Thực hiện Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (Nghị định 61) và Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015 của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH về hướng dẫn thực hiện một số điều về Quỹ quốc gia về việc làm quy định tại Nghị định 61, NHCSXH triển khai cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định 61 của Chính phủ,
Thực hiện Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (Nghị định 61) và Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015 của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH về hướng dẫn thực hiện một số điều về Quỹ quốc gia về việc làm quy định tại Nghị định 61, NHCSXH triển khai cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định 61 của Chính phủ, với một số điểm mới: Đối tượng vay vốn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở SXKD) và người lao động (trước đây là cơ sở SXKD và hộ gia đình).
Điều kiện vay vốn: đối với cơ sở SXKD, phải được thành lập và hoạt động hợp pháp, có dự án vay vốn khả thi thu hút thêm lao động vào việc làm ổn định, có xác nhận của tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án và bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật; đối với người lao động, có đủ năng lực hành vi dân sự, cư trú hợp pháp tại địa phương thực hiện dự án và đặc biệt có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc tạo việc làm cho thành viên trong hộ hoặc thu hút thêm lao động có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Mức vay: đối với cơ sở SXKD, cho 1 dự án vay tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm (trước đây cơ sở SXKD được vay tối đa là 500 triệu đồng/1 dự án và không quá 20 triệu đồng/1 lao động mới được thu hút); đối với người lao động mức vay tối đa là 50 triệu đồng (trước đây là hộ gia đình mức vay tối đa là 20 triệu đồng).
Lãi suất cho vay: Áp dụng như lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định (hiện nay mức lãi suất cho hộ nghèo vay là 6,6%/năm). Đặc biệt, các trường hợp như: người lao động là dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người khuyết tật; cơ sở SXKD sử dụng 30% là người dân tộc thiểu số trở lên, hoặc có 30% là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số thì lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay vốn theo quy định này. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Thời hạn cho vay tối đa không quá 60 tháng (trước đây lãi suất cho vay là 7,8%/năm; chỉ có cơ sở SXKD dành cho người tàn tật mới được hưởng 50% lãi suất thời kỳ đó). Ngoài ra, đối với mức vay trên 50 triệu đồng, cơ sở SXKD phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật (quy định trước đây là các dự án trên 30 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay).
Phương thức cho vay: đối với cơ sở SXKD, hộ gia đình, hoặc người lao động vay vốn thuộc nguồn vốn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hội Người mù Việt Nam quản lý - NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp; đối với người lao động vay vốn thuộc nguồn vốn do: UBND cấp tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh Việt Nam quản lý, thì NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội và thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy định của NHCSXH.
Đặc biệt, cho vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) trả nợ gốc một lần khi đến hạn; cho vay trung hạn (trên 12 tháng) kỳ hạn trả nợ tối đa 6 tháng một lần do NHCSXH và người vay vốn thỏa thuận, kỳ hạn trả nợ đầu tiên tối đa 12 tháng được tính từ ngày người vay nhận món tiền đầu tiên. Một điểm mới nữa là các dự án thuộc nguồn vốn do UBND cấp tỉnh quản lý thì Chủ tịch UBND cấp huyện nơi thực hiện dự án phê duyệt. Còn dự án thuộc nguồn vốn do tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên; Liên đoàn Lao động, Liên minh Hợp tác xã, Hội Người mù thực hiện chương trình quản lý thì do Thủ trưởng cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội đó thực hiện chương trình phê duyệt.
PHẠM LÊ