Lãng phí công trình tiền tỷ!

09:12, 28/12/2015

Với kinh phí đầu tư lên đến 17 tỷ đồng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Bảo Lâm đã được xây dựng với quy mô quá "đồ sộ", vượt xa nhu cầu về đào tạo nghề hiện tại và cả những năm tiếp theo của huyện Bảo Lâm. Điều này đã gây nên sự lãng phí rất lớn khi công năng của Trung tâm không thể sử dụng hết.

Với kinh phí đầu tư lên đến 17 tỷ đồng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Bảo Lâm đã được xây dựng với quy mô quá “đồ sộ”, vượt xa nhu cầu về đào tạo nghề hiện tại và cả những năm tiếp theo của huyện Bảo Lâm. Điều này đã gây nên sự lãng phí rất lớn khi công năng của Trung tâm không thể sử dụng hết.     
 
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Bảo Lâm
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Bảo Lâm

Sau hơn 4 năm thi công, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Bảo Lâm đã chính thức đi vào hoạt động cách đây 3 tháng. Thế nhưng, từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm chỉ mới tổ chức được 2 lớp đào tạo nghề nông thôn với 54 học viên theo học. Ngay cả 2 lớp này cũng phải “gượng ép” mới đưa vào Trung tâm mở lớp được. Bởi lẽ, nhu cầu đào tạo nghề nông thôn hiện tại của người lao động chủ yếu là phải mở lớp ngay tại các xã. Trong khi đó, xét về vị trí, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Bảo Lâm lại nằm xa trung tâm thị trấn Lộc Thắng mà cũng chẳng gần các xã hay một cụm xã nào. 
 
Ông Nguyễn Đức Thuận, người mới được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Bảo Lâm, cho biết: “Khi lập Dự án, Trung tâm được xây dựng với chủ đích “đón đầu” Dự án Bauxite. Do đó, việc chọn vị trí như hiện nay cho Trung tâm mới nằm gần Nhà máy Alumin nhưng lại xa trung tâm huyện và các xã. Điều này đã gây trở ngại rất lớn trong việc tổ chức các lớp đào tạo nghề. Ngoài ra, quy mô của Trung tâm cũng quá lớn so với nhu cầu đào tạo thực tế. Tuy nhiên, hiện Trung tâm vẫn phải làm thủ tục xin tiếp tục đầu tư các hạng mục như đường nội bộ, sân, hệ thống thoát nước, vì nếu không có các hạng mục này thì ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Trung tâm”. 
 
Theo dự toán, tổng kinh phí để đầu tư Trung tâm gần 29,7 tỷ đồng. Đến nay, Trung tâm đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng khối phòng học 2 tầng, gồm 2 dãy với 12 phòng vừa học lý thuyết vừa thực hành và khối hành chính 2 tầng… Ngoài ra, Trung tâm cũng đã đầu tư kinh phí để mua sắm trang thiết bị như: bàn ghế, máy may công nghiệp, thiết bị sửa chữa điện, sửa chữa động cơ nổ… Với quy mô đó, mỗi năm, Trung tâm có khả năng đào tạo từ 200 - 250 lao động. Con số này chắc chắn sẽ khó có thể thực hiện được. Theo ông Thuận, do đã “lỡ” đầu tư với quy mô quá lớn, nên hiện tại phải tìm hướng đi phù hợp để tránh lãng phí cơ sở vật chất của Trung tâm. Định hướng trong thời gian tới, Trung tâm sẽ kêu gọi các đối tác trong và ngoài tỉnh cùng liên doanh, liên kết để mở các lớp đào tạo nghề. Hiện, Trung tâm đã làm việc với 2 công ty may mặc tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để hợp tác với hình thức cho thuê lại cơ sở vật chất để các công ty mở phân xưởng. Làm được điều này sẽ vừa giải quyết được công tác đào tạo nghề, vừa thu hút được lao động nhàn rỗi tại địa phương. 
 
Với diện tích đất gần 45.000m 2, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Bảo Lâm tọa lạc trên một khuôn viên rộng và được xây dựng bề thế. Tuy nhiên, điều đáng buồn là trái với sự hoành tráng của cơ sở vật chất là sự vắng vẻ đến nao lòng bóng dáng của các học viên. Rồi đây, Trung tâm xây dựng “đón đầu” này còn sẽ gây lãng phí lớn, nếu không tìm được một hướng đi đúng đắn.
 
ĐÔNG ANH