Lo ngại… phía thượng nguồn

05:03, 25/03/2016

Sự bồi lắng lòng hồ do tác động của con người, rác thải sinh hoạt, rác nông nghiệp… đang "tấn công" hồ Đankia - Suối Vàng, nguồn cung chính của các nhà máy cấp nước sinh hoạt cho cư dân phố núi Đà Lạt và một phần người dân của huyện Lạc Dương. Sự lo ngại về ô nhiễm nguồn nước sạch đang hiển hiện phía thượng nguồn.

[links()] Sự bồi lắng lòng hồ do tác động của con người, rác thải sinh hoạt, rác nông nghiệp… đang “tấn công” hồ Đankia - Suối Vàng, nguồn cung chính của các nhà máy cấp nước sinh hoạt cho cư dân phố núi Đà Lạt và một phần người dân của huyện Lạc Dương. Sự lo ngại về ô nhiễm nguồn nước sạch đang hiển hiện phía thượng nguồn.
 
Người dân sử dụng cơ giới để bạt núi san vườn
Người dân sử dụng cơ giới để bạt núi san vườn
Ngăn hồ lập ao
 
Một ngày trung tuần tháng ba, sau nhiều giờ xuyên rừng, men theo những con đường mòn bao quanh hồ Đankia - Suối Vàng, nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương, chúng tôi chứng kiến nhiều khu vực lòng hồ đang bị “xâm lấn” và “hẹp” dần. Giữa mùa nứt nẻ ruộng đồng, mùa khô Nam Tây Nguyên, đứng trên nền đất là bãi bồi thuộc khu vực lòng hồ, nhìn sang phía quả đồi giữa lòng hồ, những chiếc xe ủi, xe múc vẫn đang hoạt động, những khối đất đỏ bazan đang được cào ra khỏi núi, xếp lớp xuống lòng hồ. Theo quan sát, khu đất vừa được khỏa tràn ra lòng hồ này cao hơn mực nước hồ mùa khô gần 2m, phía giáp mép nước được gia cố bằng một lớp đá khá lớn.
 
Cách đó không xa, những khoảnh vườn đất đỏ còn tơi xốp, ai đó vừa đổ xuống, bóp nghẹt một phần lòng hồ chứa nước, hình thành một mảnh vườn có rào chắn bên đường và một cái “ao riêng” đang lộ dần. Mảnh vườn doi ra phía lòng hồ đến 5m, khá bằng phẳng, cao hơn mặt nước khoảng 2m, được chủ vườn rào chắn bằng lưới thép để phân ranh. Có đoạn, người dân còn “tự nhiên” làm con đường chặn ngang một nhánh suối cung cấp nước cho hồ để chuyên chở nông sản giữa các khu vườn rau, hoa.
 
Trưa đứng bóng. Dọc nhánh hồ Đankia - Suối Vàng đang bị “bóp họng”, vài người dân vẫn bình thản buông lưới, dưới lòng hồ nhiều thanh niên đang mò mẫm tìm con cá suối và một bếp than dã chiến đang hừng hực cháy cạnh mép nước. Khi chúng tôi đưa máy ảnh lên, nhiều người đã quay mặt vào trong… Và, phía sườn đồi bên kia, bạt ngàn bông trắng cà phê như những dấu lặng giữa mùa khô Tây Nguyên. Đứng cạnh tôi ngay giữa doi đất bãi bồi, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Lạc Dương Hoàng Văn Hãnh, cho biết: “Khi phát hiện người dân san ủi trái phép tại đây, cơ quan chức năng của huyện đã lập biên bản và đình chỉ từ năm ngoái…”. Tuy nhiên, màu đất đỏ còn tươi mới cũng lộ ra nhiều điều…
 
Chỉ tay về phía núi giữa lòng hồ, nơi có những chiếc máy múc, máy ủi, xe ben đang hoạt động, ông Hãnh, bộc bạch: “Ngoài các mảnh vườn đã hình thành trước đó, vị trí đang được người dân san lấp xuống lòng hồ là vi phạm. Tuy nhiên, phải tiến hành đo đạc mới xác định được diện tích lòng hồ bị xâm lấn”.
 
Khi chúng tôi nêu vấn đề, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Phạm Triều cho rằng, các điểm người dân san bạt, ủi đất làm vườn đều nằm ngoài phạm vi lòng hồ Đankia - Suối Vàng và đất đã được cấp sổ. Riêng khu vực nhánh hồ (suối Păng Rắch cung cấp nước cho hồ Đankia - Suối Vàng), người dân san lấp trái phép, huyện đang chỉ đạo cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
 
Rác rình rập đầu nguồn 
 
Ngoài việc bị người dân lấn chiếm lấy đất lập vườn, hồ Đankia - Suối Vàng còn bị uy hiếp bởi nguy cơ bồi lắng từ việc một số tổ chức, cá nhân “vô tư” khai thác cỏ đưa về phố thị làm đẹp cho công trình, kiến tạo sân vườn các ngôi biệt thự; việc san ủi đất và ô nhiễm do các nguồn rác thải trong sản xuất nông nghiệp, rác thải sinh hoạt luôn rình rập phía đầu nguồn. 
 
Theo hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi rẽ vào cánh rừng ở khu vực thượng nguồn, thuộc địa bàn thị trấn Lạc Dương. Vào sâu chừng nửa cây số, một bãi rác nửa lộ thiên, nửa vừa được ai đó chôn lấp sơ sài nằm ngay dưới tấm bảng đề dòng chữ “Ranh giới Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà”. Người dẫn đường cho biết, bãi rác trên đã xuất hiện cả tháng nay, nằm trên sườn đồi có độ dốc lớn, nên khi gặp trận gió hoặc mùa mưa đến, rác sẽ bị cuốn xuống lòng hồ Suối Vàng. “Có thể, rác được đưa vào đây bằng ô tô, bởi trên những thân cây thông, dấu sơn còn khá mới, do những chuyến xe mang rác vào khu vực này “vướng” lại?!” - người này nhận định.
 
Rác thải sinh hoạt và nông nghiệp ở hồ Đankia - Suối Vàng
Rác thải sinh hoạt và nông nghiệp ở hồ Đankia - Suối Vàng
Cắt rừng, vòng quanh hồ Suối Vàng, tại những cánh rừng thông phía thượng nguồn, gần mép hồ, một lượng lớn bao ni lông, hộp xốp, vỏ chai nhựa… có thể do một số du khách dã ngoại thiếu ý thức để lại, cùng với rác thải nông nghiệp bồng bềnh trôi xuống hồ. Chưa kể rác, nước thải từ phía hàng chục hàng quán tạm bợ, tự phát “mọc” lên bên hồ…, khiến môi trường phía thượng nguồn cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cư dân TP. Đà Lạt và cả người dân thị trấn Lạc Dương trong tình trạng báo động.
 
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho rằng, đã ghi nhận thông tin về sự xuất hiện của bãi rác này. Bước đầu, huyện nhận định có thể do cơ sở kinh doanh du lịch nào đó quanh khu vực gây ra?! Cùng với việc xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm, cơ quan chức năng sẽ giải quyết hậu quả, cho dọn sạch bãi rác trước khi mùa mưa đến.
 
Lòng hồ Đankia - Suối Vàng đang bị “xâm lấn”, cùng với rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp hàng ngày “tấn công” nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân Đà Lạt. Nhiều người lo lắng, liệu nước máy được sản xuất từ nguồn nước của hồ Suối Vàng có thực sự sạch và an toàn? Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Lâm Đồng Võ Quang Tuân, xác nhận: Có hiện tượng ô nhiễm, do người dân san lấp làm lòng hồ bồi lắng và rác thải, khiến nguồn nước tăng độ đục. Qua quan trắc, tuy mức độ ảnh hưởng vẫn trong ngưỡng cho phép, nhưng phải tiến hành xử lý. Theo ông Tuân, thực tế, lượng nước của hồ đã giảm hàng triệu mét khối so với trước đây, do ảnh hưởng của tình trạng san lấp, khai phá đất đai của người dân. “Rác hữu cơ không ngại, nhìn nguồn nước đục, nhưng ít ảnh hưởng. Lo nhất là dư lượng của thuốc bảo vệ thực vật, do canh tác nông nghiệp gần lòng hồ…” - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Lâm Đồng bộc bạch.
 
Hồ Đankia - Suối Vàng có trữ lượng khoảng 20 triệu m 3, là nguồn cung cấp nước thô cho hai nhà máy sản xuất nước sinh hoạt chính cho cư dân TP Đà Lạt, gồm Nhà máy nước sạch Đankia - Suối Vàng, thuộc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Lâm Đồng và Nhà máy Đankia 2, do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đầu tư Tổng hợp và Hợp tác quốc tế (GELEXIM) đầu tư kinh doanh. Theo Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Lâm Đồng, công suất hai nhà máy này đạt 60.000m 3 mỗi ngày, trong khi bình quân tiêu dùng của TP. Đà Lạt khoảng 45.000m 3/ngày, mùa cao điểm khoảng 50.000m 3.
 
KDL Hồ Đankia - Suối Vàng là một trong những điểm du lịch dã ngoại không thể bỏ qua, trong hành trình khám phá Đà Lạt của du khách. Tuy nhiên, nguồn nước, môi trường quanh hồ Đankia - Suối Vàng đang bị xâm hại, khiến nhiều người lo lắng. Mai này, không biết có được “gạn đục, khơi trong”.
 
Phóng sự: THỤY TRANG