Từ nhiều năm nay, người dân thuộc thôn Tân Phú I (xã Đinh Lạc) sống xung quanh khu vực trại heo của Công ty CP chăn nuôi Di Linh đã nhiều lần phản ánh tình trạng gây ô nhiễm môi trường của trại heo đến các cấp, các ngành chức năng, nhưng đến giờ vẫn chưa giải quyết được...
Từ nhiều năm nay, người dân thuộc thôn Tân Phú I (xã Đinh Lạc) sống xung quanh khu vực trại heo của Công ty CP chăn nuôi Di Linh đã nhiều lần phản ánh tình trạng gây ô nhiễm môi trường của trại heo đến các cấp, các ngành chức năng, nhưng đến giờ vẫn chưa giải quyết được, gây bức xúc trong dư luận.
|
Trang trại nuôi heo nằm ngay bên cạnh bảng thôn văn hóa |
Làm việc với Công ty CP chăn nuôi Di Linh, chúng tôi được ông Bùi Tấn Đạt - Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Di Linh cho biết, Công ty tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, thành lập năm 1979, sau 2 lần cổ phần hóa, đến năm 2002, trở thành công ty cổ phần với 100% vốn của các cổ đông bên ngoài. Công ty tọa lạc trên một diện tích 9,7ha, với 7 dãy chuồng chăn nuôi, có số lượng đàn heo hàng năm trên 800 con, trong đó, heo nái 200 con, heo thịt trên 600 con. Lúc mới được thành lập, khu vực xung quanh trại heo có rất ít người dân sinh sống, chủ yếu là vườn cà phê của công ty. Nhưng rồi, qua hàng năm, cùng với đội ngũ CBCNV của công ty nghỉ hưu, nghỉ việc, được hóa giá đất để định cư và người dân các nơi khác đến mua đất sinh sống, lập nghiệp, khiến khu vực dân cư xung quanh trại heo trở nên đông đúc. Do vậy, môi trường sống, môi trường thiên nhiên trở thành vấn đề đáng quan tâm. Thực tế, Công ty cũng đã quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường bằng việc xây dựng các hố ga xử lý nước thải, quy hoạch các bãi tập kết phân thải của đàn heo, có che bạt, xử lý hóa chất, thậm chí trộn cả chế phẩm khử mùi vào thức ăn công nghiệp cho heo… Tuy nhiên, do số lượng đàn heo khá lớn, lượng phân và nước thải xả ra hàng ngày lớn, với lại thức ăn của heo chủ yếu là cám công nghiệp dễ phát sinh ruồi nhặng… nên không tránh khỏi ô nhiễm môi trường. Mùa mưa, vấn đề không đáng bàn, nhưng vào mùa nắng, mùi hôi nồng nặc không chỉ xộc vào nhà dân, mà còn lan tỏa ra xung quanh với phạm vi lớn. Do đó, vào các thời điểm nắng nóng, hành khách lưu thông trên quốc lộ 20 ngang qua địa phận trại heo vẫn ngửi thấy mùi hôi.
Trước thực tế đó, Công ty đã nhiều lần đề nghị UBND huyện Di Linh có phương án di dời trại heo theo hai hướng: Hướng thứ nhất, hoán đổi vị trí bằng việc cấp đất mới có giá trị tương đồng với vị trí cũ, hội đủ yếu tố thuận lợi để trại heo của công ty có điều kiện duy trì, phát triển đàn heo. Hướng thứ hai là định giá tài sản, đền bù cho công ty và công ty tự đi tìm quỹ đất để xây dựng trại heo. “UBND huyện Di Linh cũng đã đồng ý chủ trương di dời trại heo ra khỏi khu dân cư nhưng đến nay do chưa tìm được quỹ đất, nên chưa di dời trại heo được” - ông Bùi Tấn Đạt cho biết thêm.
Làm việc với chúng tôi, ông Trần Văn Chiến - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Di Linh cho biết, quan điểm của UBND huyện là phải di dời trại chăn nuôi heo của Công ty CP chăn nuôi Di Linh ra khỏi khu dân cư và đã có quy hoạch khu trại trở thành khu dân cư, bởi lẽ: Việc gây ô nhiễm môi trường của trại heo là có thật và vào mùa nắng hạn, không chỉ bị hôi thối, mà còn là ổ sinh ra ruồi nhặng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, những năm qua, do chưa tìm được quỹ đất để hoán đổi vị trí cho Công ty CP chăn nuôi Di Linh, nên việc di dời trại heo bị chậm trễ. Nay UBND huyện đang giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành làm việc với Công ty CP chăn nuôi Di Linh, khảo sát thực địa, tìm quỹ đất để kiên quyết di dời trại heo. Trong thời gian sớm nhất, phòng sẽ tiến hành những công việc được giao, để tham mưu UBND huyện giải quyết dứt điểm việc di dời trại heo, đáp ứng yêu cầu của người dân và bảo vệ cảnh quan môi trường. Trước mắt, trong khi chờ đợi sự di dời, đề nghị Công ty CP chăn nuôi Di Linh có những biện pháp khoa học, hữu hiệu, hạn chế tối đa sự ô nhiễm môi trường và cần có sự hợp tác chặt chẽ, có trách nhiệm với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong giải quyết vụ việc theo hướng có lợi cả hai bên.
Hoàng Kiến Giang