Thêm 1 vụ tranh chấp đường đi ở xã Tân Nghĩa!

08:12, 16/12/2015

Bà Mai Thị Thủy (trú tại nhà số 14, đường Đoàn Thị Điểm, thị trấn Di Linh) đại diện cho 7 hộ dân có đất sản xuất cà phê tại thôn Gia Bắc I, xã Tân Nghĩa, làm đơn đề nghị UBND huyện Di Linh giải quyết tranh chấp đường đi chung với ông Lê Văn Chúc.

Bà Mai Thị Thủy (trú tại nhà số 14, đường Đoàn Thị Điểm, thị trấn Di Linh) đại diện cho 7 hộ dân có đất sản xuất cà phê tại thôn Gia Bắc I, xã Tân Nghĩa, làm đơn đề nghị UBND huyện Di Linh giải quyết tranh chấp đường đi chung với ông Lê Văn Chúc. Do UBND xã và các ngành chuyên môn của huyện nhiều lần hòa giải không thành, ngày 1/9/2015, UBND huyện đã ra Quyết định số 1575/QĐ-UBND về việc giải quyết tranh chấp này. Tuy nhiên, Quyết định đó đến nay vẫn chưa được thực thi, 7 hộ dân đang “dở khóc, dở cười” nhìn cà phê đang chín rụng, nhưng không thể hái vì không có cách nào chuyên chở được, do đường đi hiện đang bị đổ đất cao để rào chắn.
 
UBND huyện Di Linh đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng vào sáng 14/12/2015
UBND huyện Di Linh đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng vào sáng 14/12/2015

Bà Mai Thị Thủy và 6 hộ dân có đất cà phê nằm giáp ranh với diện tích đất của ông Lê Văn Chúc tại thửa số 45 (tờ bản đồ 59, xã Tân Nghĩa) có sử dụng đường đi chung dài 157 mét, nay xảy ra tranh chấp. Đường đi này có 2 đoạn: 1 đoạn dài 19 mét và 1 đoạn dài 138 mét. Thửa đất số 45 có nguồn gốc là của bà Nguyễn Thị Thanh Kim sử dụng (được UBND huyện Di Linh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có số hiệu L165412, theo Quyết định số 664/QĐ-UB ngày 26/6/1998). Trong quá trình sử dụng đất, từ năm 1991 - 1992 đã hình thành con đường, chia cắt một phần thửa đất 45. Đến ngày 17/9/2010, bà Nguyễn Thị Thanh Kim chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất số 45 cho vợ chồng ông Lê Văn Chúc. 
 
Từ trước đến nay (kể cả từ lúc bà Kim đang sử dụng và sau này sang nhượng lại cho ông Chúc), tất cả bà con đều đi chung trên đoạn đường này. Đến tháng 5/2015, do xảy ra mâu thuẫn, ông Lê Văn Chúc tự ý rào đường (đổ đất cao) không cho 7 hộ có đất bên trong đi lại (không thể vận chuyển bằng xe máy cày được), vì ông cho rằng, đoạn đường đi này thuộc quyền sử dụng riêng của gia đình ông. Bởi theo ông, tại tờ bản đồ địa chính gốc số 59 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Nguyễn Thị Thanh Kim không thể hiện có con đường đi. Tuy nhiên, đến năm 2007, hệ thống bản đồ cấp bách Tây Nguyên đã thể hiện con đường (đang tranh chấp) như thực trạng hiện tại. Và, theo bản đồ đo đạc năm 2015 cũng thể hiện rõ con đường và chia phần đất ông Lê Văn Chúc đang quản lý, sử dụng thành 2 thửa. 
 
Qua kiểm tra thực tế của các cơ quan chuyên môn của huyện cho thấy, đoạn đường 19 mét (đang tranh chấp) giữa bà Mai Thị Thủy (đại diện cho 7 hộ dân) với ông Lê Văn Chúc là đoạn đầu của con đường và là lối đi duy nhất của các hộ có đất sản xuất cà phê, đã sử dụng ổn định, liên tục trong nhiều năm qua, nhưng chưa được chỉnh lý trên bản đồ địa chính gốc. Các ngành liên quan và chính quyền địa phương đã nhiều lần hòa giải, tổ chức đối thoại, giải thích và vận động gia đình ông Lê Văn Chúc trả lại hiện trạng con đường đi chung, nhưng ông Chúc vẫn không đồng ý. 
 
Quyết định số 1575/QĐ-UBND, ngày 1/9/2015, về việc giải quyết tranh chấp của UBND huyện Di Linh ghi rõ: “Chấp nhận nội dung đơn của bà Mai Thị Thủy yêu cầu giải quyết tranh chấp, trả lại nguyên hiện trạng con đường đi chung…” và “UBND huyện giao UBND xã Tân Nghĩa tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm đường đi của ông Lê Văn Chúc; xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định và buộc hộ ông Lê Văn Chúc giải tỏa rào cản, cây trồng ngăn lối đi... để khôi phục nguyên hiện trạng đường đi chung”. Theo đó, ngày 18/9/2015, UBND xã Tân Nghĩa đã lập “Biên bản vi phạm hành chính” về hành vi “Đào đất, lấn chiếm đất đường đi chung; đổ đất, làm hàng rào ngăn cản lối đi, gây cản trở cho việc sử dụng đất đối với người khác”. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Kếp (vợ ông Lê Văn Chúc, có mặt tại hiện trường) không ký biên bản. 
 
Từ khi có Quyết định số 1575/QĐ-UBND đến nay là đã 3 tháng rưỡi trôi qua, UBND xã Tân Nghĩa và các ngành của huyện đã nỗ lực thực hiện, nhưng vẫn chưa giải quyết được, con đường vẫn bị bế tắc! Một bức xúc nhất hiện nay của 7 hộ dân là không thể hái vì không chuyên chở cà phê ra được! Tại cuộc họp và trực tiếp đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng vào sáng ngày 14/12/2015, UBND huyện đã giao cho các ngành chuyên môn của huyện cùng với UBND xã Tân Nghĩa xúc tiến ngay việc kiểm tra tại hiện trường vào buổi chiều cùng ngày và có hướng đề xuất để UBND huyện chỉ đạo, giải quyết một cách sớm nhất!
 
Nhóm PVBĐ