Khoai tây nghịch vụ

09:12, 02/12/2015

Trồng khoai tây nghịch vụ, năng suất giảm chỉ bằng khoảng một nửa, nhưng bù lại là giá thành cao hơn khoai tây chính vụ nên so với nhiều loại cây trồng khác, xét về lý thuyết, đây vẫn là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. 

Trồng khoai tây nghịch vụ, năng suất giảm chỉ bằng khoảng một nửa, nhưng bù lại là giá thành cao hơn khoai tây chính vụ nên so với nhiều loại cây trồng khác, xét về lý thuyết, đây vẫn là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, trồng khoai tây trong mùa mưa thường không là sự lựa chọn của nông dân Đà Lạt (và một số huyện khác trên địa bàn lân cận Đà Lạt) vì hiệu quả kinh tế không bằng nhiều loại cây trồng đặc sản Đà Lạt mang tính chính vụ trong những tháng mùa mưa. Bởi vậy, để lấp vào “khoảng trống” mùa mưa, vấn đề đặt ra trong lúc này là làm thế nào để nghiên cứu, lai tạo, sản xuất được các giống khoai tây thích nghi với điều kiện mùa mưa của Đà Lạt - Lâm Đồng.
 
Mới đây, tại phường 7 (Đà Lạt), một nông dân tên là Nguyễn Văn Khải đã tự mày mò, đọc tài liệu, nghiên cứu thực tế… để trồng thành công 1.000m 2 khoai tây trái vụ. Theo ông Khải, trồng khoai trong mùa mưa đúng là “quá khổ cực”, vì nếu chỉ cần “sai một quy trình thôi” là coi như cả vụ mất trắng. Mới đây, trên diện tích 1.000m 2 này, ông Khải thu hoạch được 1,3 tấn (tương đương năng suất 13 tấn/ha; trong khi, khoai tây chính vụ có năng suất bình quân 32 tấn/ha); bán với giá 18.000 đồng/kg - có cao hơn khoai chính vụ nhưng không đáng kể. Cũng theo nhiều nhà vườn Đà Lạt, việc trồng khoai tây trái vụ chẳng qua chỉ là “làm chơi cho biết” chứ còn xét về hiệu quả kinh tế thì loại cây trồng này không cao. Tuy nhiên, vấn đề muốn nói ở đây là, thông qua “mô hình” của ông Khải, có thể thấy Đà Lạt trong mùa vẫn có thể trồng được khoai tây chứ không phải không trồng được như “cách hiểu” của nhiều người xưa nay. Có điều, trong mùa mưa, Đà Lạt cần một hoặc một số giống khoai tây hoàn toàn mới có đủ khả năng để thích nghi với điều kiện của vùng đất này. Cách nay chưa lâu, một giống khoai tây có tên là Atlantic được “quảng cáo” là giống khoai tây mới, phù hợp với điều kiện mùa mưa Đà Lạt đã được đưa ra trồng thử nghiệm ở một số địa phương của Lâm Đồng như Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng… Về sau, giống khoai tây nhập về từ Mỹ này dần dần bộc lộ những bất lợi.
 
Hàng năm, Lâm Đồng canh tác khoảng 1.500 - 1.600ha khoai tây (trồng chủ yếu ở Đà Lạt và hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng), được trồng chủ yếu trong mùa khô (tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau); sản lượng hàng năm đạt khoảng 35.000 tấn. So với nhu cầu của thị trường, con số 35.000 tấn mỗi năm này là quá nhỏ, chỉ được tiêu thụ ngay sau khi thu hoạch. Như vậy, 6 tháng còn lại của mùa mưa là một khoảng trống để khoai tây Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Đà Lạt. Việc Đà Lạt trồng được khoai tây trong mùa mưa, cần có những giống mới và một quy trình canh tác mới. Thứ giống mới ấy, có thể được lai tạo từ nghiên cứu của các nhà khoa học. Xem ra, đã đến lúc các nhà khoa học “xắn tay áo” một cách thực sự rồi!    
               
THI HOÀNG