Thực trạng về tình hình hạn hán ở tỉnh Lâm Đồng

09:12, 24/12/2015

Như chúng ta đã biết, hạn xảy ra ở hầu hết các vùng khí hậu, ở vùng mưa nhiều cũng như mưa ít. Tuy ít khi là nguyên nhân trực tiếp gây tổn thất về con người, nhưng thiệt hại do hạn gây ra rất lớn. Trong những năm gần đây hạn hán xảy ra liên tục trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng. 

Như chúng ta đã biết, hạn xảy ra ở hầu hết các vùng khí hậu, ở vùng mưa nhiều cũng như mưa ít. Tuy ít khi là nguyên nhân trực tiếp gây tổn thất về con người, nhưng thiệt hại do hạn gây ra rất lớn. Trong những năm gần đây hạn hán xảy ra liên tục trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Trong vụ Đông xuân năm 1997-1998, hạn hán xảy ra trên diện rộng với quy mô toàn tỉnh, đã gây suy giảm nguồn nước, dẫn tới tình trạng thiếu nước cho toàn tỉnh. 
 
 Nông dân Lâm Hà - vùng cà phê trọng điểm của tỉnh, tập trung chống hạn. Ảnh: Thụy Trang
Nông dân Lâm Hà - vùng cà phê trọng điểm của tỉnh, tập trung chống hạn. Ảnh: Thụy Trang

Những thiệt hại khác chưa thống kê và tính toán hết được như vấn đề kinh tế, môi trường, xói mòn, sa mạc hóa, thiếu ăn, suy dinh dưỡng, khủng hoảng tinh thần và giảm sút sức khỏe của hàng triệu người. Những tác động tiêu cực của con người trong thời gian qua đã làm thay đổi đáng kể quy luật khí hậu và dòng chảy tự nhiên, đồng thời làm gia tăng mức độ nguy hiểm của thiên tai. 
 
Qua thống kê tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ năm 1990 đến 2013 chúng tôi nhận thấy: Tình trạng hạn hán xảy ra hầu hết các khu vực trong tỉnh, mỗi năm có khoảng từ 1 đến 2 đợt hạn chủ yếu tập trung vào thời kỳ vụ Đông xuân kéo dài từ 1 đến 3 tháng. 
 
Hạn có thể xảy ra liên tục từ 3 đến 4 năm liền. Những năm bị hạn là năm 1990, 1991, 1992, 1993, 1997, 1998, 1999, 2001, 2002, 2005, 2006, 2007, 2008, 2010, 2011, 2012, 2013.
 
Các năm bị hạn nặng nhất là 1997, 1998, 2002, 2006, 2011 và 2012.
 
- Khu vực thường xuyên bị hạn là huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Khu vực khác ít bị hạn là Bảo Lâm và Bảo Lộc.
 
Lâm Đồng là tỉnh thường xuyên xảy ra hạn hán với các mức độ khác nhau. Tổng diện tích những năm bị hạn trong toàn tỉnh thời kỳ vụ Đông xuân phổ biến 34.638ha, bị mất trắng 5.278ha. Thời kỳ vụ Hè thu phổ biến 1.629ha, bị mất trắng 987ha. Hạn thường bắt đầu từ tháng 12 và kết thúc vào cuối tháng 4 trong thời kỳ vụ Đông xuân. Trong thời kỳ vụ Hè thu, đây là hạn dị thường của khu vực Tây Nguyên thường xảy ra với thời gian rất ngắn trong tháng 6, 7 hoặc tháng 8.
 
- Khu vực huyện Đơn Dương: Diện tích bị hạn phổ biến là 700ha, chiếm 11%; diện tích bị mất trắng phổ biến là 493 ha, chiếm 8%.
 
- Khu vực huyện Lâm Hà: Diện tích bị hạn đối với cây trồng hàng năm phổ biến là 556ha, chiếm 29%; diện tích bị mất trắng phổ biến là 342ha, chiếm 18%. Đối với cây công nghiệp, diện tích bị hạn phổ biến là 1.370ha, chiếm 3%.
 
- Khu vực huyện Di Linh: Diện tích bị hạn phổ biến là 1.500ha, chiếm 40%.
 
- Khu vực huyện Đa Huoai: Diện tích bị hạn phổ biến là 4.750ha, chiếm 42%; diện tích bị mất trắng phổ biến là 524ha, chiếm 7%.
 
- Khu vực huyện Đạ Tẻh: Diện tích bị hạn phổ biến trong thời kỳ vụ Đông xuân là 242ha, chiếm 9%; diện tích bị mất trắng phổ biến là 51ha, chiếm 2%. Diện tích bị hạn phổ biến trong thời kỳ vụ Hè thu là 305ha, chiếm 8%; diện tích bị mất trắng phổ biến là 77ha, chiếm 2%.
 
- Khu vực huyện Cát Tiên: Diện tích bị hạn phổ biến trong thời kỳ vụ Đông xuân là 407ha, chiếm 11%; diện tích bị mất trắng phổ biến là 71ha, chiếm 2%. Diện tích bị hạn phổ biến trong thời kỳ vụ Hè thu là 342ha, chiếm 11%, mất trắng phổ biến là 56ha, chiếm 2%.
 
Về mặt khách quan, hạn là do sự biến động của thời tiết toàn cầu, là hiệu ứng nhà kính, hiện tượng El Nino, mưa nắng thất thường hơn, trong đó rõ nét nhất là mùa mưa tập trung hơn với lượng mưa lớn, mùa khô khắc nghiệt hơn do mưa rất ít, thậm chí nhiều mùa khô không hề có mưa, nắng nóng gay gắt.
 
Về mặt chủ quan, do con người ngày càng sử dụng nước nhiều hơn, diện tích trồng trọt tăng nhanh, tăng vụ, tăng hệ số vòng quay của đất, thêm vào đó là nước cho công nghiệp, sinh hoạt, chăn nuôi và bảo vệ môi trường cũng đều tăng lên với tốc độ rất lớn. Do vậy, hạn hán sẽ xuất hiện và ngày càng có nguy cơ ác liệt hơn, gây nhiều thiệt hại lớn hơn cho sản xuất và đời sống người dân trong vùng. 
 
Hiện nay, Lâm Đồng đang là thời kỳ mùa khô (thời gian bắt đầu của tình trạng hạn hán), theo thống kê của chúng tôi, tính đến hết ngày 11/12/2015, hầu hết lượng mưa các trạm trong tỉnh đều ít hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 60 đến 310mm. 
 
Mặt khác, theo nhận định của một số nhà nghiên cứu về ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đến tình trạng hạn hán chung của cả nước mà hiện nay chúng ta đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino mạnh (Theo ông Bùi Minh Tăng (1998), trong 22 năm gần đây, hạn vừa và hạn nặng trên diện rộng xảy ra với chu kỳ từ 2 đến 5 năm, khá phù hợp với các đợt El Nino, trong đó hạn Đông xuân nặng thường xảy ra ở hầu khắp khu vực, còn hạn Hè thu nặng chủ yếu xảy ra ở vùng ven biển Trung Bộ).
 
Điều đó có thể thấy rằng, tình trạng hạn hán vụ Đông xuân năm 2015 - 2016 tại Lâm Đồng là chắc chắn xảy ra. Do vậy, chúng ta cần có những giải pháp một cách hợp lý để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra:
 
- Bố trí cây trồng hợp lý với khí hậu thổ nhưỡng;
 
- Lắp đặt các hệ thống trạm bơm dã chiến ở các khu vực xung yếu để sẵn sàng ứng phó bơm nước khi cần thiết. Trong trường hợp khẩn cấp có thể bơm ở mực nước chết trong các hồ chứa để chống hạn;
 
- Tổ chức huy động các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang trong việc nạo vét kênh rạch khơi thông cống rãnh;
 
- Đào, khoan thêm các giếng khai thác nước ngầm để tăng thêm nguồn nước. Tổ chức thăm dò và khoan một số giếng ở các vùng có khả năng có nguồn nước ngầm;
 
- Điều tiết hợp lý các hồ chứa lớn (hồ Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3 và 4,...) để vừa đảm bảo nhu cầu phát điện vừa tăng được nguồn nước tưới cho hạ du vào thời điểm cần thiết. 
 
Giải pháp lâu dài:
 
- Tăng cường đầu tư các công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa theo quy hoạch được phê duyệt. Quản lý, khai thác đồng bộ và hiệu quả các công trình thủy lợi đảm bảo chống hạn;
 
- Xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ trữ, dâng nước, trong đó ưu tiên xây dựng các hồ chứa nước và đập dâng ở các vùng trong toàn tỉnh;
 
- Hạn chế khai thác khoáng sản, quặng trái phép gây ngập úng mùa lũ và thiếu hụt nước mùa khô;
 
- Thực hiện đúng theo quy hoạch cân bằng nước của các sông suối trong tỉnh, từng bước đầu tư xây dựng thêm các công trình thủy lợi, đặc biệt là hồ chứa để bổ sung nguồn nước về mùa kiệt và tham gia điều tiết lũ vào mùa mưa, yêu cầu khi lập dự án xây dựng các hồ chứa phải tính toán điều tiết nhiều năm nhằm tăng khả năng tích nước;
 
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên môn về tài nguyên, môi trường của các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn để nắm bắt được nội dung các văn bản pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, quản lý hoạt động khai thác nguồn nước hợp lý nói chung và bảo vệ môi trường.
 
KS. Trần Xuân Hiền