Mặc dù đã có công văn gửi đến trước và tất cả đều là những công ty lớn, tiêu biểu trong cộng đồng doanh nghiệp Lâm Đồng, thế nhưng khi kiểm tra thực tế tại cơ sở, tất cả các đơn vị này đều mắc lỗi vi phạm về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN)...
Mặc dù đã có công văn gửi đến trước và tất cả đều là những công ty lớn, tiêu biểu trong cộng đồng doanh nghiệp Lâm Đồng, thế nhưng khi kiểm tra thực tế tại cơ sở, tất cả các đơn vị này đều mắc lỗi vi phạm về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN). Câu hỏi được đặt ra, phía sau lợi nhuận kinh doanh, liệu các doanh nghiệp đã thực sự quan tâm đến sức khỏe, tính mạng của người lao động hay chưa?
|
Những doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực sản xuất hàng may mặc có nguy cơ xảy ra cháy cao, nhưng rất thiếu những tấm biển cảnh báo, hướng dẫn PCCN |
Nguy cơ mất an toàn từ những lỗi nhỏ nhất
Theo số liệu tổng hợp báo cáo của Bộ LĐTB&XH: năm 2015 cả nước xảy ra 7.260 vụ tai nạn lao động. Trong đó, số người chết là 666 người và bị thương nặng là 1.704 người; thiệt hại về vật chất ước tính hàng ngàn tỷ đồng. Về cháy nổ xảy ra 2.792 vụ, 62 người chết, 264 người bị thương nặng, thiệt hại ước tính gần 2.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn lao động chết người do lỗi người sử dụng lao động chiếm tới 54%, người lao động chiếm 21%. Các nguyên nhân dẫn tới tai nạn chủ yếu vẫn là không thực hiện đúng quy trình, biện pháp về an toàn lao động; không tổ chức huấn luyện, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân và chưa hướng dẫn kỹ quy trình vận hành máy móc, thiết bị...
Riêng tại Lâm Đồng, năm 2015 xảy ra 17 vụ tai nạn lao động, làm 8 người chết, 9 người bị thương nặng, thiệt hại tài sản gần 10 triệu đồng. Về cháy nổ xảy ra 55 vụ, làm 7 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 5 tỷ đồng. Các vụ tai nạn chủ yếu tập trung vào các ngành nghề như: thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng, chế biến lâm sản, du lịch mạo hiểm...
|
Điều gì sẽ xảy ra khi chẳng may tại khu vực văn phòng của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng bị hỏa hoạn, trong lúc, một số bình chữa cháy để trong các thùng bị khóa chặt, rất khó để lấy ra sử dụng? Tính mạng của du khách sẽ ra sao khi ngồi trên những chiếc xe điện bánh hơi được chuyển qua động cơ xăng khi thưởng lãm khung cảnh thơ mộng của Thung lũng Tình Yêu nhưng chưa qua kiểm định và các nhân viên lái xe chưa có chứng chỉ hành nghề? Và khi công nhân của Công ty cổ phần May Nhà Bè bị tai nạn lao động, chấn thương dẫn đến mất máu nhưng trong tủ thuốc sơ cấp cứu lại chỉ có vài miếng băng gạc và lọ oxy già đã hết hạn sử dụng? Hậu quả là điều ai cũng có thể mường tượng ra.
Điều đáng tiếc ở đây, những lỗi tưởng chừng nhỏ nhưng rất nhiều công ty, doanh nghiệp đang kinh doanh, trực tiếp sản xuất bị liệt vào “danh mục” có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao như: thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng, chế biến lâm sản, du lịch mạo hiểm, may mặc... thường hay mắc phải.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Phòng Việc làm - ATLĐ, Sở LĐTB&XH Lâm Đồng cho biết: “Phần lớn những vi phạm trong vấn đề ATVSLĐ - PCCN mà các công ty còn tồn tại và tưởng chừng như không thể gây ra mất an toàn lại đem đến những nguy cơ tiềm ẩn gây ra tai nạn lao động rất cao, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người lao động khi tham gia sản xuất”.
Kiểm tra thực tế cho thấy, việc thực hiện các vấn đề về ATVSLĐ - PCCN tại các đơn vị phần nhiều vẫn nặng về hình thức, mang tính đối phó và thiếu chiều sâu. Ngay tại một doanh nghiệp lớn có tiếng tại Lâm Đồng như Công ty cổ phần Bình Điền, chuyên sản xuất các loại phân bón nên công nhân là người trực tiếp phải đối mặt với môi trường độc hại, thế nhưng, tại đây, hệ thống thông gió vẫn chưa được đảm bảo; việc niêm yết quy trình vận hành thiết bị có yếu tố nguy hiểm vẫn chưa được lắp đặt đầy đủ; các thiết bị chưa được che chắn cũng như nhiều bộ phận công nhân vẫn không mang thiết bị bảo hộ lao động; đội ngũ PCCC tại công ty vẫn còn lúng túng và chưa thuần thục khi sử dụng các phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Ở tại một số công ty chuyên về lĩnh vực may mặc, sản xuất tơ lụa như Công ty May Nhà Bè; Công ty cổ phần Tơ lụa Bảo Lộc, Công ty cổ phần Scavi..., nơi có nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn cao lại mắc rất nhiều lỗi liên quan đến vấn đề PCCC. Nhiều xưởng sản xuất chất đầy vải vóc, nhưng tất cả các cửa thoát hiểm đều bị đóng chặt, nhiều phương tiện PCCC đã hết hạn sử dụng hoặc rất khó thao tác khi có sự cố xảy ra; không niêm yết các hướng dẫn về PCCC theo quy định và không kiểm tra các hệ thống chống sét; còn các đội PCCC cơ động tại đơn vị được thành lập theo kiểu cho có, bởi khi kiểm tra các phương án triển khai chữa cháy, tất cả đều không thực hiện được.
|
Nhiều công nhân sản xuất trong môi trường độc hại nhưng nhà xưởng vẫn chưa lắp đặt hệ thống thông gió |
“Lo lương cho công nhân đã đủ mệt, nên nhiều khi cũng chẳng để ý”
Vẫn biết lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh là mục tiêu cuối cùng mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều hướng tới. Tuy nhiên, sự phát triển của mỗi công ty liệu có bền vững khi sức khỏe, tính mạng của người lao động không được đảm bảo. Bởi đây là đội ngũ trực tiếp tham gia sản xuất, làm ra chất lượng sản phẩm, yếu tố quyết định mang đến sự thành công cũng như thương hiệu cho mỗi doanh nghiệp.
Nhưng rất nhiều lãnh đạo của các đơn vị khi được đoàn kiểm tra nhắc nhở, kiến nghị, đề xuất khắc phục các lỗi vi phạm lại vẫn vin vào cái cớ, dù vẫn biết nhưng mải lo lương thưởng cho hàng trăm công nhân nên nhiều khi cũng không để ý đến những lỗi tưởng chừng nhỏ nhặt đó.
Đây cũng là điều mà ông Nguyễn Trung Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tơ lụa Bảo Lộc biện minh cho lý do các xưởng sản xuất tại công ty này thiếu rất nhiều các phương tiện cũng như quy định về ATVSLĐ - PCCN. Nhưng nếu nghĩ đến sức khỏe của hàng trăm công nhân đang từng ngày, từng giờ hoạt động trong tiếng ồn của hàng trăm chiếc máy dệt, máy xe sợi sẽ ảnh hưởng như thế nào khi công ty vẫn chưa thực hiện việc đo kiểm môi trường lao động và đồng thời vẫn không thực hiện việc khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tính mạng con người và tài sản của công ty sẽ thiệt hại như thế nào khi hàng ngàn tấn vải vóc, tơ lụa phát cháy khi công ty không lắp đặt các hệ thống chữa cháy vách tường cũng như hệ thống báo cháy tự động... Việc khắc phục các lỗi có nguy cơ gây mất VSATLĐ - PCCN nêu trên không khó, nếu lãnh đạo, quản lý của các công ty quan tâm khắc phục những sự cố liên quan đến vấn đề an toàn cho người lao động, nếu không muốn những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra.
Theo khẳng định của ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Phòng Việc làm - ATLĐ, của Sở LĐTB&XH Lâm Đồng thì: Việc tạo một môi trường lao động an toàn, không độc hại, không tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ, mất vệ sinh; đảm bảo cho người lao động được hưởng những chế độ bảo vệ cả về vật chất lẫn tinh thần luôn phải được đặt lên hàng đầu. Và cho dù lí do gì đi nữa, nếu những yếu tố trên không được đảm bảo, cũng là điều không thể chấp nhận được.
Liên tiếp những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây trên phạm vi toàn quốc, dẫn đến thiệt hại to lớn về tài sản cũng như những mất mát không thể bù đắp về tính mạng con người, đã là câu trả lời rõ ràng nhất cho những ai xem nhẹ vấn đề đảm bảo ATVSLĐ - PCCN trong sản xuất. Tạo ra một môi trường lao động an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người lao động luôn là mục tiêu mà toàn xã hội hướng tới, và với mỗi doanh nghiệp muốn hướng tới sự phát triển bền vững, người lao động phải luôn được xem là tài sản đáng giá nhất.
* Ông Phạm Văn Được - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh: Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đã thực hiện khá tốt thời gian làm việc và nghỉ ngơi cho người lao động cũng như các chế độ bồi dưỡng cho các đối tượng làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, việc huấn luyện an toàn lao động cho các nhóm đối tượng từ 1 đến 4 theo Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 vẫn còn chấp hành chưa nghiêm. Chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ về ATVSLĐ theo quy định tại Thông tư số 01/2011/TT-BLĐTBXH-BYT của Bộ LĐTB&XH và Bộ Y tế.
* Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng khoa Y Sức khỏe Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng Lâm Đồng: Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, may mặc vẫn chưa thực hiện việc đo kiểm môi trường lao động theo quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BYT ngày 6/6/2011 của Bộ Y tế. Chưa thành lập đội sơ cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; chưa có bộ phận y tế, các túi sơ cấp cứu; các tủ thuốc chỉ trưng bày mang tính hình thức. Việc đào tạo, tập huấn VSLĐ và công tác sơ cấp cứu chưa được Sở Y tế và Trung tâm YTDP thẩm định.
* Ông Đặng Văn Ngọc - Cán bộ Cảnh sát PCCC tỉnh: Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn hay vi phạm việc chưa lắp đặt các biển cấm, biển cảnh báo cháy, nguy hiểm tại những nơi có nguy cơ xảy ra cháy nổ. Kiểm tra hệ thống cung cấp gas, khí đốt vẫn chưa thường xuyên; nhiều nơi không trang bị hệ thống chống sét đánh thẳng. Nhiều khu vực nhà hàng, khách sạn, văn phòng chưa lắp đặt hệ thống báo cháy tự động. Đặc biệt, các phương tiện PCCC không được kiểm tra thường xuyên, nhiều bình vòi gỉ sét, hết hạn sử dụng. Việc mua bảo hiểm cháy nổ cũng như thực tập các phương án chữa cháy theo quy định còn lơ là, thiếu thường xuyên.
* Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Phòng VL-ATLĐ, Sở LĐTB&XH: Ngoài các đợt kiểm tra định kỳ, trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên ngành khác để thường xuyên tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật ATVSLĐ - PCCN tại các công ty đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Để hướng dẫn và giúp đỡ các doanh nghiệp hiểu cũng như thực hiện tốt các quy định về ATVSLĐ, chúng tôi thường chỉ đề xuất, kiến nghị, nhắc nhở để họ chấp hành tốt hơn, bảo đảm an toàn cũng như chế độ cho người lao động. Sau mỗi đợt kiểm tra, chúng tôi sẽ tiến hành phúc tra, nếu như những đơn vị nào không chấp hành nghiêm, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý.
|
TUẤN LINH