Đừng ép buộc con theo ý của mình

09:02, 29/02/2016

Bao giờ cũng vậy, hễ cứ chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyện nghiệp là không chỉ các em thí sinh lo toan suy nghĩ để chọn ra các chuyên ngành học tập phù hợp cho mình, cũng như tương lai nghề nghiệp ở phía trước được thuận lợi, sán lạn..., mà cha mẹ các em cũng có nhiều trăn trở suy tư trong định hướng nghề nghiệp của con cái mình.

Bao giờ cũng vậy, hễ cứ chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyện nghiệp là không chỉ các em thí sinh lo toan suy nghĩ để chọn ra các chuyên ngành học tập phù hợp cho mình, cũng như tương lai nghề nghiệp ở phía trước được thuận lợi, sán lạn..., mà cha mẹ các em cũng có nhiều trăn trở suy tư trong định hướng nghề nghiệp của con cái mình. Thực tế xã hội từ lâu cho thấy, chỉ có rất ít các bậc phụ huynh để quyền tự quyết định chọn nghề nghiệp cho con, và chỉ tham khảo, thảo luận và góp ý để con sáng suốt chọn đúng ngành nghề mình đam mê yêu thích và có tương lai. Còn lại thì đại đa số các bậc cha mẹ đều muốn con theo học ngành nghề theo ý của mình chọn, nghĩa là con bắt buộc phải đi theo định hướng nghề từ cha mẹ, mà cha mẹ không cần biết con có thích, hoặc có đủ năng lực để xét tuyển, thi tuyển vào hay không. Nhiều cha mẹ đã ra “chỉ thị” bắt con: “phải thi vào ngành này”, hay “phải học ngành kia”... Vẫn biết rằng, suy nghĩ và định hướng của cha mẹ đối với nghề nghiệp cho con cái là không sai, khi luôn muốn con có ngành nghề tốt để mai này ra đời có công việc tốt, thu nhập cao..., nhưng làm như vậy sẽ là áp đặt một cách cứng nhắc, và vô hình chung nó trở thành sự ức chế đối với con cái nếu như chúng không thích, hay không muốn hướng tới những ngành học như thế mà cha mẹ định hướng.
 
Tôi có một đứa em gái con nhà dì ruột, năm ngoái, em tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT (và cũng là thi tuyển sinh vào đại học), thì dì tôi hướng bắt con phải vào học ngành du lịch, bởi theo ý của dì là con gái học du lịch là rất tốt, công việc nhẹ nhành phù hợp với con gái, hơn nữa thu nhập cũng là kha khá khi thời nay ngành du lịch đã, đang phát triển mạnh mẽ vì vậy khi ra trường xin việc sẽ dễ dàng... Thế nhưng, con gái dì lại không thích và chưa bao giờ muốn học ngành này, mà ngành nó ước ao mong muốn từ lâu lại là: báo chí! Khi điểm thi tốt nghiệp THPT được công bố, đứa em tôi đã thừa cả khung điểm xét tuyển vào khoa Du lịch lẫn khoa Báo chí của một trường đại học danh tiếng. Nó có ý định cãi lời mẹ khi quyết định nộp hồ sơ để vào học khoa Báo chí, nhưng vì dì tôi gây áp lực quá lớn, thậm chí còn chửi mắng và nói sẽ... “từ” luôn, nếu như con gái ương bướng cãi lời. Từng đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành để vào đại học nên tôi hiểu và cảm thông với tâm trạng của cô em họ, và tôi cũng đã góp ý với dì với mong muốn dì đổi ý để cho cô em học theo chuyên ngành mình thích, nhưng dì vẫn khăng khăng một mực bảo thủ quan điểm của mình. Thế là cô bé phải nghe theo và bắt buộc vào học chuyên ngành du lịch mà mình không thích một chút nào. Qua gần 1 năm học đại học, từ một cô bé học giỏi suốt mấy cấp trung học, thi tuyển sinh đạt điểm cao ngất, vậy mà khi vào đại học, do bị bắt buộc ngành học không thích thú nên sức học của cô bé đi xuống trông thấy, mà bằng chứng là rất nhiều học phần của các môn học bị thi lại liên miên. Chuyện cô em tôi học sa sút cũng là điều dễ hiểu, và đó hệ hệ quả của sự bắt buộc từ cha mẹ...
 
Một trường hợp khác mà tôi cũng từng chứng kiến khi cha mẹ bắt ép con phải vào ngành học theo sự lựa chọn của mình, đó là con một người hàng xóm nhà tôi. Người cha thì khăng khăng bắt ép con phải nộp hồ sơ vào học ngành học trong một trường Giao thông, bởi ông có quen mấy người bạn già sắp về hưu làm Sở Giao thông một thành phố nọ, nên ý muốn nhờ vả để con mình có việc làm khi ra trường. Thế nhưng, thằng con trai cãi lời nhất quyết không nghe theo, vì nó muốn học chuyên ngành khác ở trường kinh tế. Khi thuyết phục con không được, ông bố đã đưa ra chiêu trò “mạnh” đó là sẽ “cấm vận” kinh tế nếu như con không nghe lời, nghĩa là không chu cấp tiền bạc, mà tự ý người con sẽ phải đi làm lấy tiền đi học. Nghĩ là sẽ khó lòng theo học được khi không có tiền, người con trai đã phải chấp nhận theo ý bố mà lòng không hề vui vẻ gì. Vào học trường Giao thông được 1 năm với tâm trạng chán nản, cậu con trai ấy đã quyết chí ôn thi tiếp để sang năm thi lại vào kinh tế, bởi cậu ta đã cảm thấy đủ tự lập được để lấy tiền đi học. Năm ngoái, cậu ta đã bỏ dở trường đang học để thi vào trường mình yêu thích và đã đậu. Không nhận tiền tài trợ từ bố mẹ, cậu ta đã đi làm thêm để lấy tiền đóng học phí, tiền sinh hoạt, và đã tách ra thuê trọ sống tự lập, mặc dù gia đình cậu ta cũng ở thành phố và thuộc diện khá giả.
 
Cha mẹ định hướng nghề nghiệp rồi bắt ép con cái học theo ngành nghề mình chọn không chỉ khiến các em không thích dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn, ức chế..., mà không ít cha mẹ cũng trở thành... “nạn nhân” với tác dụng ngược, khi nhiều em do bị bắt ép học ngành mà cha mẹ chọn, khi ra trường ngành học đó khó xin việc, hoặc xin được việc những lương bổng không thể sống nổi, lúc đó hẳn là cha mẹ sẽ khó tránh khỏi những trách móc hờn giận của con cái. Từng có không ít người con “hận” bố mẹ khi cãi lại như thế này: “Con ra trường thất nghiệp cũng tại vì cha mẹ đấy!”, hoặc “đáng lẽ bố mẹ để con học ngành kia thì giờ con có việc làm ngon, không phải thất nghiệp khổ sở như thế này...”.
 
Từ vài dẫn chứng và những nhìn nhận thực tế trên, mong rằng các bậc phụ huynh chỉ nên đóng vai trò trợ giúp, cùng con tham khảo, bàn luận... trong việc hướng nghề chọn nghiệp của chúng, để con toàn quyền quyết định việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình chứ đừng nên lạm dụng quyền làm cha làm mẹ để bắt ép con phải theo ý mình một cách áp đặt cứng nhắc...
 
Nguyễn Gia Long