồng lạch, nạo vét kênh mương nội đồng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng ít sử dụng nước, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, hỗ trợ nhân dân sử dụng các máy bơm của hộ gia đình bơm nước từ các khe suối, ao hồ để phục vụ chống hạn; đào giếng và các ao hồ nhỏ để cấp nước tưới... Đối với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, phải thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, mực nước hồ các hồ chứa, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để lập kế hoạch sản xuất, khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những nơi bấp bênh không chủ động được nguồn nước tưới. Thường xuyên duy tu bảo dưỡng máy móc, thiết bị tại các trạm bơm, van điều tiết nước, máy đóng mở để quản lý chặt chẽ, điều tiết hợp lý nguồn nước; sửa chữa gấp những công trình hư hỏng nặng không thể truyền tải nước và nạo vét hồ chứa, kênh mương. Đồng thời thực hiện cấp nước tưới tiết kiệm, hạn chế tối đa thất thoát nước qua công trình hồ đập, kênh mương và áp dụng phương thức tưới nông lộ (tưới xong, khi khô đất mới tưới lại) kết hợp. Đối với các đơn vị nhận nước, ông Ngôn đề nghị phải sử dụng nước tiết kiệm, tưới ướt - khô xen kẽ.
 
Trong năm 2015, Trung tâm Quản lý và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng đã tiến hành nạo vét, sửa chữa 40 công trình thủy lợi ở các địa phương với tổng nguồn vốn hơn 13 tỷ đồng. Trong thời gian tới, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các hồ chứa như Đông Thanh, Ka Zam, Ta Hoét, Hiệp Thuận, Đạ Sị và xây mới một số công trình thủy lợi trọng điểm nhằm trữ nước, điều hòa và phân phối nguồn nước trong năm cho các nhu cầu sản xuất nông nghiệp để chủ động đối phó với nguy cơ nắng hạn khốc liệt trong năm 2016.
 
HOÀNG YÊN