Việc niêm yết công khai giá bán tại các chợ, cửa hàng kinh doanh đã được pháp luật quy định. Khi áp dụng quy định này vào thực tiễn cuộc sống đã bước đầu mang lại những kết quả đáng ghi nhận như giải quyết vấn đề bức xúc trong người dân khi bị "thách" giá, nâng giá quá cao so với thực tế hoặc tăng giá ảo, cố tình gây ra khan hiếm giả để tăng giá bán trục lợi, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu.
Việc niêm yết công khai giá bán tại các chợ, cửa hàng kinh doanh đã được pháp luật quy định. Khi áp dụng quy định này vào thực tiễn cuộc sống đã bước đầu mang lại những kết quả đáng ghi nhận như giải quyết vấn đề bức xúc trong người dân khi bị “thách” giá, nâng giá quá cao so với thực tế hoặc tăng giá ảo, cố tình gây ra khan hiếm giả để tăng giá bán trục lợi, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu. Điều này góp phần quan trọng trong việc làm lành mạnh hóa thị trường, quản lý được giá cả các mặt hàng, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của người dân, nhất là người nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh một số cá nhân, tiểu thương, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá bán các mặt hàng tại các chợ thì đa phần lại chưa thực hiện niêm yết giá.
Việc không niêm yết giá không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, khi họ thiếu thông tin nên đã mua hàng không đúng giá, kém chất lượng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của những người bán lẻ, tiểu thương ở các chợ. Bởi vì, do bị nâng giá, “thách giá” quá đáng nên người tiêu dùng không tin tưởng vào giá mà người bán đưa ra và họ sẽ tìm đến các siêu thị, trung tâm thương mại lớn để mua hàng, dù có thể đắt hơn đôi chút nhưng đổi lại chất lượng được đảm bảo và không bị “lố” do mua hàng quá đắt so với giá trị thực. Chính điều này làm cho người tiêu dùng mất lòng tin và hoạt động kinh doanh bán lẻ khó phát triển.
Việc niêm yết giá công khai còn góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động bán lẻ, khi mà nước ta đang mở cửa thị trường, cho phép các hãng bán lẻ quốc tế có tiềm lực kinh tế khổng lồ tràn vào. Vì vậy, nếu không sớm điều chỉnh và có cách tiếp cận mới sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến kinh doanh bán lẻ, bán hàng theo kiểu truyền thống tại các chợ - nét đặc thù trong kinh doanh, buôn bán hàng hóa ở nước ta. Khi đó các chợ, cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ sẽ có nguy cơ bị xóa sổ bởi hệ thống siêu thị, hãng buôn lớn. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến công ăn việc làm của hàng trăm ngàn người buôn bán lẻ và gia đình họ.
Thiết nghĩ, biện pháp hiệu quả hiện nay là đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về ý nghĩa và lợi ích lâu dài khi thực hiện việc niêm yết công khai các mặt hàng cho các tiểu thương, người buôn bán nhỏ ở chợ. Đồng thời, có các biện pháp xử lý mạnh tay hơn nữa đối với những trường hợp không tuân thủ quy định hoặc lợi dụng việc không niêm yết để nâng giá, ép giá để trục lợi.
VĨNH LINH