Phụ gia thực phẩm không nguồn gốc và nhãn mác bán tràn lan

05:03, 11/03/2016

Hiện nay, các loại phụ gia thực phẩm không nguồn gốc, nhãn mác và không được kiểm soát về chất lượng với giá cả rẻ bèo đang được bày bán tràn lan và công khai trên thị trường. Thực trạng này, khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Hiện nay, các loại phụ gia thực phẩm không nguồn gốc, nhãn mác và không được kiểm soát về chất lượng với giá cả rẻ bèo đang được bày bán tràn lan và công khai trên thị trường. Thực trạng này, khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
 
Các chất phụ gia không nhãn mác, nguồn gốc đang được bày bán tràn lan tại chợ Bảo Lộc
Các chất phụ gia không nhãn mác, nguồn gốc đang được bày bán tràn lan tại chợ Bảo Lộc
Tràn lan phụ gia “giá bèo”
 
Nhiều ngày qua, trong vai người tiêu dùng, chúng tôi đã đến các quầy, sạp bán hàng khô tại Chợ trung tâm Bảo Lộc và nhiều cửa hàng bán tạp hóa trên địa bàn TP Bảo Lộc để tìm hiểu về thông tin các chất phụ gia trong chế biến thực phẩm không nguồn gốc và nhãn mác bày bán tràn lan. Theo ghi nhận của chúng tôi, các loại phụ gia thực phẩm có giá rẻ bèo, không có nguồn gốc, nhãn mác, như hàn the, đường hóa học, các loại phẩm màu, bột ngọt, bột ninh nhừ, sa tế, cùng các loại tương ớt… đang được bày bán trôi nổi, công khai trên thị trường. 
 
Khi chúng tôi hỏi mua hàn the (một loại phụ gia đã bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm), thật ngạc nhiên khi các chủ quầy sạp chuyên bán hàng khô tại đây đều niềm nở mời chào. Một chủ quầy sạp chắc giọng: “Cháu mua hàn the nhiều không, vào đây cô bán cho. Hàn the có tác dụng làm giòn, dai và bảo quản thực phẩm được lâu, nên người ta hay mua về làm chả giò, bánh phở, bún, bánh cuốn và bảo quản thịt! Không riêng gì ở Bảo Lộc, mà hầu như các quán bún, phở, quán nhậu và đặc biệt là các cơ sở làm chả giò ít hay nhiều đều phải dùng hàn the. Không dùng hàn the thì thực phẩm nhanh ôi thiu, bán làm sao có lời được”. Vừa giải thích công dụng của hàn the, bà chủ bán hàng vừa lấy ra một bao bột màu trắng đã được sang chiết thành hàng chục gói nhỏ, bên ngoài các gói bột này không ghi nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng thành phần hay hướng dẫn sử dụng gì cả, rồi nói: “Mỗi bịch nhỏ là 5 ngàn đồng, cháu mua bao nhiêu cô lấy cho. Lấy nhiều thì cô bớt chút đỉnh, còn không cháu lấy 1 bịch về dùng thử. Lần sau, có nhu cầu thì tới đây. Cháu muốn mua bao nhiêu cũng có!”.
 
Chúng tôi tiếp tục đến các quầy sạp bán hàng khô khác để hỏi mua phẩm màu. Thấy tôi đang quan sát, một chủ quầy sạp liền mời: “Em mua gì? Vào đây chị bán cho”. Khi chúng bảo muốn mua ít bột màu về làm mứt và nấu xôi, chị bán hàng liền bảo: “Ở đây chị có 4 màu xanh, đỏ, tím, vàng, em mua loại nào. Đây không phải là phẩm màu tự nhiên, nhưng màu sắc rất đẹp, có thể nấu xôi, làm mứt và để ướp tất cả các loại thịt. Nhất là sườn heo để nướng và gà ướp loại bột này dai, nướng hay luộc đều giòn ngon lắm!”.
 
Khi tôi hỏi xuất xứ và hạn sử dụng thì chủ quầy trả lời không biết. Do giá rẻ, dễ bán nên lấy về bán cho khách thôi. Hầu hết các loại phẩm màu này đều được bán công khai và có giá rẻ bèo từ 3-5 ngàn đồng/1 bịch 100gam.
 
Buông lỏng quản lý
 
Tuy các loại chất phụ gia thực phẩm nói trên đang được bán tràn lan với giá rẻ bèo, nhưng công hiệu của chúng thì chẳng “bèo” chút nào. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với các loại phẩm màu, mỗi bịch hay ống có một màu sắc riêng và mang mùi hương của một loài củ, quả nhất định như dứa, dâu, cam, nghệ, gừng,… nên khách hàng tha hồ lựa chọn. Thậm chí, có nhiều loại hóa chất như bột soda dùng để hầm nhừ xương trong 20 phút mà không cần dùng nồi áp suất… cũng được bán công khai với số lượng không giới hạn. Tuy nhiên, không ai biết được khi ăn những loại hóa chất này vào cơ thể sẽ gây ra hậu quả gì, bởi cả người bán và người mua đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ của các loại hàng hóa này.
 
Ông Huỳnh Hải Nam - Trưởng Phòng Y tế Bảo Lộc cho biết: “Việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được chúng tôi triển khai theo kế hoạch định kỳ. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Phòng Y tế đã phối hợp với Phòng Kinh tế tiến hành kiểm tra ATVSTP tại các cơ sở buôn bán, kinh doanh thực phẩm công nghiệp chế biến và dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Riêng các chất phụ gia thực phẩm nói chung và các loại phẩm màu nói riêng, từ trước đến nay, đơn vị chưa tiến hành kiểm tra nên chưa thể phát hiện hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng. Hiện tại, trách nhiệm quản quý các phụ gia chế biến thực phẩm thuộc quyền của Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh”.
 
Theo Đội QLTT số 3 tại TP Bảo Lộc (thuộc Chi cục Quản lý Thị trường Lâm Đồng), để đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và hàng nhập lậu, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 62 cơ sở, tiệm tạp hóa kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, bia rượu và thực phẩm đóng hộp tại 3 địa phương Di Linh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc. Qua đó, phát hiện 59 cơ sở vi phạm các quy định về ATVSTP như người bán hàng chưa khám sức khỏe, chưa tập huấn kiến thức về ATVSTP… “Riêng các chất phụ gia thì đơn vị chưa tiến hành kiểm tra và cũng chưa phối hợp với bất cứ đơn vị nào tại địa phương để tiến hành kiểm tra, nên chúng tôi không nắm được” - ông Đặng Quốc Khánh, Đội trưởng Đội QLTT số 3 cho biết.
 
Trong khi đó, ông Vũ Thành Công - Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc giải thích: “Vấn đề kiểm tra, kiểm soát các chất phụ gia thực phẩm không đảm bảo chất lượng bán trôi nổi trên thị trường là vấn đề hết sức khó khăn. Bởi lẽ, ngoài việc thiếu hụt đội ngũ cán bộ có chuyên môn thì các quy định còn chồng chéo dẫn đến khó phân định trách nhiệm quản lý của các ngành chức năng đối với các mặt hàng thực phẩm. Đơn cử như các sản phẩm bánh kẹo nói chung do Phòng Kinh tế quản lý, nhưng các chất phụ gia thực phẩm có trong bánh kẹo lại do Ngành Y tế quản lý…”.
 
Việc các chất phụ gia thực phẩm được bán tràn lan trên thị trường đang trở thành một vấn nạn nhức nhối. Trong khi đó, các ngành chức năng địa phương lại chưa có hướng kiểm soát phù hợp, nếu không muốn nói là đang buông lỏng.
 
KHÁNH NGUYỄN