Ô nhiễm nguồn nước do chế biến cà phê

09:12, 09/12/2015

Một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là do từ một số cơ sở chế biến (CSCB) cà phê. 

Một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là do từ một số cơ sở chế biến (CSCB) cà phê. Số liệu chưa thống kê đầy đủ do ông La Thiện Luân - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT) cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 30 CSCB cà phê theo công nghệ ướt. Trong đó, mật độ nhiều cơ sở nhất là tại xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt và qua giám sát 24/24 giờ tại khu vực xả thải của 11 CSCB thì có 4 cơ sở vi phạm. 
 
 Cơ sở chế biến cà phê Thành Tâm (Tà Nung) cả 5 thông số đều có chất thải nguy hại vượt chuẩn cho phép
Cơ sở chế biến cà phê Thành Tâm (Tà Nung) cả 5 thông số đều có chất thải nguy hại vượt chuẩn
cho phép

Xả nước thải chưa xử lý ra môi trường
 
Sau thời gian theo đoàn các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan làm việc tại các CSCB cà phê ướt tại xã Tà Nung, ngày 7/12, chúng tôi đã trao đổi với Phó Giám đốc Sở TN&MT Lương Văn Ngự. Và chúng tôi đã có những thông tin chính thức: Trong 11 CSCB có 1 cơ sở không hoạt động là hộ kinh doanh Trần Thỏa ở tổ 1, thôn 6, còn lại 10 cơ sở vẫn hoạt động. Về hồ sơ pháp lý, cả 11 cơ sở đều có, trong đó Công ty TNHH XNK Thúy Thuận Đà Lạt (tổ 13, thôn 1) có hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM); 10 công ty, cơ sở còn lại có Bản cam kết bảo vệ môi trường. Về thực tế, 10 đơn vị (trừ hộ kinh doanh Trần Thỏa) có hệ thống xử lý nước thải, nhưng chỉ có 3 cơ sở lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước là Công ty TNHH XNK Thúy Thuận Đà Lạt, Công ty TNHH Tuấn Thoa Đà Lạt và Công ty TNHH Mai An Phú (cùng tổ 2, thôn 2). Đặc biệt, 4 cơ sở có hành vi vi phạm về pháp luật bảo vệ môi trường. Cụ thể, 3 cơ sở không vận hành hệ thống xử lý nước thải trong quá trình sản xuất và xả thải trực tiếp nước thải sản xuất chưa xử lý ra môi trường gồm: Công ty TNHH cà phê Toán Tựa (tổ 13, thôn 1); Công ty TNHH cà phê Thành Tâm (tổ 4, thôn 2) và Công ty TNHH Hà Nhẫn Đà Lạt (tổ 20, thôn 4). Công ty TNHH Phước Kiến Đà Lạt (tổ 4, thôn 2) có vận hành hệ thống xử lý nước thải trong quá trình sản xuất, tuy nhiên chất lượng nước thải sau xử lý có một số thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn xả thải. Chứng kiến đoàn kiểm tra lập biên bản, tuy thừa nhận vi phạm nhưng đại diện cơ sở Phước Kiến cho rằng “đã làm hết cách nhưng chắc do hệ thống thiết bị” (?), còn đại diện cơ sở Thành Tâm lại giải thích khá khôi hài: “chỉ mới sản xuất một ít nên thiết bị tháo ra mà không lắp vào” (!). 
 
Dẫu giải thích thế nào thì nguồn nước ngoài môi trường đã bị ô nhiễm do các CSCB cà phê theo công nghệ ướt ở Tà Nung xả thải vượt quy chuẩn Việt Nam đang là thực tế. Ông Lương Văn Ngự cho biết: Sở TN&MT đang tiến hành lập các thủ tục để xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định đối với 4 cơ sở này. 
 
Kiểm tra giám sát hết mùa cà phê
 
Như đã nêu, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có rất nhiều CSCB cà phê theo công nghệ ướt, ngoài tại xã Tà Nung còn tập trung nhiều ở các xã của huyện Lâm Hà như Mê Linh, Gia Lâm… và một số khác ở huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương… Mùa cà phê chưa kết thúc cũng có nghĩa là môi trường nước vẫn chưa hết bị đe dọa ô nhiễm. Vì vậy, đồng thời với công tác tích cực kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, các địa phương cần tuyên truyền tốt hơn và kiên quyết yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh và chế biến cà phê tuyệt đối không được xả thải nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đảm bảo quy chuẩn ra môi trường. Mặt khác, phải buộc các cơ sở lắp đặt đồng hồ điện riêng cho hệ thống xử lý nước thải để theo dõi quá trình hoạt động của hệ thống; lắp đặt đồng hồ nước để theo dõi lưu lượng nước thải sau xử lý xả thải ra môi trường. Một trong những giải pháp có tính ràng buộc đối với các cơ sở nữa là cơ sở phải lập và ghi chép chi tiết sổ nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải với những nội dung theo quy định như số lượng điện kế và thủy kế xả thải, tình trạng hệ thống xử lý nước thải, tình hình sản xuất…
 
Đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm có hệ thống cần xử lý vi phạm nghiêm theo luật định. Theo đó, tỉnh chỉ đạo các chính quyền địa phương giao các phòng chức năng tiến hành kiểm tra giám sát tình hình khắc phục các hành vi vi phạm của cơ sở. Qua thực trạng về môi trường trên các địa bàn tỉnh có CSCB cà phê cho thấy vai trò của các phòng chức năng của các huyện, thành phố trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường rất cần thường xuyên phải chú trọng. Theo đó, UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn theo quy định tại Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
 
MINH ĐẠO