Gia đình văn hóa và những nghi ngại về văn hóa

09:12, 23/12/2015

Những ngày qua, có dịp đến các hội nghị tổng kết 15 năm (2000 - 2015) thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tôi được nghe hàng loạt những con số ấn tượng. 

Những ngày qua, có dịp đến các hội nghị tổng kết 15 năm (2000 - 2015) thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tôi được nghe hàng loạt những con số ấn tượng. 
 
Nổi bật nhất là về số gia đình, thôn, tổ dân phố (gọi tắt là khu dân cư), cơ quan đạt chuẩn văn hóa. Tại huyện Di Linh, tỷ lệ gia đình văn hóa chiếm gần 90% (trên 33.000 gia đình). Các cơ quan đạt chuẩn văn hóa của huyện này cũng chiếm tỷ lệ rất cao (153/156, đạt trên 98%). Ngoài ra, Di Linh còn có 4 xã đạt xã văn hóa nông thôn mới và 166/203 khu dân cư văn hóa. Ở Bảo Lâm, toàn huyện đã có 24.503 gia đình văn hóa, chiếm 86%, 3 xã đạt xã văn hóa nông thôn mới, 128/134 khu dân cư văn hóa và 106/129 cơ quan văn hóa. Ngoài ra, huyện Bảo Lâm còn có 49 câu lạc bộ gia đình văn hóa, 58 câu lạc bộ thể dục thể thao, 4 nhà văn hóa cấp xã, 98 nhà sinh hoạt cộng đồng, 14 sân bóng đá mini, 56 sân bóng chuyền và 1 Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện... Tỷ lệ gia đình văn hóa của Bảo Lộc, qua 15 năm xây dựng, năm nay, tỷ lệ này đã tăng lên 90% (33.749 gia đình). Hiện tại, TP Bảo Lộc có 156/160 khu dân cư văn hóa (tỷ lệ 76,5%), 205 cơ quan văn hóa và 120/160 khu dân cư có nhà sinh hoạt cộng đồng (tỷ lệ 70%). 
 
Cứ theo những số liệu này, có thể nói rằng, các địa phương trên, danh xưng văn hóa đã “phủ sóng” gần như toàn bộ đời sống. Thế nhưng, đó đây vẫn có những ánh nhìn nghi ngại về thực chất văn hóa và trình độ văn hóa của người dân hiện nay. Bởi, cách đây chưa lâu, trên địa bàn huyện Bảo Lâm xảy ra một vụ trọng án, gây hoang mang dư luận. Hung thủ Kiều Quốc Huy (27 tuổi, ngụ tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã giết anh Hoàng Thế Vinh (35 tuổi, ngụ tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để cướp ô tô Innova và một số tài sản khác, rồi chôn xác tại đồi thông (cạnh Tỉnh lộ 725, thị trấn Lộc Thắng). Trong quá trình điều tra, mở rộng vụ án, hung thủ Kiều Quốc Huy khai nhận: Trước đó, Huy đã ra tay sát hại vợ chồng anh Đỗ Hoàng Bình (31 tuổi) và chị Phạm Thị Mỹ Hạnh (cùng ngụ tại tổ 15, thị trấn Lộc Thắng). Khám xét khẩn cấp nhà hung thủ này thuê trọ (ở phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc), Cơ quan điều tra phát hiện, thu giữ 6 khẩu súng, hơn 80 viên đạn và các vật dụng liên quan khác. Hiện, Công an tỉnh Lâm Đồng đang điều tra, mở rộng vụ án. Mới đây, chỉ vì mâu thuẫn trong lúc uống rượu, anh trai Trương Thanh Hoàng (49 tuổi) đã dùng dao sát hại em ruột Trương Thế Hùng (47 tuổi). Cả hai anh em đều ngụ tại tổ dân phố 7, thị trấn Di Linh (huyện Di Linh)… 
 
Những chuyện cộm cán, xảy ra án mạng thì như thế. Những chuyện đời thường thì hôm nay bắt gặp một vài trường hợp người tham gia giao thông coi chuyện vượt đèn đỏ là bình thường; ngày mai thấy cảnh giành quyền vào trụ ATM để giao dịch trước; ngày nọ lại thấy việc giành nhau để được đổ xăng trước... Cũng có người than phiền: Hiện tại, có một bộ phận cán bộ ở các cơ quan công quyền, không ít lần gây sách nhiễu, phiền hà trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Tất cả những chuyện như thế, từ việc xảy ra án mạng cho đến những việc vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông, hút thuốc lá nơi công cộng… có thể gọi là gì, nếu không phải là thiếu văn hóa, phản văn hóa? 
 
Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa  - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, có kể câu chuyện: “Chuyện xảy ra ở Đà Lạt. Một cán bộ khu phố đến nhà người dân để đưa giấy chứng nhận “gia đình văn hóa”. Gia chủ không có nhà, thế là cán bộ khu phố bèn cuộn tròn tờ giấy lại và... ném vào bên trong cổng”. Câu chuyện mà bà Nguyên kể tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của thành phố Bảo Lộc hết sức đơn giản, nhưng đằng sau đó lại là cả một vấn đề lớn về thái độ ứng xử và câu hỏi được đặt ra là: Bao giờ thì giấy chứng nhận “gia đình văn hóa” nhận được sự tôn trọng của người trao và người nhận? 
 
Trong những lần trà dư tửu hậu, chứng kiến nhiều chuyện đời trái khoáy, ông bạn vong niên của tôi, nguyên là Giám đốc Sở, tiếc nuối: “Thời của chúng tôi, nghèo thì nghèo thật, khổ thì khổ thật, nhưng được cái là con người sống tử tế, có tình!”. Tôi tò mò hỏi: “Vậy, thời của các bác có danh hiệu gia đình văn hóa không ạ?”. Ông bạn vong niên cười: “Thời ấy, nghèo đến mức ai cũng chỉ lo cái ăn, cái mặc. Đủ ăn, đủ mặc là mừng rồi. Còn danh xưng cao quý ấy, mọi người chưa nghĩ tới!”. 
 
Thầy tôi năm nay 74 tuổi, cái tuổi mà theo lẽ thường, rất đáng nhận được sự kính trọng. Thế nhưng, có dịp cùng thầy đi bộ trên hè phố, tôi để ý và không khỏi ái ngại khi phải chứng kiến chưa bao giờ các cô, cậu sinh viên của Trường Đại học Đà Lạt có nhã ý nhường đường đi cho thầy. Ngược lại, thầy tôi luôn là người chủ động nhường đường đi cho các cô, cậu sinh viên. Gặp những trường hợp như vậy, thầy tôi thường hài hước: “Ngày trước, kính lão thì đắc thọ. Còn ngày nay, phải kính trẻ mới được đắc thọ. Vì mình mà không nhường, có lẽ nó đánh cho!”. 
 
Với cách hành xử như vậy, liệu những cô, cậu sinh viên này, đi học là để tìm kiếm phẩm vị làm người, một con người biết rung động, biết cảm thông chia sẻ hay là để làm người... vô văn hóa? 
 
Những câu hỏi về văn hóa luôn đặt ra, không mới mà cũng chẳng cũ!                    
 
TRỊNH CHU