Rào đường đi chờ tiền đền bù!

10:12, 07/12/2015

Nhiều tháng nay, việc đi lại của 12 hộ dân ở thôn Lộc Châu 2, xã Tân Nghĩa, Di Linh (khu vực đường tránh ngập ven hồ Thủy điện Đồng Nai 2) gặp rất nhiều khó khăn. Tuy đường đã hoàn thành, nhưng do công tác đền bù chậm, nên một số hộ dân bức xúc và rào đường đi để chờ tiền đền bù. 

Nhiều tháng nay, việc đi lại của 12 hộ dân ở thôn Lộc Châu 2, xã Tân Nghĩa, Di Linh (khu vực đường tránh ngập ven hồ Thủy điện Đồng Nai 2) gặp rất nhiều khó khăn. Tuy đường đã hoàn thành, nhưng do công tác đền bù chậm, nên một số hộ dân bức xúc và rào đường đi để chờ tiền đền bù. 
 
Đoạn đường bị rào
Đoạn đường bị rào

Khi chặn dòng, tích nước hồ Thủy điện Đồng Nai 2 (9/2013), nước đã ngập toàn bộ tuyến đường dân sinh tại khu vực sản xuất ven hồ, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân, nhất là vận chuyển nông sản, phân bón. Trước thực trạng này, ngày 30/10/2013, UBND huyện Di Linh đã tổ chức cuộc họp bàn, giải quyết việc thi công đường vào khu sản xuất ven hồ Thủy điện Đồng Nai 2; sau đó, có văn bản số 1573/UBND gửi các ngành chức năng liên quan và Công ty CP Thủy điện Trung Nam về việc khẩn trương khảo sát, thi công đường vào khu sản xuất ven hồ Thủy điện Đồng Nai 2. Nhận thấy việc mở đường là vấn đề cấp thiết, UBND huyện yêu cầu Công ty CP Thủy điện Trung Nam phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban của huyện và xã Tân Nghĩa trong việc khảo sát thực địa, lập thiết kế và thi công công trình. Đường vào khu sản xuất ven hồ Thủy điện Đồng Nai 2 được chia làm 4 nhánh, chiều dài 3,7km (kinh phí đầu tư từ ngân sách của huyện gần 3 tỷ đồng). Để mở được các tuyến đường nói trên, Nhà nước phải thu hồi gần 2,2ha đất sản xuất và cây trồng của 46 hộ dân ở các thôn Lộc Châu 2, Lộc Châu 3 và Gia Bắc 2.
 
Trước thực trạng trên, sau khi họp xây dựng khung giá đất và trình lên UBND tỉnh thẩm định và phê duyệt, chiều ngày 3/12/2015, lãnh đạo UBND huyện Di Linh và UBND xã Tân Nghĩa đã có buổi làm việc với 12 hộ dân (nhánh 3) để chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn chung của địa phương. Theo đó, trước mắt UBND huyện sẽ tạm ứng kinh phí dự phòng 150 triệu đồng để chi trả cho hộ ông Đinh Văn Tươi (80 triệu đồng) và Nguyễn Văn Thượng (70 triệu đồng). Riêng các hộ còn lại huyện sẽ cố gắng chi trả trong thời gian sớm nhất.
Trong quá trình thực hiện, người dân đều đồng thuận theo phương án mà huyện đưa ra, là phóng tuyến trước và chi trả tiền đền bù sau. Tuy nhiên, những năm qua, do huyện Di Linh khó khăn về nguồn thu và cân đối ngân sách, nên đến 31/12/2014, chỉ mới chi trả xong số tiền trên 500 triệu đồng đền bù cây trồng. Riêng diện tích đất, đến thời điểm này, huyện vẫn chưa đền bù xong cho dân.
 
Trong số những hộ bị thu hồi đất để mở đường, các hộ ông Đinh Văn Tươi, Nguyễn Văn Thượng, Nguyễn Đức Cường có diện tích đất nhiều nhất (hơn 1 sào). Gia đình ông Đinh Văn Tươi có 1,5ha cà phê ven hồ Thủy điện Đồng Nai 2, nhưng không nằm trong diện được đền bù do thu hồi đất để xây dựng công trình thủy điện. Trước những khó khăn chung về đường đi của bà con trong vùng và được UBND xã Tân Nghĩa vận động, gia đình ông Tươi đã “hy sinh” 1,1 sào cà phê đã cho thu hoạch ổn định để mở đường. “Gia đình tôi không liên quan gì đến việc đền bù từ Thủy điện Đồng Nai 2 và đường đi (vì đã có lối đi riêng). Từ khi mở đường, đến nay đã 3 mùa thu hoạch cà phê rồi, nhưng Nhà nước vẫn chưa đền bù đất cho gia đình. Từ năm 2014 đến nay, gia đình tôi cũng đã làm việc nhiều lần với xã, huyện nhưng vẫn chưa có kết quả. Khi nào Nhà nước đền bù đất thì lúc đó gia đình tôi sẽ mở đường cho bà con đi” - ông Đinh Văn Tươi nói.
 
Thời gian qua, do không có đường đi, nên đời sống, sinh hoạt và đưa đón con em đến trường của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, hiện đã vào mùa thu hoạch cà phê, nhưng do không có đường đi, nên muốn vận chuyển hàng nông sản bà con phải thuê đò, thuyền với chi phí cao và không đảm bảo an toàn. 
 
Ông Đỗ Văn Sướng, thôn Lộc Châu 2, trăn trở. “Hiện tại, bà con chúng tôi đang đi tạm con đường mòn dốc, đá rất khó đi. Thu hoạch cà phê không vận chuyển ra ngoài được, nếu đi bằng ghe, thuyền thì chi phí khá cao, chỉ vài trăm mét mất 25.000 đồng/người và xe máy/1 chuyến; muốn vận chuyển hàng nông sản thì phải mất chi phí trên 100.000 đồng/tấn/chuyến, nhưng mất nhiều thời gian bốc vác. Tôi mong muốn chính quyền địa phương từ huyện đến xã cần có phương án sớm mở con đường cho dân đi, tạo điều kiện cho người dân chúng tôi thuận lợi hơn trong việc sinh hoạt, đi lại và sản xuất”. 
 
Việc người dân đòi hỏi trả tiền đền bù là hoàn toàn chính đáng. Thiết nghĩ, Công ty CP Thủy điện Trung Nam cũng cần có trách nhiệm chia sẻ những khó khăn mà chính quyền địa phương gặp phải trong việc giải quyết những hệ lụy từ việc xây dựng công trình Thủy điện Đồng Nai 2.
 
NDONG BRỪM