Di Linh: Nhiều tuyến điện cần được thay mới

09:03, 23/03/2016

Thôn 2A, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, hiện có 86 hộ dân. Trước đây, để có tuyến điện này, tùy theo khoảng cách xa hay gần, mỗi gia đình trong thôn đóng góp từ 1,5 - 2,5 triệu đồng mua trụ kéo điện về thôn...

Thôn 2A, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, hiện có 86 hộ dân. Trước đây, để có tuyến điện này, tùy theo khoảng cách xa hay gần, mỗi gia đình trong thôn đóng góp từ 1,5 - 2,5 triệu đồng mua trụ kéo điện về thôn. Nhưng do thời gian sử dụng đã quá lâu mà chưa được thay thế mới, nên nhiều trụ điện đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Ông K’Dũng thôn 2A, xã Đinh Trang Hòa phản ánh: “Nhiều trụ điện ở đây đã có dấu hiệu mất an toàn: nghiêng, rỉ sét, gãy đổ..., còn dây điện thì sà xuống lòng thòng, làm cho chúng tôi luôn thấp thỏm, sợ điện rò rỉ gây nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa”. “Trên 15 năm rồi (từ năm 2000 đến nay), thử hỏi sao không xuống cấp cho được?”, ông K’Brem - Trưởng thôn 2A, xã Đinh Trang Hòa cho biết thêm. 
 
Dây điện lòng thòng và đang trở nên quá tải
Dây điện lòng thòng và đang trở nên quá tải
Theo ông K’Brem, không những gây mất an toàn, nhiều trụ điện nơi đây đã trở nên quá tải, là nguyên nhân của nhiều vụ mất điện cục bộ, nguy cơ chập điện rất cao. Bên cạnh đó, gần đây, nhu cầu phát triển các đường dây tải điện, cáp viễn thông, truyền hình cáp... ngày một tăng, lại thêm một số hộ dân khi tách hộ còn tự ý đấu nối điện từ nhà bố mẹ sang dẫn đến tuyến điện này luôn trong tình trạng quá tải. Chưa kể, vào mùa khô, nhiều người còn kéo dây điện từ nhà ra rẫy, để bơm nước phục vụ việc chống hạn... 
 
Ông Hàng Dờng Bồnh, Bí thư Đảng ủy xã Đinh Trang Hòa, xác nhận: Không riêng gì thôn 2A, nhiều nơi khác trên địa bàn xã tình trạng lưới, trụ điện cũng tương tự. Thậm chí, ở Khu kinh tế II, một số hộ dân còn chưa có cả điện thắp sáng. 
 
Ngoài những vấn đề trên, người dân xã Đinh Trang Hòa cho biết thêm, rất nhiều tuyến điện, dây điện dẫn vào nhà dân đã cũ kỹ, bong tróc lớp nhựa bên ngoài. Có những nhánh, tuyến dây điện đi xuyên qua bụi rậm, cây cối ven đường trông rất nguy hiểm.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Ngọc Dũng, Giám đốc Điện lực Di Linh, cho rằng, trong mùa khô, ông còn mong mưa hơn cả người dân. Bởi không có mưa, điện Di Linh luôn trong tình trạng quá tải. Thường thì 5 năm là đã phải thay thế tuyến mới. Nhưng ở Di Linh, có nhiều tuyến điện đã trên 10 năm. Do vậy, mất điện cục bộ là khó tránh khỏi. “Chúng tôi luôn xác định: khách hàng là đối tượng để phục vụ. Do đó, chúng tôi đã thành lập đội phản ứng nhanh để khi nhận được phản ánh của người dân, lập tức tiến hành kiểm tra, khắc phục các sự cố về điện trong vòng 2 tiếng đồng hồ” - ông Dũng chia sẻ.
 
Theo Điện lực Di Linh, tại Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia, khu vực Di Linh được đầu tư, cải tạo tổng số trên 79km đường dây trung áp, 73 trạm biến áp và hơn 110km đường dây hạ áp, 611công tơ điện, với mức đầu tư hơn 60.955 triệu đồng. Số hộ dân được thụ hưởng trong vùng dự án là 6.399 hộ. Từ dự án này, xã Đinh Trang Hòa được phân bổ đầu tư gần 13km đường dây trung áp, 14 trạm biến áp và trên 18km đường dây hạ áp, 284 công tơ điện, tổng chi phí đầu tư hơn 10.093 triệu đồng và 861 hộ dân được thụ hưởng. Còn các địa phương khác trong huyện (gồm 1 thị trấn và 17 xã) cũng được phân bổ đầu tư theo những hạng mục đã được dự án phê duyệt.
 
TRỊNH CHU