Họ mong muốn rằng, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng) giả, kém chất lượng, thì cần thông báo rộng rãi và công khai những cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng để nông dân yên tâm, biết nơi uy tín để lựa chọn, tránh "tiền mất, tật mang" khi mua phải vật tư nông nghiệp giả hoặc kém chất lượng.
Đó là ý kiến của nhiều cử tri các xã Gia Hiệp, Tân Châu, Hòa Nam, Tân Nghĩa... (huyện Di Linh) kiến nghị trong các lần tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội (đơn vị tỉnh Lâm Đồng) và đại biểu HĐND tỉnh, huyện, xã. Họ mong muốn rằng, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng) giả, kém chất lượng, thì cần thông báo rộng rãi và công khai những cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng để nông dân yên tâm, biết nơi uy tín để lựa chọn, tránh “tiền mất, tật mang” khi mua phải vật tư nông nghiệp giả hoặc kém chất lượng. Sở dĩ người nông dân còn băn khoăn và lo âu, là do trong những năm qua, tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường còn phổ biến, gây thiệt hại cho nông dân.
Trước tình trạng đó, UBND huyện Di Linh đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức các cuộc kiểm tra chuyên ngành để chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện. Riêng trong năm 2015, huyện Di Linh đã kiểm tra 44 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đã phát hiện 22 cơ sở vi phạm các quy định, như không niêm yết giá, kinh doanh không đúng địa điểm, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hàng hóa quá hạn sử dụng... Qua kiểm tra, 21 cơ sở đã bị xử lý vi phạm hành chính, nộp phạt gần 120.000.000 đồng. Đánh giá về chất lượng phân bón, Đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy 11 mẫu phân bón để kiểm định chất lượng. Kết quả kiểm định cho thấy, 2 mẫu phân bón kém chất lượng, nhưng trong mức cho phép.
Mặc dù huyện Di Linh đã quan tâm đến công tác kiểm tra, tuy nhiên, dư luận cho rằng, mức độ kiểm tra như thế là còn quá ít, chưa đầy đủ và thiếu liên tục, vì toàn huyện có tới hàng trăm cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Ngoài ra, điều mà nông dân còn nhiều băn khoăn hiện nay, là chất lượng cây giống cà phê để thực hiện việc tái canh. Toàn huyện có hàng chục cơ sở bán cây giống cà phê, nhưng chỉ có một vài cơ sở được cấp giấy chứng nhận chất lượng. Đây là vấn đề cần được các cấp, ngành chức năng xem xét, kiểm định để công khai cho nông dân biết!
XUÂN LONG